Ngành lâm nghiệp đạt được nhiều kết quả khả quan trong năm 2023 

(ĐCSVN) - Năm 2023, ngành lâm nghiệp triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, điều hành, bám sát chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, ngành lâm nghiệp đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

 

Hội nghị tổng kết ngành lâm nghiệp năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Chiều 27/12, tại Hà Nội, Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị tổng kết ngành lâm nghiệp năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Theo Cục Lâm nghiệp, năm 2023, ngành lâm nghiệp triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: biến đổi của thời tiết, khí hậu; xung đột tại một số quốc gia làm ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu đối với mặt hàng gỗ nói riêng và các mặt hàng nông lâm thủy sản nói chung,…

Tuy nhiên, ngay từ đầu năm, ngành lâm nghiệp đã triển khai đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, điều hành, bám sát chỉ tiêu nhiệm vụ được giao để tổ chức triển khai thực hiện. Nhờ vậy, lĩnh vực lâm nghiệp đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần vào tăng trưởng chung của ngành NN&PTNT.

Theo đó, trong năm 2023, trên lĩnh vực trồng rừng, cả nước đã trồng được khoảng 250.000 ha rừng, đạt 102% kế hoạch năm 2023. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Tổng nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng năm 2023 đạt 4.130,40 tỷ đồng.

Về xuất khẩu lâm sản, ước đạt 14,390 tỷ USD, giảm 15,8% so với năm 2022. Nguyên nhân sụt giảm do thị trường có nhiều biến động bất ổn, đồng thời, chịu ảnh hưởng từ xung đột chính trị Nga - Ukraine; người tiêu dùng tại thị trường Hoa Kỳ và EU đang thắt chặt chi tiêu đối với các sản phẩm không thiết yếu, trong đó có các sản phẩm gỗ. Tuy vậy, giá trị xuất siêu của lâm sản vẫn ước đạt 12,199 tỷ USD.

Đáng chú ý, trong năm 2023, đánh dấu một cột mốc rất quan trọng, lần đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực lâm nghiệp, đã hoàn thành các thủ tục để chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn các-bon cho Quỹ Đối tác các-bon trong Lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn CO2, tương đương 51,5 triệu USD.

Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ Ngân hàng Thế giới (WB) với 41,2 triệu USD và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ.

Bước sang năm 2024, ngành Lâm nghiệp đề ra mục tiêu: Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định ở mức 42,02%; tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 5,0 - 5,5%; thu dịch vụ môi trường rừng 3.200 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu lâm sản 17,5 tỷ USD,…

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã có các ý kiến kiến nghị nhằm khắc phục những khó khăn đang tồn tại. Trong đó, Giám đốc Vườn Quốc gia Tam Đảo - Đỗ Thanh Hải kiến nghị Bộ NN&PTNT, Cục Kiểm lâm trong thời gian tới phối hợp với địa phương nhằm giúp Vườn Quốc gia giải quyết khó khăn về công tác quy hoạch.

Bên cạnh đó, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng 1 Nguyễn Văn Trang cho rằng, hiện vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn xâm hại đến rừng trong bối cảnh nhân lực của kiểm lâm còn hạn chế, đồng thời, các phương tiện được cấp đến nay đã cũ nát, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo vệ và phát triển rừng. Do đó, Phó Chi cục trưởng Nguyễn Văn Trang kiến nghị bổ sung thêm biên chế và các trang thiết bị mới cho lực lượng kiểm lâm vùng 1 để thực hiện tốt yêu cầu nhiệm vụ.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị cho rằng, năm 2023 là năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành lâm nghiệp. Tuy  nhiên, với những kết quả đạt được đã góp phần giúp cho Bộ NN&PTNT hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra.

Bước sang năm 2024, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đề nghị ngành lâm nghiệp cần quan tâm đến công tác văn bản quy phạm pháp luật nhằm có các cơ chế chính sách được ban hành kịp thời. Đồng thời, trên cơ sở dự báo tình hình xung đột còn kéo dài, thị trường xuất khẩu lâm sản còn khó đoán định, các yếu tố đầu vào, đầu ra của sản xuất còn nhiều biến động, để từ đó đưa ra mục tiêu về xuất khẩu lâm sản cụ thể, bám sát với tình hình thực tiễn. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị ngành lâm nghiệp cần tăng cường thực hiện tốt công tác chuyển đổi số nhằm giúp cho ngành nắm được các thông tin kịp thời về biến động rừng, sản xuất lâm nghiệp,…/.

 
Tin, ảnh: N.T
250 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 959
    • Thành viên Thành viên 2
    • Tổng Tổng 961
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87226954