Ngành Giao thông tăng dần tần suất đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân 

(ĐCSVN) – Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải Trần Bảo Ngọc cho biết: Các loại hình vận tải hành khách đã hoạt động trở lại từ ngày 13/10/2021 và tăng dần dần về tần suất hoạt động đáp ứng được nhu cần đi lại của hành khách, song vẫn có các biện pháp quản lý trong hoạt động vận tải đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 chặt chẽ đúng chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế.

 

Ngày 22/2, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có phỏng vấn với đồng chí Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT về “Công tác triển khai, thực hiện việc mở lại hoàn toàn hoạt động vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách nội địa và quốc tế bằng đường hàng không, đường bộ, đường biển”.

 Đồng chí Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT

Phóng Viên (PV): Xin Vụ trưởng cho biết việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, gắn với phòng chống dịch COVID-19 trong những tháng cuối năm 2021, đặc biệt dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 được Bộ GTVT thực hiện ra sao?

Đồng chí Trần Bảo Ngọc: Các loại hình vận tải hành khách đã hoạt động trở lại từ ngày 13/10/2021 và tăng dần dần về tần suất hoạt động đáp ứng được nhu cần đi lại của hành khách, song vẫn có các biện pháp quản lý trong hoạt động vận tải đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 chặt chẽ đúng chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Cụ thể, công tác vận tải dịp Tết, Bộ GTVT đã triển khai thực hiện Kế hoạch công tác phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, gắn với phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân Nhâm Dần năm 2022. Đồng thời, có văn bản về việc kế hoạch kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động vận tải và chuẩn bị công tác vận tải Tết năm 2022. Trong đó, Bộ GTVT đã thành lập một số đoàn kiểm tra do Lãnh đạo Bộ làm trưởng đoàn đi kiểm tra các Sở GTVT, nhà ga, bến, cảng, đơn vị vận tải trên một số địa bàn các địa phương.

Đối với vận tải đường bộ, đường sắt, đến nay cơ bản đã trở về trạng thái bình thường mới, tuy nhiên do tâm lý phòng chống dịch nên lượng hành khách chưa hồi phục. Một số tuyến vận tải đường bộ, đặc biệt là các tỉnh miền núi rất ít hành khách đi lại, dẫn đến một số tuyến các doanh nghiệp vận tải hành khách không thể tổ chức hoạt động bình thường.

PV: Đồng chí cho biết về loại hình vận tải công cộng tới thời điểm hiện nay đang duy trì ra sao?

Đồng chí Trần Bảo Ngọc: Về vận tải công cộng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, học sinh, sinh viên, hoạt động vận tải hành khách tại các địa phương đã cơ bản trở lại bình thường (ví dụ, Hà Nội đã khôi phục hoạt động 100% hoạt động vận tải bằng xe buýt, trên địa bàn có 121 tuyến buýt hoạt động với 100% công suất (không thực hiện giãn cách chỗ trên xe) với trên 1.500 xe hoạt động và khoảng 19.000 lượt xe/ngày. Xe taxi, xe hợp đồng và tuyến cố định đã hoạt động bình thường…) phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Đối với vận tải đường thủy nội địa, hàng hải, hiện cơ bản trở lại bình thường, việc quyết định về tần suất hoạt động trên các tuyến đường thủy nội địa, bờ ra đảo do các địa phương chủ động thực hiện phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Hiện nay đã có 4 chuyến/ngày kết nối đảo Lý Sơn với Quảng Ngãi; từ Rạch Giá ra Phú Quốc hoạt động bình thường với bình quân 16 chuyến/ngày, vận chuyển khoảng 3.600 hành khách/ngày.

PV: Vận tải bằng đường hàng không có những khởi sắc rõ rệt trong thời gian trở lại đây. Để có được kết quả đó, đồng chí cho biết Bộ GTVT đã thực hiện những giải pháp nào?

Đồng chí Trần Ngọc Bảo: Tính tới thời điểm hiện tại, lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không đã tăng đáng kể, một số thời điểm như dịp lễ Tết còn gây ắc tắc cục bộ tại một số sân bay, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các hãng hàng không giải quyết kịp thời. Đến nay, Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) chủ động quyết định tần suất khai thác trên các đường bay nội địa đảm bảo nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Tăng cường việc ứng dụng công nghệ hỗ trợ hoạt động điều tiết giao thông trong khu vực cụm cảng hàng không. Tăng cường phối hợp với Thanh tra Sở và các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, điều phối giao thông tại khu vực Cảng hàng. Ngày 18/02/2022, Bộ GTVT đã có văn bản số 1519/BGTVT-VT về việc tăng cường tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách đến và đi tại Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, trong đó yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất: Thứ nhất, các cảng hàng không bố trí hợp lý các khu vực cho các phương tiện vào đón, trả khách; phân luồng khách chờ đón xe đảm bảo an ninh trật tự, kiểm soát chặt chẽ không để xảy ra hiện tượng chèo kéo, bắt chẹt khách trong nhà xe và trong địa bàn khu vực Cảng hàng không. Sắp xếp tăng thêm diện tích bãi đỗ dành cho xe chờ. Tổ chức cho xe buýt chờ đón trả khách tại ga đến quốc nội. Thứ hai, cảng hàng không và các hãng hàng không đều tăng cường việc ứng dụng công nghệ hỗ trợ hoạt động điều tiết giao thông trong khu vực cụm cảng hàng không. Thứ ba, Cục Hàng không Việt Nam đã tăng cường phối hợp với Thanh tra Sở và các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, điều phối giao thông tại khu vực Cảng Hàng không

Hiện, có 6 hãng hàng không (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Pacific Airlines, Bamboo Airways, Vietravel Airlines và Vasco) khai thác 56 đường bay nội địa, với tổng tần suất 2.570 chuyến/tuần/chiều (tương đương 367 chuyến/chiều/ngày), giảm tương ứng 2 đường bay và giảm 217 chuyến/tuần/chiều (tương đương với 31 chuyến bay/chiều/ngày) so với lịch bay mùa Đông năm 2019.

PV: Việt Nam đã gỡ bỏ hạn chế khai thác các chuyến bay, đồng chí có thể cho biết cụ thể hơn về vận tải quốc tế bằng đường hàng không?

Đồng chí Trần Bảo Ngọc: Về Vận tải quốc tế, Bộ GTVT thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về việc triển khai các chuyến bay quốc tế chở khách thường lệ, Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không Việt Nam chủ động đánh giá, tổ chức trao đổi với Nhà chức trách hàng không các đối tác để quyết định nối lại các chuyến bay quốc tế chở khách thường lệ với các thị trường đã có đường bay trực tiếp đến Việt Nam trước khi xảy ra dịch COVID - 19, với tần suất được tăng dần theo lộ trình bảo đảm nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi đi lại trên cơ sở tuân thủ hướng dẫn về giám sát y tế nhập cảnh.

Ngày 15/02/2022, Cục HKVN đã gửi thư thông báo đến các Nhà chức trách hàng không các nước và phát NOTAM thông báo đến các hãng hàng không về việc gỡ bỏ các hạn chế khai thác trên các đường bay quốc tế thường lệ và thuê chuyến quốc tế.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã mở lại các đường bay quốc tế đi/đến 20 quốc gia và vùng lãnh thổ (so với lịch bay mùa Đông năm 2019, thời điểm trước dịch là 28 quốc gia và vùng lãnh thổ), bao gồm: Campuchia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philipine, Qatar, Singapore, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Lào, Trung Quốc, Pháp, Đức, Anh, Úc, Nga, Mỹ,... còn 8 quốc gia chưa mở lại các đường bay là Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Myanma, Macao, Phần Lan, Ý, Thụy Sỹ.

Tần suất khai thác các đường bay quốc tế đi/đến Việt Nam là 370 chuyến/tuần/chiều, tương đương 53 chuyến bay/chiều/ngày, trong khi tần suất khai thác các đường bay quốc tế theo lịch bay mùa Đông năm 2019 là 4.185 chuyến/tuần/chiều, tương đương 598 chuyến/chiều/ngày.

PVNhững nhiệm vụ trọng tâm của Bộ GTVT thực hiện trong thời gian tới như thế nào thưa đồng chí?

Đồng chí Trần Bảo Ngọc: Đối với hàng không, Bộ GTVT tiếp tục duy trì và tăng tần suất đối với các tuyến bay nội địa, từng bước khôi phục và tiếp tục mở lại hoạt động bình thường đối với các đường bay quốc tế.

Về vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải: tăng cường phương tiện và nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút hành khách sử dụng các loại hình vận tải này qua đó khôi phục trở lại hoạt động bình thường.

Tiếp tục thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các Hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không; phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân và doanh nghiệp sản xuất, đảm bảo thông suốt, an toàn trong điều kiện dịch bệnh.

Đồng thời, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông vận tải phối hợp với các lực lượng chức năng của ngành Công an tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của lái xe, chủ xe kinh doanh vận tải; đồng thời, chấn chỉnh và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các vi phạm trong thực thi công vụ (nếu có) của các tổ chức, cá nhân trong lực lượng Thanh tra giao thông vận tải. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi gây mất an toàn giao thông như: Chở quá số người quy định, lái xe sử dụng chất ma túy, uống rượu bia khi lái xe….

Phối hợp với UBND các tỉnh thành phố, chỉ đạo Sở GTVT tăng cường công tác phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức phân luồng giao thông, không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông khi học sinh, sinh viên trở lại đi học bình thường theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và đào tạo; chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.Tiếp tục nắm bắt, kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc phát sinh trong công tác vận tải trên toàn quốc.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

 
Kim Cương (thực hiện)
455 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 808
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 808
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87234161