|
Ảnh minh hoạ (Ảnh: M.P) |
Tạo thuận lợi thương mại
Cụ thể, Tổng cục trưởng yêu cầu các đơn vị quán triệt, triển khai quyết liệt, đồng bộ các nghị quyết của Chính phủ, Bộ Tài chính, quyết tâm hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị và hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm thành lập Hải quan Việt Nam với phương châm “Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo, quyết tâm đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Hải quan”; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác hải quan, tạo thuận lợi thương mại và các hoạt động xuất nhập khẩu, rút ngắn thời gian, chi phí thông quan hàng hóa.
Theo đó, thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan cần quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức nâng cao nhận thức, ý nghĩa tầm quan trọng của công tác cải cách, hiện đại hóa gắn liền với nâng cao hiệu quả của công tác quản lý trong quá trình thực thi công vụ. Đồng thời, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan Việt Nam đến năm 2030, hướng tới mục tiêu tổng quát là xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan thông minh.
Cùng với đó, Tổng cục trưởng cũng yêu cầu các đơn vị tập trung nguồn lực cải cách thể chế pháp luật về hải quan theo hướng hiện đại, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, phù hợp với các cam kết quốc tế và định hướng phát triển hải quan.
Tổng cục trưởng cũng yêu cầu toàn Ngành cần tập trung hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra cho năm 2024 thuộc Kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của ngành Hải quan; tiếp tục triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; xây dựng Dự án mở rộng Cổng thông tin một cửa quốc gia và kết nối Cơ chế một cửa ASEAN.
Chống thất thu ngân sách
Trong kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2024, lãnh đạo Tổnh cục Hải quan yêu cầu các đơn vị cần tăng cường chống thất thu qua công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện thủ tục hải quan, quản lý thuế, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Theo đó, tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể như: kiểm tra chặt về số lượng, trọng lượng, chủng loại, tên hàng hoá; trị giá hàng hoá xuất nhập khẩu; phân loại hàng hoá, áp dụng mã số và mức thuế; xuất xứ hàng hoá; thực hiện miễn/giảm/hoàn thuế/ưu đãi thuế; chủ động rà soát, phân loại, thu hồi và xử lý nợ thuế; giám sát đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải bao gồm toàn bộ hàng hóa thuộc các loại hình như: hàng gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất, kho ngoại quan, kho hàng không kéo dài; hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính; hàng quá cảnh, hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan; hàng hóa, phương tiện vận tải đưa vào, đưa ra, lưu giữ tại khu vực cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa; quyết liệt áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan,...
Tổng cục trưởng yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm các quy định về chính sách tài khóa và các kết luận, kiến nghị của các đoàn thanh tra, kiểm toán, Ủy ban kiểm tra Trung ương; tăng cường kiểm tra nội bộ và tự kiểm tra nội bộ; nghiêm túc Kế hoạch thanh tra của Bộ Tài chính giao Tổng cục Hải quan và các Cục Hải quan tỉnh, thành phố năm 2024, kế hoạch kiểm tra nội bộ của Tổng cục Hải quan năm 2024 và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi đơn vị, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành Hải quan./.