Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị: một năm nhìn lại  

Năm 2017, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Quảng Trị đã khắc phục khó khăn để tạo được những thành quả rõ rệt trên nhiều mặt, nhiều chủ trương đổi mới được ngành thực hiện nghiêm túc, tạo được dấu ấn đậm nét về chất lượng và hiệu quả.

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh tiếp tục được đẩy mạnh; Ngành đã tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, xây dựng Chương trình hành động triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ GD&ĐT phát động với nhiều hình thức, nội dung phong phú; giáo dục cho học sinh ý thức bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, biên giới và biển đảo. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20/2015/NQ-HĐND, ngày 17/7/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy hoạch phát triển giáo dục đào tạo Quảng Trị đến năm 2020, tầm nhìn 2030; trong năm 2017 quy mô, mạng lưới trường, lớp học trong toàn tỉnh đã được tổ chức, sắp xếp lại từng bước hợp lý, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu học tập của con em nhân dân. Các giải pháp tăng cường huy động học sinh trong độ tuổi đi học được đẩy mạnh. Tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo đạt 94,1% (chỉ tiêu 93,0%); tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đi học ở cấp tiểu học đạt 99,8% (chỉ tiêu 99,8%); tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đi học ở cấp THCS đạt 96,0% (chỉ tiêu 96,0%). Chú trọng công tác xây dựng nếp sống văn hóa học đường, văn hóa công sở tại các đơn vị, trường học. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh; phòng, chống tình trạng “bạo lực học đường”; tăng cường các giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh. Trước mối lo về việc học sinh sử dụng mạng xã hội thiếu sự kiểm soát, nhiều cơ sở giáo dục đã ban hành các quy định, định hướng các em sử dụng mạng xã hội đúng cách, được đông đảo phụ huynh và dư luận xã hội đồng tình ủng hộ.

Trong năm, ngành GD&ĐT đã triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, các ngành học, cấp học trong tỉnh thực hiện nghiêm túc chương trình, kế hoạch dạy học, trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng của từng cấp học trong chương trình giáo dục phổ thông. Tăng cường quản lý đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; đổi mới kiểm tra đánh giá. Tổ chức chỉ đạo bồi dưỡng giáo viên các môn học thực hiện dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông. Đối với học sinh vùng dân tộc, vùng khó tập trung huy động học sinh đến trường, rèn luyện cho các em phương pháp tự học. Trước thực trạng học sinh bỏ học còn cao ở một số địa phương do nhiều nguyên nhân, ngành GD&ĐT xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo để hạn chế tối đa việc học sinh bỏ học. Các cơ sở giáo dục đã thực hiện nhiều giải pháp để duy trì số lượng, phân công giáo viên bộ môn kèm cặp, giúp đỡ, phụ đạo cho học sinh có học lực yếu, kém; bám địa bàn, phối hợp với chính quyền, đoàn thể, phụ huynh để quản lý, giáo dục học sinh, huy động các nguồn lực đế hỗ trợ học sinh nghèo vượt qua khó khăn để được đến trường, đồng thời tuyên truyền vận động học sinh bỏ học trở lại lớp. Nhờ vậy, năm học 2016-2017 số học sinh bỏ học đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm học trước.

Các cơ sở giáo dục chủ động phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề tư vấn hướng nghiệp cho học sinh khá hiệu quả; lồng ghép các chủ đề giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông và hoạt động tư vấn tuyển sinh; cung cấp thông tin về thị trường lao động cho học sinh để các em lựa chọn ngành, nghề phù hợp. Công tác dạy nghề phổ thông đã có những chuyển biến tích cực, gắn lý thuyết với thực hành và thực tiễn. 100% học sinh lớp 11 được học nghề phổ thông với các nghề phù hợp. Tổng số học sinh đăng ký dự thi và được cấp chứng chỉ nghề phổ thông cấp THCS là 8.835 em, cấp THPT và GDNN-GDTX là 7.490 em.

Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được đẩy mạnh; đến nay toàn tỉnh có 71/167 trường mầm non đạt chuẩn, tỉ lệ 42,51%; cấp tiểu học có 117/155 trường đạt chuẩn quốc gia, tỉ lệ 75,48%; cấp THCS có 52/130 trường THCS được công nhận đạt chuẩn, đạt tỉ lệ 40,0% và 09/31 trường THPT đạt chuẩn, tỉ lệ 29,03%; toàn tỉnh có 249/495 trường được công nhận đạt chuẩn, tỉ lệ 50,3%. Việc duy trì và xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh có tác dụng tích cực góp phần chỉnh trang cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ và chất lượng giáo dục. Ngành GD&ĐT Quảng Trị đã phát động và triển khai sâu rộng phong trào thi đua “Đổi mới và sáng tạo trong dạy và học” giai đoạn 2016 - 2020 ở cơ sở với cách làm và bước đi thích hợp. Nhiều tập thể đơn vị và cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành đã hưởng ứng tích cực tham gia phong trào thi đua, có nhiều sản phẩm đổi mới trong công tác quản lý, dạy học, nghiên cứu khoa học, thành lập các nhóm nhà giáo hỗ trợ cùng nhau phát triển.

Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn được duy trì ổn định và có bước phát triển mới về chất lượng; giáo dục đại trà năm học 2016-2017 ở cấp tiểu học có 56.057 học sinh, trong đó số học sinh hoàn thành chương trình lớp học là 55.110 em, chiếm 98,31%; cấp trung học cơ sở có 41.819 học sinh, trong đó giỏi chiếm 22,5%; trung học phố thông có 22.305 học sinh, trong đó giỏi chiếm 11,78%. Nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi văn hóa, giải Toán qua mạng Internet, trên máy tính Casio, thi Olympic Toán tuổi thơ... cấp quốc gia. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 tại tỉnh được diễn ra một cách nghiêm túc, đúng quy định và đạt kết quả cao; tỉ lệ thí sinh dự thi ở các môn trung bình đạt 99,28%; kết quả, tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT năm 2017 tại Quảng Trị đạt 95,42%, tăng 5,2% so với năm 2016.

Bên cạnh những kết quả đạt được, năm 2017 ngành Giáo dục và Đào tạo còn gặp phải một số khó khăn, hạn chế nhất định. Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đã được đầu tư hàng năm, nhưng nhìn chung chưa đáp ứng đủ nhu cầu và chuẩn quy định của Bộ GD&ĐT, đặc biệt là ở 02 huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa. Đội ngũ nhà giáo và nhân viên trường học còn bất cập về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Ý thức trách nhiệm nghề nghiệp và kỷ luật lao động của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên chưa cao. Chế độ lương hợp đồng của đội ngũ nhân viên nuôi dưỡng ngành học mầm non ngoài biên chế rất thấp, thiếu ổn định và chưa có sự thống nhất trong toàn tỉnh. Đời sống một bộ phận giáo viên, nhân viên còn gặp nhiều khó khăn; chất lượng giáo dục giữa các vùng miền trong tỉnh chưa đồng đều, nhất là các trường ở vùng có điều kiện KT-XH khó khăn; năng lực, kỹ năng của học sinh còn hạn chế. Chất lượng dạy học bộ môn tiếng Anh ở các trường phổ thông còn thấp. Các trường mầm non khu vực thị xã, thị trấn, thành phố số lượng trẻ/nhóm, lớp còn cao so với quy định. Tình trạng lớp ghép 2, 3 độ tuổi vẫn còn nhiều ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non, đặc biệt ở các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số. Công tác quản lý dạy thêm, học thêm tuy được tăng cường nhưng hiện tượng dạy thêm, học thêm chưa đúng quy định vẫn còn diễn ra ở một số giáo viên ở các địa bàn. Hoạt động liên kết đào tạo với các trường đại học, học viện, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, một số lớp chưa thực hiện đúng quy định hiện hành. Công tác kiểm tra nội bộ; công tác chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn ở một số trường chưa thường xuyên và chưa chặt chẽ. Công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để quản lý giáo dục học sinh còn thiếu chặt chẽ; tình trạng bạo lực trong học sinh vẫn còn xảy ra, tuy chỉ là cá biệt nhưng những vụ việc đó đã gây lo lắng, bức xúc trong xã hội. Các trung tâm GDNN-GDTX sau khi sáp nhập theo vẫn còn nhiều khó khăn bất cập. Đội ngũ cán bộ, giáo viên tại các trung tâm có nhiều biến động gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, dạy học của giáo dục thường xuyên. Sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng chưa cao nên việc chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm còn nhiều hạn chế. Việc điều tra, tổ chức mở các lớp xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ cho người dân (độ tuổi 36-60) ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn hầu như chưa tổ chức thực hiện được.

Nhìn chung, trong năm 2017, trên cơ sở quán triệt các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD&ĐT, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành GD&ĐT đã tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2016-2017. Năm 2018, ngành giáo dục đã đề ra các nhiệm vụ trọng tam và giải pháp thực hiện, trong đó tập trung chủ yếu về tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; xây dựng môi trường trường học an toàn, phát huy dân chủ trong nhà trường; rà soát quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục. Tăng cường công tác xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Đẩy mạnh công tác thanh tra, khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ; ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối vói các cơ sở giáo dục. Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục - xoá mù chữ và đẩy mạnh các hoạt động xây dựng xã hội học tập; tiếp tục đẩy mạng công tác cải cách hành chính và công tác truyền thông trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Anh Tuấn

2357 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 838
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 838
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77578033