Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt quyết tâm hoàn thành 29km đầu tuyến (từ nút giao QL7A đến nút giao QL46B) dịp 30/4 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Báo GT
Tại Hội nghị giao ban công tác quý 1 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý 2/2024 của Bộ GTVT vào chiều 1/4, theo báo cáo của Vụ Kế hoạch-Đầu tư, tổng số kế hoạch vốn năm 2024 Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao 56.666 tỷ đồng.
Ước đến hết tháng 3/2024, Bộ GTVT giải ngân khoảng 10.700 tỷ đồng (đạt khoảng 19,2%), cao hơn cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ năm 2023, giải ngân đạt khoảng 17%). Công tác giải ngân 3 tháng đầu năm cơ bản đáp ứng kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký (đạt khoảng 98% kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký).
Giải ngân cao hơn cùng kỳ năm 2023
Giá trị giải ngân 3 tháng đầu năm tập trung ở các Dự án Cao tốc Bắc-Nam với giá trị 6.773 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng khoảng 65% giá trị giải ngân của cả Bộ GTVT).
Cụ thể, các Dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1 giải ngân 1.200/5.476 tỷ đồng, đạt 21,9% kế hoạch năm. Tiến độ giải ngân cơ bản đáp ứng yêu cầu (đạt 89% kế hoạch do các chủ đầu tư xây dựng).
Trong đó, 3 dự án tiến độ giải ngân chậm so với kế hoạch gồm: đoạn đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt (Ban QLDA 6) giải ngân đạt 58%; đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu (Ban QLDA 6) đạt 78%; Cầu Mỹ Thuận 2 (Ban QLDA 7) đạt 77%.
Các Dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 giải ngân 5.573/29.036 tỷ đồng, đạt 19,2% kế hoạch năm và có 2 dự án tiến độ giải ngân chậm so với kế hoạch gồm: Hoài Nhơn-Quy Nhơn (Ban QLDA 85) giải ngân đạt 63%; đoạn Chí Thạnh-Vân Phong (Ban QLDA 7) đạt 73%.
Với các dự án giao thông sử dụng vốn ODA đã giải ngân 665/5.178 tỷ đồng, đạt 12,9% kế hoạch năm, tiến độ giải ngân cơ bản đáp ứng yêu cầu (đạt 91% kế hoạch do các chủ đầu tư xây dựng).
Tuy nhiên, có 2 dự án tiến độ giải ngân chậm so với kế hoạch gồm: Dự án tuyến đường sắt Khe Nét (Ban Quản lý dự án đường sắt) giải ngân đạt 34%; Dự án Cao tốc Bến Lức-Long Thành (Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam-VEC) giải ngân đạt 42% so với kế hoạch.
Đối với các Ban QLDA thuộc Bộ GTVT, có 3 đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp dưới mức trung bình gồm Ban QLDA 85 (15%), Ban QLDA 2 (16%) và Cục Đường bộ Việt Nam (16%).
Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã thi công xong, chờ ngày thông xe (trong ảnh một đoạn cao tốc đi qua huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Báo GT
Nhiều dự án 'cán đích' sớm 3-6 tháng
Một trong những nội dung đáng chú ý của cuộc họp được ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng Bộ GTVT thông tin đó là một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa dự kiến sẽ hoàn thành vượt tiến độ từ 3-6 tháng.
Trong đó, có 4 dự án, hạng mục công trình đã được hoàn thành, gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 2C, tỉnh Tuyên Quang; hạng mục "Xây dựng 2 đơn nguyên cầu đô thị và tổ chức giao thông nút giao Mai Dịch" thuộc dự án đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường Vành đai 3 TP Hà Nội; Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo và dự án QL37 Hải Phòng giai đoạn 1.
Công tác chuẩn bị đầu tư được đẩy nhanh, đã phê duyệt chủ trương đầu tư 65/66 dự án, phê duyệt dự án đầu tư 55/65 dự án.
7 dự án đã được tổ chức khởi công, gồm: Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận; Cải tạo, nâng cấp QL28B qua tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng; Dự án đường tránh phía đông TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
Cùng đó là các dự án: Nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ trên địa phận tỉnh Đồng Tháp và TP; Nâng cấp đoạn Km18 - Km80, quốc lộ 4B Lạng Sơn; Cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM; nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ, đường sắt cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia - giai đoạn 1 (khu vực phía Nam).
"Trong quý I, Bộ GTVT cũng đã trình Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành theo đúng tiến độ", Chánh văn phòng Bộ GTVT thông tin.
Phan Trang