Ngành gỗ và lâm sản nỗ lực xuất khẩu hơn 12 tỷ USD 

(Chinhphu.vn) – 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 8,71 tỷ USD, dự báo cả năm 2021, đạt khoảng 15,5 tỷ USD, tăng khoảng 17% so với năm 2020. Nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm 2021 dự kiến đạt khoảng 3 tỷ USD. Như vậy, cả năm, ngành hàng này dự kiến sẽ xuất siêu hơn 12 tỷ USD.
 
Toàn cảnh hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo, điều hành lĩnh vực lâm nghiệp 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Ngày 7/7, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) tổ chức Hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo, điều hành lĩnh vực lâm nghiệp 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021.

Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp đánh giá, 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã tập trung quyết liệt, đưa ra các giải pháp kịp thời và phù hợp. Bên cạnh đó, ngành cũng chủ động nắm bắt tình hình điểm nóng và khoanh vùng các địa bàn trọng điểm.

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, xuất khẩu gỗ và lâm sản nửa đầu năm 2021 ước đạt 8,71 tỷ USD, tăng 61,6% so với cùng kỳ năm 2020. Các thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản chính của Việt Nam gồm: Hoa Kỳ; Nhật Bản; Trung Quốc; EU, Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu ước đạt trên 7,68 tỷ USD, chiếm khoảng 89% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Trong đó, Hoa Kỳ ước đạt trên 5 tỷ USD, tăng trên 99% so với cùng kỳ năm trước; Nhật Bản đạt 0,73 tỷ USD, tăng 11%; Trung Quốc đạt 0,82 tỷ USD, tăng 22,9%; EU đạt 0,68 tỷ USD, tăng 54% và Hàn Quốc đạt 0,76 tỷ USD, tăng 7%.

Nhập khẩu nguyên liệu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt trên 1,54 tỷ USD, tăng 39% so cùng kỳ; xuất siêu ước đạt 7,2 tỷ USD, tăng 67,4%. Thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam hiện nay gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Thái Lan, Chi Lê với giá trị nhập khẩu ước đạt 894 triệu USD, chiếm 58% giá trị nhập khẩu của cả nước. Như vậy, nửa đầu năm 2021, ngành lâm nghiệp xuất siêu ước đạt 7,2 tỷ USD, tăng 67,4%.

Về các chỉ tiêu khác, sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung khoảng 6,8 triệu m3, đạt 32% kế hoạch năm 2021, bằng 114% so với cùng kỳ năm 2020. Về chi trả dịch vụ môi trường rừng, nửa đầu năm 2021 đã thu được 1.431,7 tỷ đồng, đạt 51% kế hoạch thu năm 2021, bằng 167% so với cùng kỳ năm 2020. Diện tích rừng trồng mới tập trung là 108.258 ha, đạt 41,6% kế hoạch, bằng 122,3% so với cùng kỳ năm 2020. Ước cả năm trồng được 260.000 ha, đạt 100% kế hoạch năm. 1.329 vụ vi phạm ảnh hưởng tới rừng đã bị phát hiện, giảm 114 vụ (tương ứng giảm 8%) so với cùng kỳ năm 2020. Thu nộp ngân sách 29,5 tỷ đồng.

Theo ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã nhận được rất nhiều đơn hàng đặc biệt là từ Hoa Kỳ, EU. Đây là hiệu quả của sự hợp tác song phương giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và EU cũng như việc triển khai các hiệp định FTA giúp các doanh nghiệp ngành gỗ tiếp cận được với các thị trường truyền thống. Kết quả đạt được trong xuất khẩu gỗ và lâm sản của ngành bám sát với những kịch bản mà Tổng cục xây dựng thời điểm đầu năm.

Ông Bùi Chính Nghĩa cũng cho biết, năm nay, chế biến sâu các sản phẩm có giá trị sẽ tiếp tục tăng cao, ví dụ các mặt hàng tủ bếp. Các mặt hàng nội thất cũng đã có sự tăng trưởng lớn với mức 40%. Sản phẩm dăm, viên nén vẫn duy trì mức tăng trưởng như năm ngoái. Như vậy, từng bước, ngành chế biến gỗ đã có sự tăng trưởng và chuyển dịch lớn từ sản xuất các sản phẩm thô sang các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn hơn.

Bên cạnh những thuận lợi thì ngành lâm nghiệp nói chung và xuất khẩu gỗ và lâm sản nói riêng còn nhiều thách thức. Theo đó, sự khó khăn của nền kinh tế Việt Nam cũng như nền kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng đến thương mại hai chiều giữa các quốc gia. Bên cạnh đó, chi phí logistics đang tăng cao, thiếu container rỗng, chi phí vận tải tăng, chi phí vật tư như sơn, keo trong ngành gỗ cũng tăng cao. Ngoài ra, việc tăng trưởng quá lớn tại một số thị trường trọng điểm dẫn đến những áp lực, làm thế nào để có thể cân đối hài hòa việc phát triển thương mại giữa các quốc gia.

Bên cạnh đó, tình hình hoạt động trong công tác đấu tranh, ngăn chặn vi phạm tại các điểm nóng bị hạn chế, do ảnh hưởng của dịch COVD-19. Tình hình vi phạm về phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật vẫn còn tồn tại, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ, nhất là các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, 6 tháng cuối năm ngành lâm nghiệp không được chủ quan bởi dịch COVID-19 khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành, trong đó có ngành lâm nghiệp, đặc biệt là những rào cản thương mại từ các thị trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu.

Do đó, ông Lê Quốc Doanh đề nghị ngành lâm nghiệp cần lên kịch bản, lường hết tất cả các khó khăn, từ sản xuất, lưu thông đến xây dựng các chuỗi giá trị, để từ đó xây dựng các phương án cụ thể, nếu có bất thường xảy ra sẽ không bị lúng túng.

"Mặt khác, cần có biện pháp làm bài bản, trước mắt và lâu dài; cần chuyển từ sản xuất lâm nghiệp sang kinh tế lâm nghiệp”, ông Lê Quốc Doanh nói.

Đỗ Hương

247 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1417
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1417
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87109104