Ngành nông nghiệp đẩy mạnh cơ cấu lại kênh phân phối, kết nối cung - cầu 

(ĐCSVN) – Tổng quan chung tình hình sản xuất nông nghiệp 7 tháng năm 2022 từ số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, nuôi trồng thủy sản thuận lợi, chăn nuôi và khai thác hải sản khó khăn. Do đó, từ nay đến hết năm 2022, toàn ngành sẽ tập trung khắc phục khó khăn, chuyển đổi phù hợp về tổ chức sản xuất và cơ cấu lại kênh phân phối, kết nối cung - cầu.

 

Cụ thể, số liệu của Tổng cục Thống kê nêu rõ, trong tháng 7/2022, chăn nuôi vẫn gặp nhiều khó khăn, khai thác hải sản biển suy giảm do giá xăng dầu cao. Nét sáng trong bức tranh của ngành nông nghiệp là: nuôi trồng thủy sản tăng trưởng tích cực do nhu cầu và giá xuất khẩu các sản phẩm thủy sản trọng điểm tăng; khai thác gỗ và lâm sản thuận lợi do được giá đã kích thích diện tích rừng trồng tăng…

Sản xuất nông nghiệp dù gặp khó vẫn tăng trưởng ấn tượng (Ảnh: PV) 

Đáng chú ý, ngành chăn nuôi vẫn đang phải đối mặt với khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát tốt, tuy nhiên do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi nên người nuôi không mở rộng quy mô, tổng số gia cầm của cả nước tính đến cuối tháng 7/2022 tăng 1,6% so với cùng kỳ 2021. Đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2018-2022.

Cũng theo Tổng Cục Thống kê, nuôi trồng thủy sản đang tăng trưởng tích cực do nhu cầu và giá xuất khẩu các sản phẩm thủy sản trọng điểm như cá tra, tôm nuôi tăng. Sản lượng thủy sản thu hoạch tháng 7/2022 ước đạt 805,4 nghìn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ 2021.

Hoạt động chế biến và xuất khẩu cá tra có nhiều điều kiện thuận lợi và tiếp tục đạt kết quả khả quan. Tính tới trung tuần tháng 7/2022, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tăng so với cùng kỳ 2021. Sản lượng cá tra trong tháng ước đạt 129,3 nghìn tấn, tăng 9% so với cùng kỳ 2021. Giá tôm nuôi ở mức cao và duy trì ổn định giúp người nuôi đạt được lợi nhuận, thúc đẩy mở rộng nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Sản lượng tôm thẻ chân trắng tháng 7 ước đạt 85,5 nghìn tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ 2021; sản lượng tôm sú đạt 28 nghìn tấn, tăng 2,2%. Sản lượng thủy sản khai thác tháng 7/2022 ước đạt 342,5 nghìn tấn, giảm 4% so với cùng kỳ 2021, đây là tốc độ tăng thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Đối với lĩnh vực trồng trọt, trong tháng 7/2022, các địa phương trên cả nước tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa mùa, chăm sóc và thu hoạch lúa hè thu sớm, đồng thời xuống giống vụ lúa thu đông tại Đồng bằng sông Cửu Long. Tính đến ngày 15/7, cả nước gieo cấy được 1.021,6 nghìn ha lúa mùa, bằng 92,3% cùng kỳ năm trước; cả nước gieo cấy được 1.915,9 nghìn ha lúa hè thu, bằng 98,3% cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống được 279,1 nghìn ha lúa thu đông, bằng 98,4% cùng kỳ 2021.

Diện tích gieo cấy lúa hè thu năm nay giảm so với cùng thời điểm năm trước, chủ yếu do người dân chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang các mục đích khác như: trồng cây ăn quả, cây rau màu, nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Đến nay, phần lớn các trà lúa hè thu đang ở giai đoạn làm đòng đến chín, các trà lúa sớm tập trung ở các tỉnh phía Nam đã cho thu hoạch với diện tích đạt 414,7 nghìn ha, bằng 97% cùng kỳ 2021. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích xuống giống vụ lúa thu đông giảm do bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi, thêm vào đó giá phân bón, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất tăng.

Cùng với việc gieo cấy lúa, các địa phương trên cả nước đang tiến hành gieo trồng cây hoa màu. Diện tích gieo trồng các loại cây hoa màu đều giảm so với cùng kỳ năm trước, nhất là đậu tương và khoai lang do giá bán không ổn định, chi phí phân bón tăng cao dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp.

Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước trong tháng 7/2022 ước đạt 15,5 nghìn ha, tăng 19,3­% so với cùng kỳ 2021. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán trong tháng ước đạt 6,7 triệu cây, giảm 1,5% so với cùng kỳ 2021. Tính chung 7 tháng năm 2022, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước ước đạt 134,9 nghìn ha, tăng 4,7% so với cùng kỳ 2021; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 53,7 triệu cây, tăng 5%. Hoạt động khai thác gỗ tiếp tục diễn ra thuận lợi và tích cực do thời tiết nắng ráo, gỗ đã đến tuổi khai thác, giá gỗ có xu hướng tăng lên, các đơn vị thu mua tiến hành khai thác theo hợp đồng đã ký.

 Kiểm soát giá cả đầu vào, hỗ trợ kịp thời nông dân (Ảnh: PV)

Đánh giá chung về tình hình sản xuất những tháng còn lại của năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, những khó khăn, thách thức từ tác động của giá vật tư đầu vào và giá lương thực, thực phẩm tăng do đứt gãy chuỗi cung ứng; dịch bệnh trên người, cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; dịch COVID-19 làm thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng, đặc biệt là thị trường trong nước, đòi hỏi sự chuyển đổi phù hợp về tổ chức sản xuất và cơ cấu lại kênh phân phối, kết nối cung - cầu.

Vì thế, để vượt qua khó khăn và thách thức, tới đây, đặc biệt những tháng cuối của năm 2022 này, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, cùng cả hệ thống chính trị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và xung đột quân sự Nga - Ukraine.

Đáng chú ý là, trong lĩnh vực chăn nuôi, Bộ sẽ chỉ đạo đồng bộ các giải pháp tiếp tục khôi phục, tăng đàn đàn lợn; ổn định phát triển đàn gia cầm và phát triển một số loại vật nuôi khác. Mặt khác, tăng cường các kênh theo dõi sát diễn biến về nguồn cung, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới, có biện pháp chỉ đạo kịp thời tránh để tình trạng tăng giá đột biến gây thiệt hại cho người sản xuất. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới nhằm không để thiếu hụt nguồn cung thịt lợn, kiềm chế giá thịt lợn không để tăng giá quá cao như Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định: Bộ đã và đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là các địa phương, doanh nghiệp, hộ chăn nuôi… đồng bộ các giải pháp để cố gắng kiềm chế, điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi. Từ đó, đưa giá thành thực phẩm thịt lợn về mức hợp lý, không chênh lệch quá nhiều giữa giá từ chuồng tới chợ. Như vậy, người tiêu dùng có thể chấp nhận và người chăn nuôi được hưởng lợi, đồng thời không ảnh hưởng tới chỉ số CPI nói chung trong rổ thực phẩm. Đồng thời đáp ứng đúng tinh thần mà Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu trước diễn biến giá thịt lợn và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có xu hướng tăng cao thời gian gần đây, đó là: thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nguồn cung thịt lợn, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá./.

 

 

 
Lê Nguyễn
408 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1193
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1193
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87154038