Mặt khác, do gói 7.000 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh bắt đầu đi vào giai đoạn thi công, hạn chế năng lực tàu thông qua nên các doanh nghiệp vận tải phải đợi có được biểu đồ chạy tàu mới để xây dựng kế hoạch phù hợp.
Chia sẻ về thiệt hại của ngành đường sắt do dịch COVID-19, ông Đặng Sỹ Mạnh cho hay, kết quả sản xuất vận tải đường sắt năm 2020 theo dự báo của Tổng công ty sẽ sụt giảm nghiêm trọng.
Dự kiến, doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải đường sắt chỉ đạt hơn 3.200 tỷ đồng, giảm 35,6% so với cùng kỳ năm 2019, tương ứng giảm 1.783,8 tỷ đồng; trong đó, riêng doanh thu vận tải chỉ đạt 2.668,6 tỷ đồng, giảm 37,5% cùng kỳ, tương ứng giảm 1.601,4 tỷ đồng. Tình trạng này dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh vận tải dự kiến lỗ hơn 616 tỷ đồng.
Ông Đỗ Văn Hoan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội cho biết, thời gian chạy tàu tuyến Bắc - Nam sẽ bị kéo dài thêm khoảng 24 giờ so với hiện nay do ảnh hưởng của việc thi công dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh.
|
Ảnh: vietnamnet.vn |
Vì vậy, công ty sẽ khó cạnh tranh được với phương tiện đường bộ về thời gian, mặc dù hiện công ty đã thực hiện vận chuyển trọn gói từ kho đến kho, từ cửa đến cửa để giảm thời gian giao hàng. Tuy nhiên, việc sửa chữa nâng cấp hạ tầng đường sắt là cần thiết, mặc dù khó khăn trước mắt nhưng về lâu dài các công ty vận tải đường sắt sẽ thuận lợi hơn trong kinh doanh. Do đó, công ty hoàn toàn ủng hộ việc sửa chữa này, đồng thời tìm giải pháp, hướng đi phù hợp để khắc phục khó khăn.
Để vượt qua khó khăn hiện nay, ông Đỗ Văn Hoa khẳng định, công ty đã đưa ra nhiều giải pháp thích hợp trong tình hình mới. Trước mắt, công ty sẽ siết chặt hơn nữa việc chi tiêu, giảm chi phí; đồng thời tăng cường tìm các nguồn hàng phù hợp để bù đắp doanh thu, qua đó duy trì hoạt động sản xuất ổn định.
Ông Đào Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, mặc dù đã thắt chặt chi tiêu, giảm chi phí nhưng chi phí cố định năm 2020 của công ty vẫn rất lớn. Riêng việc trích khấu hao tài sản cố định của đơn vị cũng lên đến 120 tỷ đồng, tổng nợ gốc và lãi các dự án đầu tư phải trả hơn 92 tỷ đồng; cùng đó phí sử dụng hạ tầng đường sắt chạy tàu (theo quy định là 8% doanh thu) 89,3 tỷ đồng.
Ngoài ra là tiền thuê mặt bằng của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để phục vụ sản xuất như phòng đợi bán vé, kho, bãi hàng... khoảng 20 tỷ đồng. Đây là khoản phải trả hàng năm không phụ thuộc vào sản xuất kinh doanh của đơn vị.
Tương tự, theo ông Trần Thế Hùng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco) chia sẻ, riêng phí sử dụng hạ tầng Ratraco phải trả hàng năm cũng lên đến hơn 15 tỷ đồng, công với hơn 2 tỷ đồng thuê kho, bãi hàng, văn phòng giao dịch tại ga. Mặt khác, phải trả lãi vay các dự án đầu tư đóng mới toa xe, sửa chữa bãi hàng tăng 32,4% so cùng kỳ năm 2019.
Trong khi đó, đại diện Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết cũng chịu gánh nặng chi phí lớn nhất. Theo đó, năm 2020 công ty này phải trích khấu hao tài sản cố định hơn 193 tỷ đồng, phí sử dụng hạ tầng 109 tỷ đồng, chi tài chính (trả nợ gốc, lãi vay) 64 tỷ đồng...
Ông Nguyễn Chính Nam, Trưởng ban Kế hoạch kinh doanh, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay: Tổng chi phí sản xuất các đơn vị kinh doanh vận tải đường sắt phải giảm cả năm 2020 dự kiến là 1.132,8 tỷ đồng nhưng vẫn không cân bằng được thu chi năm 2020. Ngay cả nộp ngân sách Nhà nước cũng giảm, ước giảm khoảng 36,4% so với cùng kỳ. Trong đó, dự kiến nộp phí sử dụng hạ tầng năm 2020 là 213,9 tỷ đồng.
Để giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải đường sắt, vừa qua Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã kiến nghị Nhà nước cho các doanh nghiệp này được miễn trích nộp ngân sách Nhà nước phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt 8% trên doanh thu vận tải cả năm 2020.
Ngoài ra, Tổng công ty cũng kiến nghị xem xét miễn, giảm khoảng 7,4 tỷ đồng tiền thuê tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư để phục vụ vận tải đường sắt năm 2020 cho các công ty vận tải đường sắt.
Các công ty vận tải đường sắt vốn đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc kinh doanh do phải dừng tàu bởi dịch, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng trong khi vẫn phải duy trì đội ngũ nhân sự, văn phòng làm việc để sẵn sàng cho tàu hoạt động trở lại sau mùa dịch. Cộng thêm phải giảm chạy tàu khi thi công gói 7.000 tỷ đồng trong khi vẫn phải duy trì hạ tầng phục vụ vận tải. Vì vậy, đề xuất miễn giảm tiền thuê cho các doanh nghiệp là giải pháp hỗ trợ ổn định sản xuất kinh doanh trong thời gian tới”, ông Nguyễn Chính Nam chia sẻ.
Trước kiến nghị này của Tổng công ty Đường sắt Việt nam, vừa qua Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam nghiên cứu. Trường hợp cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về thu phí, lệ phí thì đánh giá tình hình thực hiện, đề xuất sửa đổi, bổ sung, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải./.