|
Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là xu hướng tất yếu đang diễn ra ở hầu hết các nước |
Gửi ý kiến đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, cử tri các tỉnh Tiền Giang, Quảng Trị, Tây Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, TP. Hải Phòng, HCM quan tâm nhiều đến các quy định mới trong dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) nhất là quy định về tăng tuổi nghỉ hưu, việc thay đổi thời gian làm việc.
Các cử tri cho rằng đây là vấn đề quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân nên đề nghị lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp các tổ chức, đơn vị có liên quan nhằm đánh giá tác động việc thay đổi để có quy định phù hợp. Nghiên cứu điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo hướng tăng đối với những đối tượng lao động có trình độ cao, không tăng đối với lao động phổ thông và những ngành nghề có tính đặc thù như giáo viên mầm non, vì nếu tăng tuổi nghỉ hưu sẽ kéo theo sự giảm sút về chất lượng và hiệu quả lao động do tính chất công việc đòi hỏi phải sáng tạo, vận động thường xuyên cùng các bé.
Theo dự thảo Bộ Luật Lao động, việc tăng độ tuổi lao động của nữ lên 60 và nam lên 62, cần xem xét kỹ đối với từng ngành nghề, từng nhóm đối tượng không nên quy định một mức chung về độ tuổi nghỉ hưu như trong dự thảo Bộ luật.
Cử tri cũng đề nghị xem xét việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cho phù hợp với tình hình thực tế về tuổi thọ trung bình, mức sống của người lao động, năng suất lao động, tính chất từng ngành nghề lao động và từng vị trí việc làm cho phù hợp để cân bằng lợi ích người lao động nói chung.
Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời cử tri các tỉnh như sau:
Vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu đã được Trung ương thảo luận trong Đề án cải cách chính sách BHXH tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và thống nhất thông qua Nghị quyết số 28/NQ-TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH.
Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là xu hướng tất yếu đang diễn ra ở hầu hết các nước. Đối với Việt Nam việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số; bình đẳng giới, cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội trong dài hạn; xu hướng già hóa dân số; tính chất, loại hình lao động và giữa các ngành nghề, lĩnh vực. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động.
Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định độ tuổi nghỉ hưu, đối với ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm hơn hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung.
Như vậy, theo tinh thần Nghị quyết số 28/NQ-TW của Trung ương, từ năm 2021 sẽ thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình phù hợp để tăng tuổi nghỉ hưu chung, trong đó có xem xét, cân nhắc đến tính chất, loại hình lao động và giữa các ngành nghề, lĩnh vực để quy định người lao động được quyền nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn.
Bám sát tinh thần nêu trên của Nghị quyết số 28/NQ-TW, trong quá trình xây dựng dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), sau khi nghiên cứu, đánh giá tổng thể các mặt có liên quan và tổng hợp ý kiến tham gia của các bộ ngành, địa phương, dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) kèm theo Tờ trình số 208/TTr-CP ngày 17/5/2019 của Chính phủ trình Quốc hội đã đề xuất 2 phương án điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, trong đó những nội dung kiến nghị của cử tri cũng đã được Ban soạn thảo, Chính phủ cân nhắc, tiếp thu.
Tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 14 vừa qua đã thảo luận, cho ý kiến về Dự án Bộ luật lao động (sửa đổi), trong đó nhiều ý kiến liên quan đến phương án đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hiện nay Ban soạn thảo, Chính phủ đã và đang tích cực tiếp tục tổ chức các hoạt động lấy ý kiến, đánh giá tác động nhiều chiều, nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện phương án tăng tuổi nghỉ hưu trong dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) trình Chính phủ, Quốc hội.
Chinhphu.vn