Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiểm tra thủ tục hành chính (Ảnh:TTXVN )
Cụ thể, về cắt giảm, đơn giản hóa danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, Bộ NN&PTNT đã thực hiện rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trên cơ sở hàng hóa được gắn mã HS (hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa) thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ là 7.698 dòng hàng, quy định tại Thông tư số 24/2017/TT-BNNPTNT.
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ tiếp tục thực hiện rà soát, cắt giảm hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành theo nguyên tắc: chỉ giao một đơn vị thuộc Bộ thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với những hàng hóa hiện đang chịu sự quản lý của nhiều đơn vị; thay đổi phương thức kiểm tra từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với danh mục giống thủy sản nhập khẩu thông thường. Đồng thời, đơn giản hóa, lược bỏ những mặt hàng đã qua chế biến sâu; thực hiện giảm tần suất kiểm tra đối với hàng hóa là đối tượng kiểm dịch động vật, kiểm dịch thủy sản.
Kết quả, Bộ đã ban hành Thông tư số 15/2018/TT-BNNPTNT ngày 30/10/2018 ban hành mã số HS đối với hàng hóa chuyên ngành xuất khẩu, nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT, thay thế cho Thông tư 24/2017/TT-BNNPTNT. Ban hành Thông tư số 15/2018/TT-BNNPTNT bao gồm hai danh mục: danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu gắn mã HS là 2.873 dòng hàng, danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan kèm mã HS là 1.800 dòng hàng (tỷ lệ cắt giảm trên 76%).
Bên cạnh đó, về hàng hóa chịu sự kiểm tra chuyên ngành của nhiều Bộ, cuối năm 2017, Bộ đã có công văn số 9910/BNN-PC gửi Văn phòng Chính phủ đề xuất cơ quan kiểm tra chuyên ngành đối với 7 loại hàng hóa đang chịu sự kiểm tra chuyên ngành của Bộ NN&PTNT với một số Bộ khác. Đến nay, mặt hàng máy móc dùng trong nông nghiệp đã được giao Bộ Giao thông Vận tải thực hiện kiểm tra theo đề xuất của Văn phòng Chính phủ.
Đặc biệt, với nhóm hàng hóa chịu sự kiểm tra chuyên ngành của nhiều đơn vị thuộc Bộ, Bộ NN&PTNT đã có Quyết định số 3346/QĐ-BNN-TCCB ngày 23/8/2018 điều chỉnh phân công nhiệm vụ kiểm tra chuyên ngành đối với một số sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu trước thông quan chịu sự kiểm tra của nhiều đơn vị thuộc Bộ.
Cụ thể, đối với “giống thủy sản” thống nhất giao đầu mối kiểm tra là Cục Thú y (chỉ kiểm dịch trước thông quan); đối với thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có nguồn gốc động vật, thống nhất giao đầu mối thực hiện kiểm dịch và kiểm tra chất lượng (đối với những lô hàng kiểm tra trước thông quan) cho Cục Thú y; đối với thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có nguồn gốc thực vật, thống nhất giao đầu mối thực hiện kiểm dịch và kiểm tra chất lượng đối với những lô hàng kiểm tra trước thông quan cho Cục Bảo vệ thực vật.
Cũng theo Bộ NN&PTNT, về thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, thống kê thủ tục hành chính về kiểm tra chuyên ngành, qua rà soát, Bộ NN&PTNT có 63 thủ tục hành chính liên quan tới kiểm tra chuyên ngành được quy định tại 27 văn bản, gồm 3 Luật, 6 Nghị định, 18 Thông tư. Bộ đã đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 32/63 TTHC, đạt 50,7%.
Các thủ tục hành chính đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa tập trung vào các nội dung như: đơn giản hóa, lược bỏ một số giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu thực hiện. Đơn giản hóa trình tự thực hiện, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện gộp một số thủ tục hành chính có liên quan chặt chẽ trong chuỗi trình tự thực hiện của cơ quan nhà nước nhằm giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân. Tổ chức triển khai thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3,4, cơ chế 1 cửa quốc gia; thay đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm ở tất cả các thủ tục hành chính kiểm tra an toàn thực phẩm, thực hiện quản lý hàng hóa theo phương thức quản lý rủi ro, giảm tần suất lấy mẫu lô hàng.
Theo Bộ NN&PTNT, hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp khá đa dạng, liên quan đến nhiều Bộ, ngành, lĩnh vực, dẫn đến có sự quản lý đan xen giữa các Bộ và giữa các đơn vị thuộc Bộ. Vì vậy, trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, các đơn vị thuộc Bộ cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản để thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ nhằm đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành, đặc biệt là nhóm Thông tư sửa đổi các Thông tư do Cục Thú y được giao chủ trì xây dựng.
Bên cạnh đó, tổ chức triển khai có hiệu quả các phương án cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đã được thực hiện trong các Thông tư của Bộ, đặc biệt là việc giao một đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với một mặt hàng.
Các đơn vị thuộc Bộ quan tâm, triển khai việc thực hiện Quyết định 1254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020. Trong đó, yêu cầu Bộ NN&PTNT sửa đổi bổ sung 2 Nghị định và 1 Thông tư, tiến độ hoàn thành vào quý II/2019./.
BT