|
( Ảnh minh họa của: QH) |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nguyên nhân chính dẫn đến xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam suy giảm tăng trưởng do lệnh hạn chế đi lại, giãn cách xã hội, tăng cường kiểm tra hàng hóa nhập khẩu tại hầu hết các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam gồm: Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc.
Hiện các quốc gia này đang áp dụng các chính sách mạnh như: Đóng cửa biên giới, đóng toàn bộ các chuỗi cửa hàng không thiết yếu. Điều này dẫn đến các đứt gãy lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, buộc các nhà nhập khẩu phải tạm ngưng nhập khẩu hoặc giãn cách thời gian giao hàng, kể cả các lô hàng đã hoặc đang trong quá trình sản xuất từ giữa tháng 3.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 4, khoảng 80% các đơn hàng xuất khẩu gỗ bị tạm dừng. Các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, EU đã đóng băng; rất nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoặc luân chuyển một bộ phận lao động.
Về tình hình sản xuất trong nước, theo khảo sát của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương,… đối với 124 doanh nghiệp ngành gỗ, có 75% số doanh nghiệp cho biết mức thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 3.066 tỷ đồng vì dịch COVID-19. Phần lớn doanh nghiệp bị thu hẹp quy mô sản xuất, một số đóng cửa, 24% chưa xác định được thiệt hại và 1% số doanh nghiệp còn lại xác nhận doanh thu đã giảm 70%.
Khảo sát cũng cho thấy, có 51% số doanh nghiệp đã phải thu hẹp quy mô sản xuất do dịch bệnh; 35% doanh nghiệp dù đang hoạt động bình thường nhưng phải tạm ngừng sản xuất trong thời gian tới, 7% đã ngừng hoạt động và chỉ có 7% doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường. Tính đến thời điểm cuối tháng 3-2020, toàn bộ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp hiện tại là để đáp ứng các đơn hàng năm 2019. Sản xuất ngưng trệ khiến quy mô lao động giảm mạnh. Ước khoảng 45% tổng số lao động trong các doanh nghiệp này đã mất việc do dịch COVID-19.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp gỗ trước khó khăn gây ra bởi đại dịch COVID-19, Chính phủ đã đồng ý kéo dài 5 tháng đối với các doanh nghiệp chế biến gỗ nói riêng và các doanh nghiệp nói chung chậm nộp các loại thuế. Ngân hàng Nhà nước cũng đã triển khai gói tín dụng 285 nghìn tỷ đồng cho việc giãn, hoãn nợ cũ và đảm bảo các thủ tục thuận lợi đối với hỗ trợ cho vay có điều kiện, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp.
Dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, các tháng tới và đặc biệt trong những tháng cuối năm, tình hình thị trường Mỹ, EU còn gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị các phương án khôi phục sản xuất, tiết giảm chi phí, nối lại chuỗi cung ứng với khách hàng tại các thị trường truyền thống khi dịch bệnh tại các thị trường này cơ bản được kiểm soát./.
BT