Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)
Theo bộ chỉ số theo dõi, đánh giá kết quả cải cách hành chính (CCHC) năm 2017 của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính thì Tổng cục Hải quan đứng đầu với 97,5/100 điểm. Để có được kết quả này Tổng cục Hải quan đã triển khai và áp dụng nhiều giải pháp cụ thể nhằm cải cách TTHC, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK).
Ông Nguyễn Trần Hiệu, Chánh Văn phòng Tổng cục Hải quan cho biết trong thời gian qua ngành Hải quan tập trung mạnh vào cải cách thể chế. Theo đó, đã xây dựng, trình Quốc hội thông qua Luật Hải quan 2014; tham gia xây dựng trình Quốc hội thông qua Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 và cơ bản hoàn thiện hệ thống văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành với nhiều chế định cải cách mạnh mẽ về thủ tục hải quan. Qua đó đã làm giảm bớt số lượng TTHC hải quan, từ 239 thủ tục trước khi có Luật Hải quan 2014 giảm xuống còn 183 thủ tục hiện nay. Phần lớn TTHC được đơn giản hóa về hồ sơ giấy tờ, phương thức thực hiện hầu hết được điện tử hóa, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp. Vừa qua Tổng cục Hải quan đã đề xuất cắt giảm 15/31 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hải quan.
Bên cạnh đó, ngành Hải quan quyết liệt ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thực hiện thủ tục hải quan. Từ năm 2014, ngành Hải quan đã triển khai quản lý, vận hành có hiệu quả Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS với 100% Chi cục Hải quan thực hiện, bảo đảm vận hành 24/7 với 99% thủ tục hải quan được thực hiện qua Hệ thống này. Đến nay đã có 11 Bộ, ngành tham gia Cơ chế một cửa quốc gia với 68 TTHC được kết nối. Đã xây dựng, vận hành Hệ thống quản lý hàng gia công, sản xuất xuất khẩu theo phương thức quản lý mới; Hệ thống quản lý, giám sát hải quan tại cảng biển, cảng hàng không.
Triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tối thiểu mức độ 3 lên 173/183 TTHC (chiếm hơn 94,5% số lượng TTHC), trong đó, có 161 TTHC được cung cấp DVCTT mức độ 4. Ký kết với 37 ngân hàng thương mại để thu thuế điện tử, số thu chiếm 90% số thu ngân sách của ngành Hải quan, giảm thời gian từ 2 ngày xuống còn 15 phút; triển khai chính thức Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 từ 23/10/2017 với 13 ngân hàng thương mại tham gia triển khai đề án.
Đồng thời, ngành Hải quan đẩy mạnh áp dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại. Thực hiện chủ trương của Chính phủ là “đẩy mạnh chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm”, hầu hết các hồ sơ đã thông quan (nhập khẩu) đều được cơ quan Hải quan kiểm tra sau thông quan. Ngành Hải quan không ngừng ứng dụng quản lý rủi ro trong thông quan hàng hóa, trước hết nhằm phân luồng hàng hóa để có biện pháp thông quan phù hợp. Áp dụng xác định trước mã, xuất xứ, trị giá hải quan. Việc cơ quan Hải quan áp dụng công nhận doanh nghiệp ưu tiên cũng là hướng giúp thông quan hàng hóa XNK nhanh chóng. Hiện nay, ngành Hải quan đang xây dựng đề án thí điểm bảo lãnh sau thông quan để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2018.
Đáng chú ý, toàn ngành đã chủ động phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành để cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa XNK. Theo đó, tính đến nay đã có 13 Bộ, ngành đã sửa đổi, bổ sung 81/87 văn bản pháp luật về quản lý, KTCN (chiếm 93%). Các Bộ quản lý chuyên ngành xây dựng và ban hành một số văn bản theo hướng cắt giảm mặt hàng phải KTCN trước thông quan, nhiều mặt hàng đã được chuyển thời điểm kiểm tra từ giai đoạn trước thông quan sang sau thông quan, một số quy định không còn phù hợp cũng đã được bãi bỏ. Để thống nhất mã số hàng hóa quản lý chuyên ngành và KTCN theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC, Tổng cục Hải quan phối hợp với các Bộ chuyên ngành rà soát, chuẩn hóa mã số đối với Danh mục hàng hóa quản lý và KTCN. Trình Bộ Tài chính kiến nghị các Bộ, ngành rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa thuộc diện KTCN.
Đặc biệt, ngành Hải quan không ngừng cải cách tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức. Theo đó, ngành Hải quan đã rà soát, kiện toàn lại tổ chức bộ máy trong ngành bảo đảm tinh gọn, hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả, qua đó đã cắt giảm 239 tổ chức bộ máy cấp Đội (Tổ) thuộc Chi cục và tương đương. Tổng cục Hải quan ban hành Quy chế hoạt động công vụ, Quy chế kiểm soát 3 cấp Hải quan, Tuyên ngôn phục vụ khách hàng, Kế hoạch đối tác Hải quan - Doanh nghiệp.
Ngoài ra, ngành Hải quan thực hiện tốt các hoạt động bổ trợ phục vụ thực hiện thủ tục hải quan. Cụ thể, thường xuyên thống kê công bố công khai bộ TTHC thuộc lĩnh vực hải quan. Tiếp nhận, xử lý kịp thời các phản ánh, kiến nghị về TTHC. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật hải quan cho công chức Hải quan, cho cộng đồng doanh nghiệp bằng nhiều hình thức. Ngành Hải quan chú trọng hoạt động điều tra, chống buôn lậu nhằm bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, thuận lợi. Tích cực phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để giám sát, đo lường, đánh giá sự hài lòng đối với hoạt động của Hải quan, qua đó cơ quan Hải quan lắng nghe, tiếp thu chấn chỉnh những thiếu sót.
Kết quả Chỉ số thương mại qua biên giới của Việt Nam năm 2017 tại Báo cáo Doing Business, thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới của Việt Nam đã rút ngắn đáng kể, giảm 6 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu (từ 138 giờ xuống còn 132 giờ), giảm 3 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu (từ 108 giờ xuống còn 105 giờ). Chi phí thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa qua biên giới giảm 19 USD/cont đối với cả hàng xuất khẩu và nhập khẩu.
Đây là một minh chứng rõ nét về hiệu quả thực hiện CCHC của ngành Hải quan thời gian qua. Hiện nay, trong tổng thời gian thông qua hàng hóa có đến 72% thời gian của các cơ quan kiểm tra chuyên ngành, đây là vấn đề cần được các Bộ, ngành cải cách mạnh hơn nữa để góp phần rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới của Việt Nam./.
Minh Phương