Ngành nông nghiệp gỡ khó cho tiêu thụ nông sản sang Trung Quốc 

(ĐCSVN) - Tổng rà soát khối lượng nông sản, các nhóm mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, tăng cường công tác thương mại để đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, tập trung chế biến, yêu cầu các doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với vùng nguyên liệu, trên cơ sở đó đưa vào chế biến để giảm xuất khẩu tươi, thô.

 

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường khi trao đổi với báo chí tại Hội nghị thúc đẩy thương mại, phát triển sản xuất nông sản trước tác động dịch bệnh corona do Bộ vừa tổ chức nhằm tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc trước tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra.

 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường (Ảnh: BT)

Phóng viên (PV): Bộ trưởng đánh giá như thế nào về tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona lên sản xuất, trao đổi thương mại nông sản nước ta?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Trước hết phải khẳng định, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra tác hại rất lớn, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và đặc biệt ảnh hưởng đến kinh tế chung toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Điều này biểu hiện trên các khía cạnh của kinh tế nông nghiệp. Một là ảnh hưởng đến thương mại nông sản vì chúng ta biết Trung Quốc chiếm tới 24% tổng số nông sản chúng ta xuất khẩu đi thế giới. Biểu hiện, trong tháng 1 chúng ta đã giảm tới 14% giá trị xuất khẩu. Chúng tôi đánh giá thời gian tới ảnh hưởng thương mại rất rõ nét và rất lớn.

Thứ hai, các doanh nhân hai bên đang giao lưu bàn bạc trao đổi làm ăn, kỳ này với các biện pháp, đường hàng không bị ngăn chặn sẽ ảnh hưởng đến giao dịch, đầu tư.

Thứ ba, là một số hợp đồng ký kết, ví như một số nông sản đến giai đoạn đánh giá cuối cùng để cấp phép xuất khẩu chính ngạch nhưng do hạn chế đi lại, các đoàn của nước bạn không sang được nước ta và của nước ta không sang được nước bạn.

Nhìn lại, ảnh hưởng của dịch bệnh này lên kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là xuất khẩu nông sản là rất lớn, không chỉ trước mắt và một thời gian nữa, vì diễn biến dịch bệnh chưa biết bao giờ dừng.

PV: Trước tình hình trên, xin Bộ trưởng cho biết, Bộ đã có những giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trước hết, Bộ NN&PTNT đã có các văn bản chỉ đạo, trực tiếp tổ chức hội nghị để triển khai đến tất cả các tỉnh có nông sản xuất khẩu, các hiệp hội, ngành hàng, doanh nhân và người dân trên cơ sở thống nhất một số biện pháp. Một là, tổng rà soát khối lượng nông sản, các nhóm mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc từng tháng một từ nay đến các tháng cuối năm để đề ra các kịch bản, căn cứ diễn biến tình hình từng giai đoạn một để ứng phó. Thứ hai, tăng cường tiêu thụ trong nước, đồng thời, tập trung chế biến. Yêu cầu các doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với vùng nguyên liệu, trên cơ sở đó đưa vào chế biến để giảm xuất khẩu tươi, thô. Thứ nữa, yêu cầu ngành hàng logistic kiểm tra lại tổng kho dự trữ đông lạnh để chúng ta đưa một số sản phẩm vào, kéo dài thời gian phân phối thương mại. Điểm nữa là căn cứ tình hình, một số đối tượng sản xuất nông nghiệp phải thay đổi, ví như những vùng tới đây trồng dưa hấu không trồng tiếp, chuyển sang cây trồng khác, cây ngắn ngày, nhóm sản phẩm dễ tiêu thụ.

Chúng tôi nhận định, đây là cơ hội tạo áp lực để chúng ta tái cơ cấu sâu hơn trên cơ sở chuỗi liên kết, không thể đưa ra sản phẩm thô đi bán tươi, có rủi ro lại tập trung đôn đáo vào giải quyết. Chúng ta phải nhìn nhận đây tiếp tục là bài học, là cơ hội bức bách để chúng ta tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chế biến thật sâu, liên kết thật chặt để chuỗi giá trị dài, mở ra nhiều thị trường mới để chúng ta “không để trứng vào một rổ”.

PV: Hiện nay, dịch bệnh H5N1 đã xuất hiện tại Trung Quốc, vậy Bộ có giải pháp gì để ngăn chặn dịch bệnh này lây lan sang nước ta?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: H5N1 là bệnh nguy hiểm trên gia cầm, nếu chúng ta không ngăn chặn tốt thì nguy cơ lây nhiễm sang sẽ gây phức tạp cho nước ta.

Chúng tôi đánh giá thời tiết Quý 1 và Quý 2 diễn biến phức tạp. Năm nay nhuận hai tháng Tư nên thời tiết phù hợp với các loại bệnh, đặc biệt trên gia cầm. Thứ hai, Việt Nam hiện nay có mật độ đàn gia cầm cao, nếu không phòng trừ cẩn thận thì kỳ này dịch bệnh xảy ra rất phức tạp.

Do đó, Bộ đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm theo quy trình, đồng thời, quán triệt cố gắng thời gian tới đảm bảo quy trình dịch tễ, chăm sóc chăn nuôi theo quy trình sinh học, không để dịch H5N1 xảy ra.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!./.

 

 
BT (ghi)
229 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 833
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 833
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87041981