|
Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Đây là những chia sẻ đầu Xuân mới của Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn với báo chí về công tác phát triển lâm nghiệp trong thời gian tới.
Thưa Thứ trưởng, xin ông cho biết ngành lâm nghiệp Việt Nam đang có những chuẩn bị gì cho những thay đổi lớn trong kinh tế lâm nghiệp trong năm 2019?
Ông Hà Công Tuấn: Năm 2019 Việt Nam đã triển khai Luật Lâm nghiệp, đây là luật mới rất quan trọng, có tác động toàn diện đối với ngành lâm nghiệp. Hiệp định CPTPP có hiệu lực cùng với việc kết thúc việc đàm phán, ký kết Hiệp định VPA – FLEGT với EU… đã mở ra tiềm năng rất lớn cho phát triển ngành lâm nghiệp bền vững.
Về giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, Việt Nam hiện đứng thứ 5 thế giới, thứ 2 châu Á và dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, chúng ta cần tiếp tục tăng tốc khi thị trường còn rất rộng mở, đồng thời gia tăng thêm nguồn gỗ nguyên liệu khoảng 2,1-3,6 triệu m3 từ mức 42,8 triệu m3 của năm 2018.
Đối với Luật Lâm nghiệp 2017 bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2019 quy định một chương về chế biến và thương mại lâm sản, xin Thứ trưởng nói rõ thêm về vấn đề này?
Ông Hà Công Tuấn: Chương về chế biến và thị trường lâm sản trong Luật Lâm nghiệp 2017 . nhằm tạo ra liên kết chuỗi, quản lý chuỗi trong suốt quá trình sản xuất lâm nghiệp từ chế biến, khai thác đến xuất khẩu. Đồng thời để phù hợp, hài hòa hóa với các quy định quốc tế về truy xuất nguồn gốc.
Luật bảo đảm cải cách thủ tục hành chính nhưng nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, chế biến và cung ứng sản phẩm, bảo đảm nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Năm mới 2019, cá nhân ông đánh giá cần có những bứt phá gì để ngành lâm nghiệp thực sự xứng đáng là một ngành kinh tế mũi nhọn?
Ông Hà Công Tuấn: Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đạt 8,9 tỷ USD và mục tiêu trong năm 2019 sẽ tăng từ 12 -15%. Cùng với các đơn hàng quốc tế đang có trong tay và với việc giải quyết nguồn nguyên liệu ở trong nước tăng thêm khoảng từ 2,1 – 3,6 triệu m3 nữa thì ngành công nghiệp gỗ hoàn toàn có tiềm năng phát triển ở tốc độ cao hơn. Đặc biệt cao hơn về đầu tư, chế biến, nhất là các doanh nghiệp trong nước.
Trong 3-5 năm trở lại đây các dự án chế biến gỗ đầu tư mới đều ứng dụng công nghệ hiện đại, mức độ tự động cao. Dù nhiều doanh nghiệp không thể đầu tư được tất cả ngay một lúc nhưng đã xác định được hướng phát triển phù hợp với xu thế hiện nay.
Cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền các cấp cũng đang tạo điều kiện rất thuận lợi cho các doanh nghiệp, chủ rừng trồng rừng gỗ lớn, liên kết theo chuỗi để chế biến nâng cao giá trị sản phẩm. trong điều kiện hiện nay niềm tin và sự đồng hành giữa các bên liên kếtchúng ta hoàn toàn vững tin rằng đầu tư vào trồng rừng, đầu tư vào chế biến xuất khẩu gỗ đã và sẽ tiếp tục mang lại lợi nhuận cao.
Xin cảm ơn Thứ trưởng đã chia sẻ!
Đỗ Hương (Thực hiện)