Đó là nhận định của Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn về khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp tại buổi họp báo thường kỳ Bộ NN&PTNT diễn ra chiều 6/9, tại Hà Nội.
Quang cảnh buổi họp báo (Ảnh: BT)
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ trong tháng 8 nhưng sức sản xuất của ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục bứt phá, thị trường tiêu thụ mở rộng hứa hẹn một năm bội thu về xuất khẩu nông lâm và thủy sản. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 8 tháng ước đạt 23,7 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong các lĩnh vực sản xuất, thủy sản đang có những tín hiệu tăng trưởng và xuất khẩu khả quan. Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 18,1%. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm nay sẽ đạt 8 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với năm 2016.
Trong tháng, thời tiết tương đối thuận lợi cho việc trồng rừng. Tính chung 8 tháng, diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 131,3 nghìn ha, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước; rừng trồng được chăm sóc đạt 436,6 nghìn ha, tăng 4,3%. Đến tháng 8/2017, giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản chính ước đạt 5,07 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2016 và dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm nay sẽ đạt 7,5 tỷ USD.
Những tháng cuối năm 2017, tăng trưởng của ngành NN&PTNT được đánh giá phụ thuộc rất lớn vào mức tăng trưởng của lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Tháng 8/2017, giá trứng gia cầm tiếp tục tăng, giá thịt lợn giữ ở mức thấp nên người dân vẫn thận trọng trong việc đầu tư tái đàn. Hiện tại, hầu như chỉ các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn quy mô lớn bắt đầu tái đàn, nhưng số lượng hạn chế. Ước hết tháng 8, đàn lợn cả nước giảm 4%, đàn trâu giảm 0,5%, đàn bò tăng 2,8%, đàn gia cầm tăng khoảng 5,1% so với cùng kỳ năm 2016. Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, với nỗ lực tái đàn chăn nuôi lợn phục vụ nhu cầu Tết và sự tăng mạnh trong sản xuất trứng, đạt mức 11 tỷ quả (tăng gần 2 tỷ quả so với năm trước), dự báo năm nay lĩnh vực chăn nuôi sẽ đảm bảo mức tăng trưởng 3%.
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về quan điểm của Bộ trong việc thí điểm triển khai tích tụ đất đai tại hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam, đại diện của Bộ NN&PTNT cho biết, việc chính quyền tập hợp đất của nông dân sau đó cho doanh nghiệp thuê lại chưa được quy định ở trong luật, vì vậy, vấn đề triển khai thí điểm tích tụ ruộng đất được báo cáo Chính phủ và tiến hành thận trọng. Qua đó, theo dõi, đánh giá làm cơ sở cho việc sửa đổi cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai theo hướng hình thành quy mô lớn, sản xuất hàng hóa.
Đáng chú ý, về vấn đề khắc phục sự cố tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, theo Tổng cục Thủy sản, việc khắc phục tàu cá vỏ thép bị hư hỏng đang được Công ty TNHH MTV đóng tàu Nam Triệu tiến hành khẩn trương, hiện 6 tàu đã thỏa thuận với ngư dân, kéo lên đà sửa chữa, dự kiến đến 15/9 sẽ hạ thủy; 6 tàu còn lại đang sửa chữa, dự kiến cuối tháng 9 sẽ sửa xong. Đối với 5 tàu của Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, do chỉ số Mangan của thép không đủ nên đang chờ mời chuyên gia đầu ngành vào kiểm tra và đề xuất biện pháp xử lý.
Về vấn đề tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp, theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, việc đảm bảo ngành nông nghiệp về đích với tốc độ tăng trưởng 3,05% là điều khả thi. Nếu không có những diễn biến đặc biệt, ngành trồng trọt có khả năng đạt được tốc độ tăng trưởng 2%. Cùng với đó, ngành chăn nuôi dù giảm sâu về chăn nuôi lợn nhưng các sản phẩm khác như gia cầm, bò đều tăng, vì vậy, chăn nuôi vẫn có khả năng đạt tốc độ tăng trưởng 3%; ngành thủy sản trên 5%, lâm nghiệp 6,6%. Bằng nhiều giải pháp, ngành nông nghiệp có khả năng đạt tốc độ tăng trưởng tối thiếu 3,03%.
Đồng thời, về kim ngạch giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản, theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, trong 8 tháng 2017 đã đạt mức 23,7 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước, vì vậy, hoàn toàn có thể đạt và vượt mức 33 tỷ USD trong năm 2017./.
BT