Sáng 7/1, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết 01/CP-NQ ngày 1/1/2020 của Chính phủ.
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: BT) |
|
Theo Bộ NN&PTNT, ngay sau đúng 1 ngày Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Ban Cán sự Đảng bộ đã ban hành Nghị quyết số 969-NQ/BCSĐ ngày 2/1/2020, đồng thời, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 42/QĐ-BNN-KH ngày 2/1/2020 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết.
Cụ thể, trong năm 2020, ngành NN&PTNT hướng đến tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển đất nước, kế hoạch phát triển ngành. Tập trung thực hiện cơ cấu lại gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, ngành Nông nghiệp xác định: “Xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn thịnh và văn minh”.
Năm 2020, ngành nông nghiệp phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành Nông nghiệp đạt khoảng 3%. Trong đó, trồng trọt tăng 1,3%; chăn nuôi tăng 4%; thủy sản tăng 5,2%, lâm nghiệp tăng 4,9%. Đồng thời, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt trên 3,1%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 42-43 tỷ USD.
Trên cơ sở các mục tiêu đề ra, Bộ NN&PTNT đề xuất các giải pháp trọng tâm triển khai. Giải pháp đầu tiên là hoàn thiện thể chế pháp luật theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường, nhằm khơi thông nguồn lực phát triển ngành. Hai là, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh một cách thực chất, hiệu quả hơn. Ba là, phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới, gắn kết với phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân nông thôn.
Tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho rằng, năm 2020, với ngành Thủy sản tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, hạn hán, xâm nhập mặn ít nhiều sẽ tác động đến sản xuất thủy sản, hạ tầng về nuôi trồng và khai thác còn nhiều yếu kém, đặc biệt là việc các địa phương còn chuyển biến chậm trong áp dụng quy định mới của Luật Thủy sản… Vì vậy, năm 2020, ngành Thủy sản sẽ tập trung chỉ đạo cho mục tiêu tăng trưởng. Với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, sẽ xác định các lợi thế loài nuôi của ngành. Đồng thời, tăng cường dự báo ngư trường, tuyên truyền để người dân khai thác hiệu quả; tổ chức tốt liên kết khai thác theo tổ, đội, triển khai đồng bộ các giải pháp khuyến nghị của EC về tháo gỡ thẻ vàng.
Theo Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương, năm 2020, tình hình dịch bệnh chắc chắn còn phức tạp. Do đó, để thực hiện hiệu quả công tác của ngành, ngành chăn nuôi sẽ triển khai Luật Chăn nuôi, chiến lược chăn nuôi, đồng thời tập trung cao độ thực hiện tái cơ cấu chăn nuôi theo chuỗi liên kết. Đặc biệt, phát huy vai trò của các hiệp hội, đẩy mạnh giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát chất lượng vật tư an toàn thực phẩm.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Nguyễn Như Tiệp cho rằng, năm 2020, thị trường xuất khẩu của nông sản Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn khi các thị trường luôn theo dõi chặt chẽ về vấn đề chất lượng, an toàn thực phẩm. Do đó, cần quan tâm xử lý vước mắc về công tác kiểm dịch. Qua đó, vừa giữ được thị trường truyền thống vừa tạo điều kiện mở thị trường mới.