Ngành Hải quan triển khai nhiều biện pháp kiểm soát nợ thuế 

(Chinhphu.vn) - Nhằm “kìm” nợ thuế xuống mức thấp nhất và phấn đấu thu nộp NSNN ở mức cao nhất, Tổng cục Hải quan đang chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ triển khai thực hiện nhiều biện pháp quản lý và thu hồi nợ đọng thuế, thường xuyên báo cáo về tình hình thu hồi nợ thuế.

 

Theo thống kê sơ bộ, tính đến 31/10, tổng số nợ thuế của toàn ngành Hải quan là 5.666,56 tỷ đồng. So với thời điểm 31/12/2019 (tổng nợ là: 5.577,87 tỷ đồng) thì số nợ thời điểm 31/10 tăng 88,69 tỷ đồng (tương đương tăng 1,59%). Có thể nói, trong tình hình dịch bệnh, thiên tai bão lũ như hiện nay thì việc quản lý nợ thuế của ngành Hải quan đang được đánh giá khá khả quan. Bởi số nợ thuế 88,69 tỷ đồng chủ yếu phát sinh từ công tác kiểm tra sau thông quan, dẫn đến ấn định thuế làm tăng nợ của toàn Ngành. Trong tổng nợ đến thời điểm 31/10 thì nhóm nợ khó có khả năng thu hồi chiếm phần lớn (3.826 tỷ đồng), chiếm 67% tổng nợ của toàn ngành.

Tính đến hết ngày 31/10/2020, ngành Hải quan đã thu hồi và xử lý nợ thuế đạt 302,6 tỷ đồng. Đánh giá từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 10 tháng đầu năm, công tác đôn đốc thu hồi nợ thuế tại một số cục hải quan tỉnh, thành phố có kết quả tốt như Cục Hải quan Hải Phòng thu hồi đạt 147,2 tỷ đồng, Cục Hải quan Bắc Ninh thu hồi đạt 40,9 tỷ đồng, Cục Hải quan Khánh Hòa thu hồi đạt 76,9 tỷ đồng. Bên cạnh đó cũng còn một số đơn vị có kết quả chưa tốt như Hải quan Cà Mau, Đồng Tháp, Tây Ninh.

Phân tích kỹ hơn về nguyên nhân nợ thuế tăng, đại diện Cục Thuế XNK cho biết, số nợ thuế trên 3.800 tỷ đồng khó có khả năng thu hồi của ngành Hải quan là do từ các năm trước để lại. Nguyên nhân là trước đây, nhằm tạo điều kiện cho DN, Nhà nước cho phép nợ thuế XNK.

Cụ thể, Luật Quản lý thuế năm 2006 cho phép nợ thuế (trừ hàng hóa tiêu dùng NK), như hàng hóa XK được nợ thuế 30 ngày; hàng hóa NK là vật tư, nguyên liệu để sản xuất hàng hóa XK được nợ thuế tới 275 ngày; hàng hoá TNTX hoặc TXTN được nợ thuế 15 ngày; hàng hóa NK khác được nợ thuế 30 ngày.

Lợi dụng kẽ hở này, không ít DN đã chây ỳ, thậm chí bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh. Ngoài ra, cũng có nhiều DN sau khi XNK được nợ thuế gặp khó khăn về tài chính, nên không có nguồn để thực hiện nghĩa vụ với NSNN. Chính vì vậy, Luật Quản lý thuế năm 2012 chỉ cho phép nợ thuế 275 ngày đối với hàng hóa là nguyên liệu, vật tư NK để sản xuất hàng hóa XK, nhưng DN phải đáp ứng nhiều điều kiện rất khắt khe, còn lại DN chỉ được thông quan, giải phóng hàng khi đã nộp tất cả các loại thuế, phí liên quan đến XNK (trừ trường hợp được bảo lãnh). Vì thế, nợ thuế do ngành Hải quan quản lý giảm hẳn.

Bên cạnh đó, số nợ giảm tại nhóm nợ có khả năng thu giảm do các đơn vị đã tích cực trong công tác thu hồi nợ cũ. Đồng thời đối với khoản nợ mới phát sinh trong năm 2020, các đơn vị trong toàn Ngành đã và đang nhanh chóng triển khai các giải pháp thu hồi.

Phấn đấu tổng nợ nhỏ hơn 2%

Trong những tháng cuối năm 2020, dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới, thiên tai lũ lụt ở các tỉnh miền Trung đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều DN bị thiệt hại phải giải thể, phá sản, không còn nguồn tài chính để nộp thuế cho ngân sách. Do đó công tác thu ngân sách, cũng như quản lý thu nói chung và thu nợ thuế nói riêng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Nhằm “kìm” nợ thuế xuống mức thấp nhất và phấn đấu thu nộp NSNN ở mức cao nhất, Tổng cục Hải quan đang chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ triển khai thực hiện nhiều biện pháp quản lý và thu hồi nợ đọng thuế, thường xuyên báo cáo về tình hình thu hồi nợ thuế. Trong đó, Tổng cục Hải quan đã và đang chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố, quyết liệt thực hiện có hiệu quả Quyết định 924/QĐ-TCHQ ngày 27/3/2020 về giao chỉ tiêu thu hồi nợ thuế cho các cục hải quan tỉnh, thành phố, đôn đốc, theo dõi từng tháng, quý tình hình thu hồi, xử lý nợ thuế. Ngoài ra, ngành Hải quan cũng triển khai và đôn đốc các cục hải quan tỉnh, thành phố hoàn thiện hồ sơ đối với các trường hợp có khả năng xóa nợ theo quy định tại Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 và Luật Quản lý thuế 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 để thực hiện xóa nợ nhằm làm giảm số nợ thuế.

Đặc biệt, Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện phân tích, đánh giá sát sao tình hình nợ thuế, xác định rõ nguyên nhân tăng giảm nợ thuế tại các cục hải quan địa phương; chỉ đạo rà soát các khoản nợ tại các địa phương thực hiện nghiêm túc việc đôn đốc thu hồi nợ thuế, áp dụng đầy đủ các quy định về thời hạn nộp thuế, trình tự thanh toán tiền nợ thuế và các biện pháp để thu hồi hết các khoản nợ có khả năng thu.

Đồng thời, kiểm tra, rà soát các DN đóng trên địa bàn còn nợ thuế, nợ phạt, làm việc với UBND tỉnh, thành phố đề nghị có ý kiến chỉ đạo đối với các cơ quan ban ngành có liên quan để thu hồi nợ thuế. Song song với đó là tăng cường công tác phối hợp với cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, ban quản lý khu công nghiệp, chính quyền địa phương và đơn vị thuế địa phương để truy tìm DN, chủ sở hữu DN trong công tác thu hồi nợ đọng thuế.

Đặc biệt, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị quản lý chặt chẽ nợ mới phát sinh, trong đó, cần thông báo nhắc nhở khi sắp đến hạn nộp thuế, nếu quá hạn mà DN chưa nộp phải thực hiện đôn đốc để thu ngay không để lâu, thực hiện nghiêm thứ tự thanh toán tiền thuế, áp dụng tuần tự các biện pháp cưỡng chế theo quy định.

Để phấn đấu kiểm soát tổng số nợ đọng thuế nhỏ hơn 2% tổng thu ngân sách, Tổng cục Hải quan đã và đang đôn đốc các đơn vị thường xuyên báo cáo về tình hình thu hồi nợ thuế; thống kê danh sách DN nợ thuế chây ỳ, thuộc diện cưỡng chế và đề nghị công khai danh tính.

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan quản lý tiến hành thu thập thông tin tài khoản tiền gửi, tiền lương, tài sản của chủ sở hữu DN không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh.

Đối với các khoản miễn, giảm thuế có điều kiện như: hàng gia công, hàng nhập khẩu để sản xuất hàng gia công, hàng nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu, Tổng cục Hải quan đề nghị các cục hải quan tỉnh, thành phố cần có các biện pháp quản lý chặt chẽ không để phát sinh nợ thuế mà chủ DN bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh hoặc bỏ về nước (chủ DN là người nước ngoài)… không thu hồi được nợ thuế.

NB

183 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1012
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1012
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87180384