|
Các cơ quan quản lý Nhà nước và các tỉnh cần xem xét kỹ khi phê duyệt các dự án FDI vào các sản phẩm chiến lược ngành gỗ để có thể tận dụng tài nguyên và lao động tại Việt Nam |
Thống kê chung từ đầu năm đến nay, xuất khẩu sản phẩm gỗ đã giảm 33,35% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là những con số bước đầu phản ánh tác động của dịch bệnh tới ngành và dự kiến trong 2 tháng tiếp theo giá trị xuất khẩu sẽ sụt giảm trên 50% so với cùng kỳ của năm 2019.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam thì tăng trưởng xuất khẩu G&SPG trong quý 1/2020 so với quý 1/2019 là do DN xuất khẩu theo các đơn hàng của năm 2019. Nhu cầu sản phẩm giấy trên thế giới tăng cao, DN Trung Quốc tăng cường nhập khẩu dăm gỗ từ Việt Nam.
Tuy nhiên, đến tháng 4 dự báo kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ chỉ còn khoảng 50%, đến tháng 5 còn 30% và đến tháng 6, tháng 7 sẽ còn giảm sâu hơn nữa do không có đơn hàng.
Do đại dịch, lượng đơn hàng giảm trên 50%. Nhiều DN hiện đã đóng cửa vì không nhận được đơn hàng nào trong tháng 4, như Công ty Govina tại Bắc Giang,…. Một số công ty đã thông báo bán nhà máy như Công ty Kim Sen, Công ty BHL Tân Sơn,…
Về nhập khẩu, trong quý 1 năm 2020, kim ngạch nhập khẩu G&SPG đạt 530 triệu USD, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 15 ngày đầu tháng 4/2020, nhập khẩu G&SPG đạt gần 118 triệu USD, tăng 12,31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhập khẩu sản phẩm gỗ (ghế ngồi và đồ gỗ) tăng trong Quý I/2020 là do sự gia tăng từ thị trường Trung Quốc, giá trị nhập khẩu sản phẩm gỗ từ quốc gia này chiếm 83% tổng giá trị nhập khẩu đồ gỗ (trong đó có bộ phần tủ bếp bằng gỗ dán) tăng 205% so với cùng kỳ 2019. Trong bối cảnh Hoa Kỳ đã áp thuế chống bán phá gia và trợ cấp sản xuất đối với tủ gỗ và bàn trang điểm nhập khẩu từ Trung Quốc, cần tăng cường kiểm soát gian lận thương mại với những mặt hàng này.
Một thực tế khác được Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nêu lên là có nhiều DN nhập khẩu gỗ không dám ký đơn hàng mới do lo ngại dịch bệnh. Điển hình như Công ty TAVICO đã giảm nhập gỗ 70%. Các DN nhập khẩu gỗ từ Châu Phi cho thấy lượng gỗ tồn kho có thể cung cấp cho thị trường tới 6 tháng tiếp theo mà không cần nhập gỗ về.
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế ngày 9/5, Hiệp Hội Gỗ và Lâm sản đã đưa ra những kiến nghị giải pháp phục hồi sản xuất sau dịch.
Phối hợp hợp giải pháp ngắn hạn và dài hạn
Các giải pháp ngắn hạn bao gồm vay vốn, thuế và hỗ trợ người lao động.
Về vay vốn, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01 về giảm lãi suất, tuy nhiên nhiều DN ngành gỗ hiện vẫn đang trong tình trạng đợi ngân hàng xem xét hồ sơ để giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khoản vay. Hiệp hộ Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có biện pháp tháo gỡ vướng mắc thủ tục, tài liệu chứng minh thiệt hại, giảm thu nhập… của các doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực của dịch với các ngân hàng thương mại theo quy định của Thông tư 01.
Về thuế, trước tiên là thuế xuất khẩu gỗ xẻ, Hiệp hội đề nghị nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét miễn thuế xuất khẩu 25% đối với các mặt hàng gỗ xẻ phôi có nguồn gốc từ gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ các nước quản trị rừng tốt, cụ thể gỗ sồi xẻ (HS 4407.919090); gỗ tần bì (HS 4407.959090); gỗ bạch dương (HS 4407.969090) và gỗ thông (HS4407.110090). Việc miễn thuế sẽ giúp DN tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất toàn cầu, tạo việc làm cho người lao động, góp phần giải phóng lượng gỗ nguyên liệu tồn kho rất lớn hiện nay, đồng thời bổ sung kim ngạch xuất khẩu khi các nhóm sản phẩm khác gặp khó khăn. Ngoài ra, việc xuất khẩu sản phẩm này không ảnh hưởng tới nguồn cung nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ của nước ta.
Về thuế xuất khẩu dăm gỗ trong tình tế dịch bệnh, giá dăm gỗ giảm sút, đồng thời sản xuất gỗ dán bị mất hai thị trường chính là Hàn Quốc và Mỹ, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét và miễn thuế xuất khẩu dăm gỗ cho doanh nghiệp từ tháng 3 đến tháng 12 năm 2020. Miễn thuế xuất khẩu dăm gỗ cũng giúp bình ổn giá thu mua nguyên liệu rừng trồng để người dân tiếp tục trồng rừng, duy trì nguồn cung ứng nguyên liệu cho công nghiệp gỗ.
Về hỗ trợ người lao động, Hiệp hội cũng mong muốn các đơn vị có thẩm quyền nhanh chóng thực hiện gói hỗ trợ 50% lương tối thiểu cho những người lao động tạm mất việc làm do dịch bệnh và cho vay không lãi để DN chi trả 50% còn lại nhằm bảo tồn lực lượng sản xuất của ngành công nghiệp chế biến gỗ.
Các giải pháp trung và dài hạn đưa ra đầu tiên là về thị trường nội địa: Cần có chính sách thúc đẩy liên kết chuỗi nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đồ gỗ và trang trí nội thất trong nước.
Quảng bá, ưu tiên các sản phẩm của làng nghề, đặc biệt là các sản phẩm từ rừng trồng. Đề nghị phát triển chương trình truyền thông riêng, tập trung vào gỗ rừng trồng, hợp pháp, tạo cung nguyên liệu trong nước;
Tập trung phát triển cơ chế, nhằm hỗ trợ các DN nhỏ và siêu nhỏ, bao gồm cả các xưởng xẻ (một phần trong liên kết), nhằm kết nói với người dân và doanh nghiệp tốt hơn
Về phương thức bán hàng online, Hiệp hội đề nghị Bộ Công Thương có các dự án thúc đẩy thương mại điện tử, xúc tiến quảng bá bán hàng online cho ngành gỗ.
Về cơ cấu dòng sản phẩm, trên phạm vi toàn cầu, các nhóm đồ gỗ phòng bếp, phòng tắm và bàn trang điểm hiện đang chiếm khoảng 60% trong tổng cầu của tất cả các loại đồ gỗ của thế giới. Phần còn lại 40% bao gồm đồ gỗ văn phòng, đồ gỗ ngoài trời… Vì vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước và các tỉnh cần xem xét khi phê duyệt các dự án FDI để tránh tình trạng doanh nghiệp FDI đầu tư quá nhiều vào các dòng sản phẩm chiến lược này để tận dụng tài nguyên và lao động tại Việt Nam và làm mất thị phần của DN gỗ Việt.
Cũng theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, trong chiến lược phát triển ngành Lâm nghiệp sắp tới, cần có chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ để giảm thiểu phụ thuộc vào nước ngoài.
Theo thống kê của Hiệp hội về tình hình tiếp nhận hỗ trợ của Chính phủ thì đến nay các DN đều nhận được thông báo từ chi cục thuế các tỉnh/thành phố hướng dẫn kê khai và nộp giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Hiện các DN đang triển khai theo hướng dẫn tại thông báo này.Căn cứ Nghị định 41 của Chính phủ các DN và các Hiệp hội địa phương đã chủ động làm việc với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để gia hạn nộp tiền thuê đất và đều được các ban quản lý các khu, cụm công nghiệp chia sẻ.
Đỗ Hương