Đó là thông tin được cho biết tại Hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). Hội nghị diễn ra ngày 9/7, tại Hà Nội.
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: BH)
Thông tin tại Hội nghị cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2018, giá trị sản xuất lâm nghiệp ước đạt 13.000 tỷ đồng, tăng 5,21% so với 6 tháng đầu năm 2017. Cùng với đó, giá trị xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 4,331 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ 2017, đạt 48,1% kế hoạch năm 2018, tăng 12,5 % so với năm 2017. Giá trị xuất siêu lâm sản chính đạt 3,237 tỷ USD, cao nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu nông sản chủ lực.
Bên cạnh đó, theo công bố hiện trạng rừng toàn quốc, tỷ lệ che phủ rừng năm 2017 là 41,45%. Ước thực hiện năm 2018 đạt 41,65% (đạt chỉ tiêu kế hoạch). Đồng thời, trong 6 tháng đầu năm 2018, cả nước đã thu được 1.091,6 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, đạt 47% kế hoạch năm và tăng 70% so với cùng kỳ năm 2017.
Đặc biệt, công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản phát triển mạnh với nhiều thành phần kinh tế. Hiện đồ gỗ Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 100 nước và vùng lãnh thổ, trong đó, các thị trường chủ yếu là: Mỹ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Nhằm hướng đến mục tiêu cả năm xuất khẩu lâm sản đạt 9 tỷ USD, các đại biểu cho rằng, cần tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất lâm nghiệp giá trị cao, kinh doanh gỗ lớn, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất, chế biến lâm sản xuất khẩu. Đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nguồn nguyên liệu đến ứng dụng công nghệ với giữ ổn định các thị trường truyền thống và mở rộng thêm các thị trường mới.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị, các doanh nghiệp chế biến cần lưu ý sử dụng nguồn nguyên liệu hợp pháp trong xuất khẩu để giảm thiểu rủi ro. Về lâu dài tiếp tục duy trì và đa dạng hóa nguồn gỗ nhập khẩu, tiếp cận nguồn nguyên liệu từ các thị trường ít rủi ro. Cùng với đó, xây dựng các khu rừng gỗ lớn, gỗ có chứng chỉ để chủ động hơn về nguồn nguyên liệu thông qua liên kết chuỗi giữa người trồng rừng với công ty chế biến để gia tăng giá trị xuất khẩu.
Những tháng cuối năm 2018, ngành lâm nghiệp đặt nhiệm vụ đôn đốc, chỉ đạo các địa phương hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2018, đặc biệt là quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có và quỹ đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp. Trong đó, phấn đấu thực hiện đạt các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu năm 2018, như: tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp 6 – 6,5%; giá trị xuất khẩu lâm sản 9 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng 41,65%./.
BT