Ngành Lâm nghiệp nỗ lực kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 14 tỷ USD  

(ĐCSVN) - Đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng ở mức 42% và kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 14 tỷ USD là hai chỉ tiêu quan trọng mà ngành Lâm nghiệp đang tiếp tục nỗ lực phấn đấu để hoàn thành được trong 6 tháng cuối năm 2021. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị, còn nhiều khó khăn liên quan cần được tháo gỡ khi triển khai hai chỉ tiêu này.
 
 
 Kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 14 tỷ USD là chỉ tiêu quan trọng mà ngành Lâm nghiệp cần phấn đấu đạt được trong cả năm 2021. (Ảnh minh họa: QH)

Xuất khẩu lâm sản tăng tới 61,6% so với cùng kỳ

6 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh nhiều khó khăn, tuy nhiên, ngành Lâm nghiệp vẫn ghi nhận đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, công tác quản lý chất lượng giống được các địa phương nghiêm túc thực hiện. Kết quả, 6 tháng năm 2021 đã chuẩn bị được 658 triệu cây giống các loại phục vụ cho kế hoạch trồng rừng, bằng 145% so với cùng kỳ năm 2020. Diện tích rừng trồng được kiểm soát giống đạt 85%. Cũng trong 6 tháng đầu năm đã công nhận được 13 giống cây trồng lâm nghiệp mới có năng suất, chất lượng cao.

Về trồng rừng, tính đến ngày 23/6/2021, cả nước đã trồng được 108.258 ha, đạt 41,63% kế hoạch năm 2021, bằng 122% so với cùng kỳ năm 2020, tập trung ở một số tỉnh phía Bắc, Đông Bắc Bộ, trong đó, rừng phòng hộ đạt 1.315 ha; rừng sản xuất đạt 106.868 ha. Về trồng cây phân tán, cả nước đã trồng 41,272 triệu cây, đạt 34,4% kế hoạch, bằng 102% so với cùng kỳ năm 2020.

Về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, tiếp tục được các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm nóng về tình trạng phá rừng tại một số tỉnh như: Bắc Kạn, Sơn La, Thừa Thiên Huế, Đắc Nông, Gia Lai. Nguyên nhân chủ yếu là phá rừng lấy đất làm nương rẫy.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2021, đã phát hiện 1.329 vụ vi phạm ảnh hưởng tới rừng, giảm 114 vụ (tương ứng giảm 8%) so với cùng kỳ năm 2020; thu nộp ngân sách 29,5 tỷ đồng. Lũy kế diện tích rừng bị thiệt hại trong 6 tháng 1.210 ha, giảm 1.380 ha (tương ứng giảm 53%) so với cùng kỳ năm 2020.

Nổi bật nhất trong 6 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu lâm sản ước đạt 8,71 tỷ USD, tăng tới 61,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, gỗ các loại đạt 1,76 tỷ USD, tăng 23,6%; sản phẩm gỗ 6,35 tỷ USD, tăng 75,4%; lâm sản ngoài gỗ 0,6 tỷ USD, tăng 72,9%.

Các thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường xuất khẩu quan trọng của gỗ và lâm sản Việt Nam. Giá trị xuất khẩu vào 5 thị trường này ước đạt trên 7,68 tỷ USD, chiếm khoảng 89% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn ngành Lâm nghiệp đã tập trung quyết liệt triển khai nhiệm vụ được giao, đưa ra các giải pháp kịp thời và phù hợp với tình hình thực tiễn. Do vậy, toàn ngành đã đạt được kết quả khả quan, góp phần quan trọng vào kết quả của sản xuất chung của ngành Nông nghiệp.

Nỗ lực thực hiện 2 chỉ tiêu trọng tâm

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị, trong 6 tháng cuối năm 2021, có hai chỉ tiêu rất quan trọng đối với ngành cần được đảm bảo. Đó là chỉ tiêu về đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng đạt 42% và giá trị xuất khẩu lâm sản đạt khoảng 14 tỷ USD.

Về triển khai nhiệm vụ đạt tỷ lệ che phủ rừng 42% trong năm 2021 cũng như trong giai đoạn 2021-2025, theo ông Nguyễn Quốc Trị, chỉ tiêu này liên quan đến 3 nhiệm vụ. Thứ nhất là nhiệm vụ bảo vệ rừng; thứ hai là về phòng cháy chữa cháy rừng và thứ ba là chuyển mục đích sử dụng rừng và phát triển rừng.

Đối với nhiệm vụ bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng vốn là công tác liên quan đến rất nhiều yếu tố, từ con người đến khí hậu, điều kiện tự nhiên. Do vậy, hiện nay, hoạt động này vẫn còn nhiều khó khăn do liên quan đến các vụ phá rừng với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Đáng chú ý, trong những tuần vừa qua, thời tiết rất khắc nghiệt, ảnh hưởng lớn đến công tác phòng cháy chữa cháy rừng, đặc biệt là khu vực duyên hải miền Trung, không có mưa và cường độ nắng nóng gay gắt; việc sử dụng lửa bất cẩn gây nên những vụ cháy rừng như tại: Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình,… Đặc biệt là vụ cháy rừng vừa qua tại thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, phải mất nhiều thời gian mới khống chế được đám cháy.

Do vậy, về vấn đề này, ông Trị cho biết, trong thời gian tới, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với một số cơ quan thông tấn báo chí để thông tin cảnh báo phát hiện các điểm cháy sớm và tiến hành kiểm tra tại một số các địa phương để nâng cao tinh thần phòng cháy, chữa cháy rừng. Mặt khác, sẽ phối hợp với cơ quan dự báo khí tượng thủy văn của Bộ Tài nguyên và Môi trường để có thông tin thời tiết trước 7 ngày cho các địa phương để có các giải pháp ứng phó cụ thể.

Về nhiệm vụ phát triển triển rừng, đặc biệt về trồng cây xanh, ông Trị cho biết, việc trồng rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng cơ bản thực hiện đúng theo kế hoạch, tuy nhiên, đối với chỉ tiêu trồng rừng phân tán, đến nay, đã trồng tăng 2% so với năm 2020. Tuy nhiên, nếu tăng như vậy chưa đảm bảo bởi mới chỉ đạt 1/3 so với kế hoạch năm nay (trồng 150 triệu cây). Chính vì vậy, Tổng cục Lâm nghiệp đang đề nghị các địa phương vừa lập kế hoạch triển khai theo quyết định 524/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và xây dựng kế hoạch vừa trồng vừa chuẩn bị cây giống cho sang năm. Năm nay nếu tích cực và thực sự cố gắng triển khai mới đạt chỉ tiêu 150 triệu cây.

Đáng chú ý, về chỉ tiêu giá trị xuất khẩu lâm sản, phấn đấu đạt 14 tỷ USD trong năm 2021, trong khi đó, hiện nay con số này đã đạt 8,71 tỷ USD. Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Trị cho rằng, nếu trong điều kiện bình thường, Tổng cục Lâm nghiệp khẳng định con số này sẽ đạt và vượt, tuy nhiên, hiện nay việc xuất khẩu lâm sản đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tính bền vững không cao do cạnh tranh thương mại.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Quốc Trị, một khó khăn hiện nay là về nguyên liệu gỗ. Hiện gỗ tròn, gỗ xẻ nhập khẩu khó khăn. Và đặc biệt ở một số nước có nền quản trị lâm nghiệp phát triển thì hiện nay khối lượng này đang giảm. Với việc nhập khẩu gỗ hiện nay còn có những vướng mắc, theo ông Trị, Tổng cục Lâm nghiệp đang tiếp tục phân tích, đánh giá để đưa ra các giải pháp cụ thể đối với từng nước đối với việc nhập khẩu gỗ.

Bên cạnh đó, hiện nay, Tổng cục Lâm nghiệp đang tập trung vào truy xuất nguồn gốc nguyên liệu đầu vào để chế biến các sản phẩm. Về vấn đề này, đối với gỗ nhập khẩu, Tổng cục đã công bố công khai minh bạch các giấy phép đã được cấp để cho bên sản xuất và bên quản lý của các quốc gia nắm được.

Ngoài ra, để thực hiện chỉ tiêu về xuất khẩu lâm sản, ông Trị cho biết, ngành Lâm nghiệp khuyến khích việc trồng rừng gỗ lớn để sản xuất được nhiều sản phẩm trong chế biến và khuyến khích trồng rừng có tín chỉ để nâng cao giá trị xuất khẩu./.

 
BT
186 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 700
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 700
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76772673