Ngành rau củ quả nỗ lực giải 'bài toán' Thủ tướng đặt ra 

(Chinhphu.vn) - Xây dựng chuỗi nông sản đáp ứng truy xuất nguồn gốc, gắn với tín hiệu thị trường, hướng tới chế biến sâu để nâng cao giá trị là những giải pháp quan trọng để ngành nông nghiệp Việt Nam trong 10 năm tới đứng vào TOP 15 thế giới.

 

Vào TOP 15 thế giới cũng là “bài toán” mà Thủ tướng Chính phủ  Nguyễn Xuân Phúc đặt ra cho ngành nông nghiệp.

Trở lại với thực tế ngành nông nghiệp nói chung và rau củ quả nói riêng của Việt Nam hiện nay, chúng ta thấy rằng, xuất khẩu rau củ quả đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu đạt hơn 3,5 tỷ USD, tăng trên 40% so với năm 2016. Trong 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu ngành rau củ quả đạt 2,29 tỷ USD và dự kiến cả năm nay sẽ đạt 4 tỷ USD.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp nói chung, sản xuất rau củ quả nói riêng vẫn còn tồn tại tình trạng “được mùa mất giá”, sản xuất dư thừa nhưng thiếu sản phẩm đạt chất lượng cho xuất khẩu, sản xuất khó tiêu thụ trong khi người tiêu dùng trong nước phải loay hoay tìm nguồn thực phẩm an toàn…

Xây dựng chuỗi nông sản gắn với tín hiệu thị trường

Theo các chuyên gia, để tình trạng “được mùa, mất giá” không trở thành nỗi lo với người làm nông nghiệp thì việc sản xuất phải theo tín hiệu thị trường. Muốn sản xuất theo tín hiệu thị trường phải có sự kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ. Sản xuất theo chuỗi sẽ giải quyết được đầu ra sản phẩm, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc.

Là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh sẽ ban hành kế hoạch tổ chức sản xuất hàng nông sản chủ lực gắn với truy xuất nguồn gốc hướng vào thị trường nội địa, trọng tâm là hai thành phố có sức tiêu thụ lớn là TPHCM, Hà Nội và một số tỉnh thành khác. Mục tiêu đến 2020 các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh sẽ có vùng nguyên liệu ban đầu gắn với truy xuất nguồn gốc, làm tiền đề để mở rộng sản xuất lớn của cả tỉnh đối với các mặt hàng nông sản thực phẩm, cũng như đáp ứng cho các DN chế biến.

Tại hội thảo xây dựng và phát triển chuỗi ngành hàng nông sản chủ lực gắn với truy xuất nguồn gốc được tổ chức gần đây tại Đồng tháp, với sự tham gia của nhiều DN và hệ thống phân phối lớn tại TPHCM, ông Nguyễn Thanh Hùng cho biết, Đồng Tháp đã và đang thực hiện các giải pháp về xây chuỗi giá trị nông sản như tổ chức sản xuất lớn, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Trên cơ sở “đặt hàng” của TPHCM và các hệ thống phân phối lớn như Saigon co.op, Satra...  Đồng Tháp sẽ sắp xếp chuỗi giá trị gắn với thị trường và lấy tín hiệu thị trường là thông tin quan trọng để tổ chức sản xuất.

Cũng như Đồng Tháp, tỉnh Tây Ninh có lợi thế về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tây Ninh có quỹ đất phát triển nông nghiệp chiếm trên 85% (gần 370.000 ha) diện tích đất tự nhiên; địa hình khá bằng phẳng, thuận tiện sử dụng cơ giới trong sản xuất với quy mô lớn; đất đai thích nghi với nhiều loại nông sản nhiệt đới có giá trị cao.

Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh cho biết, trong giai đoạn năm 2017 - 2020, tỉnh sẽ xây dựng mô hình điểm, phát triển kinh tế nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và hội nhập quốc tế, nhằm tìm đầu ra ổn định và giúp các hộ nông dân nâng cao thu nhập.

Để hiện thực hóa chủ trương trên, ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đã và đang đẩy mạnh liên kết giữa các khâu trong chuỗi sản xuất, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với thị trường. Đẩy mạnh thu hút, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Tiêu biểu là 2 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nông trường mía đường và dự án chế biến nông sản Tanifood.

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Tây Ninh mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tỉnh Tây Ninh phải trở thành trung tâm sản xuất, chế biến nông sản chất lượng cao của cả nước; một hình mẫu đi lên, làm giàu bằng nông nghiệp.
 

Sau khi tham quan mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là dự án chế biến nông sản Tanifood, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hoan nghênh Công ty Cổ phần Lavifood đầu tư nhà máy hiện đại, chế biến sâu này. 
Ông Phạm Ngô Quốc Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lavifood, cho biết, Nhà máy chế biến rau củ quả công nghệ cao Tanifood là mắt xích quan trọng trong việc thực hiện chuỗi giá trị nông nghiệp. Trong đó chế biến sâu sẽ giúp nông dân tăng thu nhập và nâng cao giá trị nông sản Việt.
 
Ông Thắng cho biết, mục tiêu của nhà máy Tanifood khi đi vào hoạt động vào cuối năm 2018 là sẽ tiêu thụ 500 tấn nguyên liệu/ngày với các mặt hàng như xoài, khóm, thanh long, mãng cầu, chuối… Hiện nay, các đơn hàng của các tập đoàn lớn đối với nhà máy Tanifood đã lên đến 200 triệu USD và đang có nhiều khách hàng lớn khác đặt hàng cho nhà máy. 

Hướng tới chế biến sâu nâng cao giá trị

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, khâu chế biến và thị trường vẫn là những điểm yếu của mặt hàng rau quả, trái cây Việt Nam khi sản lượng của ngành này đạt tới 22 triệu tấn/năm, nhưng mới chế biến được 9%.

Ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ, cho rằng, việc đẩy mạnh chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp là xu hướng mà Việt Nam cần hướng tới, bởi nông sản của Việt Nam chúng ta thường mang tính mùa vụ. Bên cạnh đó, việc chế biến sâu sẽ mang lại giá trị cao hơn cho nông sản. Hiện nay, Việt Nam mới xuất khẩu rau củ quả đạt hơn 3,5 tỷ USD năm 2017, trong khi tiêu thụ các mặt hàng này của thế giới có thể đạt tới giá trị hơn 317 tỷ USD vào năm 2021, do đó dư địa phát triển cho ngành rau củ qủa Việt Nam còn rất lớn.

Đón đầu xu hướng này, thời gian qua đã có nhiều DN trong ngành rau quả Việt Nam mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất, đổi mới công nghệ để có những sản phẩm chất lượng cao, như Saigon Co.op, PAN Group, Vinamit, Betrimex hay các tập đoàn lớn của nước ngoài như CJ, Aeon...

Tiêu biểu như Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex), đã đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất nước dừa tươi từ trái dừa. Qua đó nâng giá trị trái dừa lên hàng chục lần, giúp nông dân Bến Tre, thủ phủ vùng trồng dừa ổn định đầu ra.

Vào đầu năm nay, Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Dao đã khởi công Dự án Trung tâm chế biến rau quả DOVECO Gia Lai. Khi hoàn thành (giai đoạn 1 vào cuối năm 2018 và giai đoạn 2 vào cuối năm 2019), đây sẽ là một trung tâm chế biến rau quả khép kín lớn nhất khu vực Tây Nguyên.

Mỗi năm, nhà máy sẽ thu mua và chế biến hàng trăm nghìn tấn rau quả các loại như chanh dây, chuối, bơ, xoài, sầu riêng, mãng cầu, khoai lang, rau chân vịt, đậu tương rau, ngô ngọt, bí Nhật và nhiều loại rau quả khác của Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên. Doanh thu hằng năm ước đạt 1.500 - 2.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 50 triệu USD.

Lê Anh

320 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 898
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 898
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87117901