Chiều 24/12, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 ngành NN&PTNT. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

 Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: BT)

Nhiều kết quả ấn tượng trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2020, ngành NN&PTNT triển khai thực hiện kế hoạch trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản. Đi cùng với đó là tác động của dịch tả lợn châu Phi, dù đã giảm mạnh nhưng chưa được khống chế hoàn toàn gây không ít khó khăn cho việc tái đàn, tăng đàn; cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát khi tổng đàn đang rất lớn. Đặc biệt là lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra ở cả 3 miền, nhất là khu vực miền Trung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thị trường tiêu thụ một số nông sản có xu hướng giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, các nước gia tăng áp dụng những biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật.

Tuy vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, vượt lên khó khăn, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và địa phương; sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân trên cả nước đã giúp ngành NN&PTNT thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phát triển ngành, vừa phòng, chống tốt dịch bệnh. Nhờ vậy, năm 2020, toàn ngành đã đạt được những kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 2,65%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,25 tỷ USD; trên 62% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; thu nhập của cư dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người/năm.

Trên lĩnh vực trồng trọt, cơ cấu cây trồng được chuyển đổi hiệu quả hơn. Đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là đối với cây trồng chủ lực. Tập trung cải tạo cơ cấu giống, kiểm soát, nâng tỷ lệ sử dụng các giống mới, chất lượng cao. Nổi bật lên là về sản xuất lúa, sản lượng đạt 42,7 triệu tấn, không chỉ đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn đáp ứng nhu cầu chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu. Đặc biệt, tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 85% gạo xuất khẩu, nâng giá gạo xuất khẩu bình quân tăng từ 440 USD/tấn năm 2019 lên 496 USD/tấn năm 2020.

Năm 2020 cũng là năm ngành nông nghiệp được tái cơ cấu lại, đi vào thực chất, hiệu quả hơn; quy mô và trình độ sản xuất được nâng cao, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy các lợi thế từng vùng, miền, chuyển dịch theo hướng hiện đại.

Đáng chú ý, thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản tiếp tục phát triển, thị trường trong nước được mở rộng hơn. Trong năm, ngành NN&PTNT đã kịp thời giải quyết các vướng mắc, áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo để thúc đẩy xuất khẩu trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Năm 2020 tiếp tục duy trì được 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo).

Đặc biệt, chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục phát triển, tăng cả về số lượng và chất lượng. Đã có 173 đơn vị cấp huyện thuộc 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 61 đơn vị cấp huyện so với cuối năm 2019)   3 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai và Hưng Yên) được công nhận hoàn thành và 9 tỉnh, thành phố đang hoàn thiện thủ tục để được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (Ảnh: BT)

Ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định là bệ đỡ của nền kinh tế quốc gia

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và biểu dương những kết quả vượt trội của ngành nông nghiệp trong năm 2020. Theo Thủ tướng, đây là một năm thành công của ngành NN&PTNT với nhiều điểm sáng, toàn diện và ngành nông nghiệp Việt Nam trong điều kiện khó khăn, một lần nữa cho thấy vai trò sống còn trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, khẳng định tiếp tục là bệ đỡ, cứu cánh của nền kinh tế quốc gia để Việt Nam phát triển bình thường và tăng trưởng dương.

Thủ tướng cho rằng, năm 2020, nông nghiệp Việt Nam đã thích ứng tốt với đại dịch, thiên tai. Sản xuất nông nghiệp không chỉ đảm bảo nguồn cung ứng tiêu dùng cho người dân mà còn đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Thủ tướng đánh giá cao ngành NN&PTNT đã hoàn thành 4 chỉ tiêu quan trọng mà Đảng và Nhà nước giao: về tăng trưởng, giá trị xuất khẩu (trong đó, có nhiều mặt hàng xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD); tỷ lệ che phủ rừng và đặc biệt là chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, vượt xa mục tiêu đề ra.

Trong năm 2020, ngành NN&PTNT đã có nhiều đóng góp trong công tác phòng chống thiên tai, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Ngoài ra, công tác chỉ đạo điều hành của Bộ rất sát sao, đúng, trúng vấn đề, đặc biệt là trong vấn đề giải quyết hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử trong hai năm 2019 và 2020. Với sự chỉ đạo của ngành cho nên thiệt hại hạn, mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ bằng 9% so với năm 2016 mặc dù mức độ hạn, mặn nặng hơn rất nhiều.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra những điểm còn hạn chế, cần tập trung tháo gỡ của ngành nông nghiệp. Theo Thủ tướng, “mừng nhưng thấy lo” khi tăng tưởng của ngành nông nghiệp chưa thực sự bền vững, nhất là sau khi chúng ta chịu ảnh hưởng của thiên tai và dịch bệnh; thời tiết khí hậu cực đoan diễn ra. Một số mục tiêu của ngành chưa đạt kế hoạch đề ra; cơ sở hạ tầng nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập, nhất là để đáp ứng yêu cầu sản xuất quy mô lớn và cạnh tranh cao với quốc tế. Vẫn còn chênh lệch khoảng cách giàu nghèo, đặc biệt trong xây dựng nông thôn mới, môi trường nông thôn còn nhiều vấn đề,,...

Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị ngành NN&PTNT trong năm 2021, cần biến nguy cơ thành thời cơ. Đó là vấn đề cực đoan của khí hậu nhưng chúng ta có kinh nghiệm chống chọi lại với thiên nhiên và đặc biệt thời cơ mở ra rất lớn về thị trường khi Việt Nam đã tham gia nhiều FTA và nhiều hiệp định khác. Thủ tướng cho rằng, cần tháo gỡ về thể chế để ngành nông nghiệp vươn lên, trước hết là về Luật đất đai và tiếp tục tìm thị trường để ổn định đầu ra.

Thủ tướng đề nghị trong năm 2021, ngành NN&PTNT phấn đấu giữ tốc độ tăng GDP khoảng 3%, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản trên 3%, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 44 tỷ USD, tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 42%, nâng cao chất lượng rừng. Đặc biệt, phấn đấu đến năm 2025, cả nước có 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Để đạt được mục tiêu, Thủ tướng đề nghị, cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển; tiếp tục nâng cao chất lượng tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đồng thời, cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, hình thành nền nông nghiệp thông minh, nâng cao năng suất chất lượng, giá trị. Thủ tướng cũng lưu ý, trong xây dựng nông thôn mới, điểm mấu chốt không chỉ quan tâm đến kết cấu hạ tầng nông thôn mà còn cần đặc biệt quan tâm đến công tác nâng cao đời sống của người dân./.

 
BT