|
Toàn cảnh Đại hội - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Sáng nay (18/11), tại Hà Nội, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) tổ chức Đại hội nhiệm kỳ IV (2019-2024) nhằm tổng kết nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, bầu ra Ban chấp hành nhiệm kỳ mới, đồng thời đưa ra phương hướng hoạt động, chương trình, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ 5 năm tới (2019-2024).
Thành lập từ năm 2000, Vifores có nhiệm vụ chính là cầu nối giữa doanh nghiệp và Chính phủ; giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Sau thời gian thành lập và phát triển, Vifores đã cùng với cộng đồng doanh nghiệp gỗ và lâm sản đạt được nhiều bước tiến tích cực. Kim ngạch xuất khẩu gỗ tăng trưởng đột phá và liên tục. Năm 2000, kim ngạch xuất khẩu gỗ mới chỉ đạt gần 300 triệu USD thì đến năm 2019, con số này đã tăng lên 11 tỷ USD (tăng gấp 50 lần). Số lượng doanh nghiệp chế biến gỗ phát triển không ngừng, năm 2000 chỉ có hơn 100 doanh nghiệp, năm 2019 đạt hơn 5.000 doanh nghiệp.
Thời gian qua, trong quá trình hoạt động, Vifores đã thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp trong tìm kiếm, tiếp xúc khách hàng; tham gia ý kiến sửa đổi các bộ luật liên quan đến ngành gỗ và lâm sản; tham vấn nhiều chính sách thiết thực, hỗ trợ tích cực giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp… Tuy nhiên, hoạt động của hiệp hội cũng còn nhiều hạn chế do thiếu nguồn lực, kinh phí hoạt động xúc tiến thương mại…
Tại nhiệm kỳ mới, Vifores xác định tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp gỗ và lâm sản đẩy mạnh xúc tiến thương mại ra thị trường nước ngoài; tập huấn cho các doanh nghiệp về Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp của Việt Nam; tham gia xây dựng biểu thuế xuất nhập khẩu theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)…
Phát biểu tại đại hội, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp đánh giá: Hiện nay, tình hình kinh tế thế giới có chiều hướng suy giảm, xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng, gian lận thương mại, các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp ngày càng được nhiều thị trường áp dụng. Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung diễn biến khó lường.
Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị trong nhiệm kỳ tới, Vifores sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Lâm nghiệp triển khai tốt nhiều nội dung, trở thành một trong những địa chỉ đáng tin cậy, thu hút nhiều doanh nghiệp trở thành hội viên hiệp hội; tham vấn nhiều hơn cho Tổng cục trong xây dựng cơ chế chính sách, đặc biệt là chiến lược quy hoạch ngành lâm nghiệp, nhấn mạnh vào khâu chế biến gỗ.
“Hy vọng Vifores tiếp tục đẩy mạnh nắm bắt các vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời phản ánh, đưa ra kiến nghị chính đáng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tăng cường truyên truyền doanh nghiệp nói không với gian lận thương mại, xuất xứ, hàng hóa, khi phát hiện doanh nghiệp gian lận thông báo cho cơ quan nhà nước, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp làm ăn chân chính; khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất, tìm kiếm thị trường xuất khẩu…”, ông Nguyễn Quốc Trị nói.
Theo kết quả Đại hội hôm nay, Ban thường vụ Vifores nhiệm kỳ IV (2019-2024) gồm 21 thành viên. Trong đó, Chủ tịch Hiệp hội là ông Đỗ Xuân Lập, Giám đốc Công ty CP Kỹ nghệ Gỗ Tiến Đạt.
Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Vifores là ông Ngô Sỹ Hoài và 7 Phó chủ tịch khác là các ông: Nguyễn Quốc Khanh, Điền Quang Hiệp, Lê Minh Thiện, Lê Xuân Quân, Huỳnh Quang Thanh, Vũ Hải Bằng, Cao Chí Công. Đáng chú ý, trong danh sách Phó Chủ tịch Vifores nhiệm kỳ này, bên cạnh các lãnh đạo doanh nghiệp ngành gỗ, có ông Cao Chí Công hiện đang giữ chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT).
Đỗ Hương