Ngành ngân hàng tiên phong “trợ lực” nền kinh tế trong những thời điểm khó khăn 

(Chinhphu.vn) - Dịch COVID-19 đang tác động mạnh tới hoạt động của nhiều doanh nghiệp hộ kinh doanh của Việt Nam. Trên thực tế, chính các ngân hàng cũng không nằm ngoài vòng xoáy này do nhiều khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng. Ngành ngân hàng đã chủ động cung cấp các giải pháp thiết thực chung tay đẩy lùi bệnh dịch hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lãnh đạo các ngân hàng trao kinh phí hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19

Đóng góp trực tiếp hỗ trợ thiệt hại

 
 

Tại buổi Lễ phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID–19 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức mới đây, riêng hệ thống ngân hàng đã có 15 ngân hàng thương mại (NHTM) đóng góp gần 140 tỷ đồng. Điều này thể hiện sự nỗ lực, đồng hành và chia sẻ khó khăn của ngành Ngân hàng đối với người dân, doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.

 

Với số tiền ủng hộ trên, các ngân hàng nói riêng, toàn ngành ngân hàng nói chung mong muốn chung tay cùng Đảng, Nhà nước có thêm nguồn lực để tăng cường các biện pháp phòng, chữa bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân.

Không chỉ đóng góp trực tiếp bằng tiền, trước đó, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại bởi dịch bệnh COVID-19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã kịp thời triển khai các biện pháp hỗ trợ đa dạng.
 

Cụ thể, NHNN đã giảm một loạt lãi suất điều hành, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế, qua đó tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có thêm các nguồn lực để giảm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị thiệt hại do COVID-19. Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) tiếp tục triển khai thực hiện chương trình giảm phí dịch vụ lần 2 trong năm 2020. Đây là cơ sở để các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm phí dịch vụ cho khách hàng

 

Về cơ chế cơ cấu lại nợ, NHNN cũng ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ…

Vượt qua chính mình để đồng hành cùng doanh nghiệp
 

Dịch COVID-19 đang tác động mạnh tới hoạt động của nhiều doanh nghiệp hộ kinh doanh của Việt Nam. Trên thực tế, chính các NHTM thực chất cũng hoạt động như các doanh nghiệp và cũng không nằm ngoài vòng xoáy này vì nhiều khách hàng vay vốn bị thiệt hại, tình hình kinh doanh đi xuống. 

 

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, ước tính sơ bộ khoảng 926 nghìn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng này và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống. Một số ngành có khả năng ảnh hưởng lớn bởi dịch như nông, lâm nghiệp và thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giày, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục.

 

Mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho hay, vừa qua, NHNN nhận được hàng loạt đơn từ nhiều hiệp hội như da giầy, vận tải, sắn, cà phê, các hãng hàng không, dệt may, vận tải, Hội Doanh nhân trẻ… đề nghị tháo gỡ khó khăn. Như vậy, chính ngành ngân hàng cũng đang gặp phải nguy cơ suy giảm chất lượng nợ.

 

Trong thời gian tới, các NHTM sẽ phải chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh, dùng các biện pháp tiết giảm chi phí, cải thiện năng suất lao động tối đa, duy trì hiệu quả kinh doanh… 

 

Cụ thể, Vietcombank sẽ giảm lãi suất từ 1% đến 1,5%/năm, với các khoản vay bằng đồng USD, lãi suất cho vay giảm từ 0,5% đến 0,75%/năm với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch. Riêng các khoản vay mới, ngân hàng này sẽ giảm 1%/năm lãi suất vay bằng VND và 0,5%/năm bằng USD. Ngoài giảm lãi suất cho vay Vietcombank cũng sẽ giãn thời hạn trả nợ và không tính lãi phạt đối với khách hàng bị thiệt hại do dịch bệnh này. 

 

Vietinbank đang xem xét cơ cấu lại gần 20.000 tỷ tiền nợ và miễn giảm hơn 26.800 tỷ lãi vay cho các khách hàng. Từ nay đến 30/6 tới, căn cứ trên mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, khách hàng sẽ được xem xét áp dụng ưu đãi giảm trừ lãi suất cho vay từ 1,25-3%/năm so với mức sàn lãi suất cho vay thông thường.

VPBank công bố gói hỗ trợ đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu thiệt hại hoạt động trong lĩnh vực vận tải, kho bãi; lưu trú, lữ hành, nhà hàng – ăn uống; các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu và nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc… đáp ứng điều kiện sẽ được VPBank hỗ trợ giảm lãi suất cho vay từ 1-1,5%/năm…

Tính chung,  toàn ngành ngân hàng đã cam kết gói tín dụng hỗ trợ với nhiều ưu đãi lên tới 285.000 tỷ đồng.


Nhìn lại vài năm qua, đây không phải là lần đầu các NHTM có những biện pháp tích cực hỗ trợ nền kinh tế. Ở thời điểm này năm 2019, khi dịch tả lợn châu Phi lây lan trên cả nước gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi, NHNN cũng đã có chỉ đạo các NHTM vào cuộc kịp thời hỗ trợ các khách hàng bị thiệt hại.

Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, tính đến tháng giữa tháng 6/2019, các NHTM đã hỗ trợ người dân chăn nuôi lợn bị thiệt hại do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi số tiền 357 tỷ đồng thông qua hình thức đa dạng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay… góp phần “gỡ khó” cho các hộ chăn nuôi phần nào vượt qua khó khăn.

Dịch COVID-19 lần này có quy mô toàn cầu, tác động đến mọi mặt, gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặc dù cũng đang phải đối mặt với khó khăn, đại diện các NHTM khẳng định: Trong thời gian tới sẽ tiếp tục đánh giá sự ảnh hưởng của dịch COVID-19 để có những chính sách mới phù hợp nhằm hỗ trợ cộng đồng, khách hàng vượt qua khó khăn.

 

Anh Minh

513 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 893
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 893
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87052414