Ngành ngân hàng phát huy vai trò "huyết mạch" của nền kinh tế tiếp sức cho doanh nghiệp 

(ĐCSVN) - Với vai trò là “huyết mạch” của nền kinh tế, việc đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng trong và sau đại dịch là điều vô cùng quan trọng để sẵn sàng tiếp sức doanh nghiệp, người dân khôi phục sản xuất - kinh doanh

 

Ngày 30/11, tại Hà Nội, Báo Đầu tư với sự phối hợp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức toạ đàm với chủ đề: Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Hình ảnh tại buổi tọa đàm (Ảnh: TL) 

Phát biểu tại Toạ đàm, bà Bùi Thuý Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ theo định hướng hỗ trợ đà phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, đảm bảo vận hành thông suốt và ổn định thị trường tiền tệ.

Theo bà Bùi Thuý Hằng, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chủ động linh hoạt các chính sách tiền tệ đảm bảo thanh khoản của thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát. Nhờ thanh khoản thị trường tiền tệ dồi dào đã tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng giảm lãi suất, đáp ứng nhu cầu vay của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, ngân hàng Nhà nước đã có các giải pháp hỗ trợ giảm lãi suất cho vay. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm so với năm 2020. Lãi suất cho vay đã giảm 1% trong năm 2020 và xu hướng giảm lãi suất này vẫn tiếp tục trong hơn nửa năm 2021 với mức giảm khoảng 0,66%/năm. Các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,9 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 3,79 triệu tỷ đồng. Lũy kế từ 23/01/2020 đến cuối tháng 10/2021, tổng số tiền lãi đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 31.400 tỷ đồng. 

Bà Hằng cho biết, tính đến ngày 25/11, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 10,1% so với cuối năm 2020. Theo đó, tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, cung ứng vốn đầy đủ kịp thời cho nền kinh tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận tín dụng.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ với phạm vi hỗ trợ được mở rộng hơn, thời gian hỗ trợ kéo dài dến tháng 6/2022. Các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại nợ 330.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ 250.000 tỷ đồng; miễn giảm hạ lãi suất cho 1,8 triệu khách hàng với dư nợ 3,5 triệu tỷ đồng. Dư nợ cho vay mới lãi suất thấp so với trước dịch đạt 7 triệu tỷ đồng cho hơn một triệu khách hàng.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng chịu ảnh hưởng nhất bao gồm chương trình trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ (quy mô 7.500 tỷ đồng). Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Thông tư quy định về tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng sau khi tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines với hạn mức tối đa 4.000 tỷ đồng mỗi tổ chức.

Cùng với đó, tỷ giá được điều hành linh hoạt, phù hợp diễn biến thị trường tạo sự ổn định về tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài; miễn giảm phí dịch vụ thanh toán, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Tại tọa đàm, TS. Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, Việt Nam sử dụng chính sách tiền tệ nhiều hơn các nước nên chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò lớn trong thời gian tới. Việt Nam nên cân nhắc chấp nhận tăng nợ công và tăng bội chi, tất nhiên là cần thiết lập kỷ luật tài khóa trong trung và dài hạn. Khuyến nghị của ADB là chính sách tài khóa sẽ là trụ cột chính, bên cạnh sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ.

Chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa cũng nhận định, tại nhiều quốc gia trên thế giới, để phục hồi kinh tế thì sẽ không “kéo” các ngân hàng thương mại vào cuộc. Khi các ngân hàng trung ương trên thế giới dự kiến tăng lãi suất thì chúng ta lại giảm, điều này phải cân nhắc. Hơn nữa, sau cuộc khủng hoảng COVID-19, doanh nghiệp vất vả nhất sẽ là các ngân hàng thương mại. Vị chuyên gia này khuyến nghị phải có giải pháp để không làm ảnh hưởng, méo mó lãi suất trên thị trường, không nên đẩy các ngân hàng vào thế rủi ro.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh dịch bệnh vừa qua, hoạt động của ngân hàng đã phải chịu nhiều hệ lụy. Điều đó khiến việc điều hành chính sách tiền tệ trong những tháng còn lại của năm 2021 và sang năm 2022 đối mặt với không ít thách thức khi vừa phải duy trì sự hỗ trợ cho quá trình phục hồi kinh tế còn đang mong manh, bất trắc, vừa phải chủ động đối phó với áp lực lạm phát gia tăng.

Vì vậy, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch, hỗ trợ phục hồi kinh tế, đồng thời theo dõi sát diễn biến vĩ mô, giá cả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đặt ra./.

 
M.P
554 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 956
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 956
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87215802