Ngành du lịch Việt Nam cần có quyết tâm vượt khó  

(ĐCSVN) - Dịch COVID-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, dự báo bức tranh du lịch toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu tươi sáng. Năm 2021, ngành du lịch Việt xác định phương châm “Liên kết, hành động và phát triển”, trong đó tiếp tục tập trung khôi phục, phát triển du lịch nội địa.

Tổn thất nặng nề do dịch COVID-19

Theo thống kê, năm 2020, du lịch Việt Nam phải gánh chịu những tổn thất vô cùng nặng nề do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Lần đầu tiên, ngành du lịch ghi nhận sự sụt giảm mạnh về lượng khách du lịch quốc tế và nội địa do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tổng số lượt khách do các cơ sở lưu trú phục vụ năm 2020 đạt 97,3 triệu lượt khách, giảm 44% so với năm 2019; số lượt khách do các công ty lữ hành phục vụ là 3,7 triệu lượt khách, giảm 80,1%. Khách quốc tế đến Việt Nam giảm 78,7% so với năm 2019, chỉ đạt 3,8 triệu lượt người. Số lượng khách du lịch nội địa và quốc tế giảm mạnh đã kéo theo doanh thu cho các cơ sở lưu trú và lữ hành cũng sụt giảm nghiêm trọng, ước tính đạt 61,8 nghìn tỷ đồng, giảm 43,2%.

Khung cảnh một khu du lịch sinh thái  tại Vũng Tàu (Ảnh: HNV)

Trước thách thức và khó khăn nối tiếp nhau như trên, ngành du lịch đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp ứng phó để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, người lao động trong ngành; đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải pháp nhằm hỗ trợ khôi phục hoạt động kinh doanh như hỗ trợ về thuế đất, giá điện, giảm hoặc miễn phí tham quan tại nhiều điểm đến với các doanh nghiệp du lịch. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng kịp thời chuyển đổi từ khai thác thị trường quốc tế sang tập trung khai thác và phát triển du lịch nội địa, nhờ đó trở thành giải pháp cứu cánh trong giai đoạn dịch bệnh.

Đáng chú ý là ngành Du lịch đã 2 lần phát động Chương trình kích cầu du lịch nội địa: lần thứ nhất vào tháng 5/2020 với chủ đề “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và lần thứ hai vào tháng 9/2020 với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”. Chương trình kích cầu du lịch nhận được sự hưởng ứng tích cực của các địa phương, doanh nghiệp và người dân, tạo ra xu hướng chuyển dịch mới, lan tỏa cảm hứng khám phá Việt Nam an toàn và hấp dẫn, đem lại những đóng góp thiết thực cho quá trình khôi phục kinh tế: Nhiều khách du lịch trong nước lần đầu tiên được trải nghiệm, khám phá các điểm du lịch hàng đầu và nhiều địa điểm chưa được biết đến của Việt Nam chỉ với mức chi phí trung bình khá; các cơ sở vui chơi giải trí, các hoạt động mua sắm đều được kích hoạt; các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành hoạt động trở lại, từ đó giải quyết công ăn việc làm cho một lượng nhất định người lao động…

Mặc dù sự hồi sinh của du lịch trong nước có thể chưa đủ để thúc đẩy hoạt động của toàn bộ ngành du lịch nhưng nó có thể giữ chân các doanh nghiệp nhỏ hoạt động và kích thích nền kinh tế địa phương, làm giảm tác động tiêu cực của dịch bệnh tới nền kinh tế nói chung cho đến khi du lịch quốc tế hoạt động trở lại.

Năm 2021 tập trung khôi phục phát triển ngành du lịch nội địa

TP Vinh (Nghệ An), một điểm thu hút du lịch trong nước (Ảnh: HNV) 

Bị ảnh hưởng dây chuyền bởi dịch COVID-19 nên ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành cũng giảm sút nặng nề. Trong tháng 01/2021, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước tính đạt 48,7 nghìn tỷ đồng, giảm 4,1% so với cùng kỳ 2020, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, giảm 15%; doanh thu du lịch lữ hành ước tính đạt 1,6 nghìn tỷ đồng, giảm 62,2%, trong đó doanh thu của Hà Nội giảm 45,6%; Cần Thơ giảm 50,1%; Đà Nẵng giảm 68,2%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 69,9%; Quảng Nam giảm 91,3%; Khánh Hòa giảm 95%.

Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới tiếp tục phức tạp, dự báo bức tranh du lịch toàn cầu những tháng đầu năm 2021 vẫn chưa có dấu hiệu tươi sáng. Thị trường nội địa vẫn giữ vai trò cốt yếu, thị trường du lịch quốc tế cần thời gian khôi phục lâu hơn kể cả khi dịch bệnh kết thúc. Do vậy, du lịch Việt Nam cũng đã chuẩn bị tâm thế để bước vào năm 2021 với quyết tâm, nỗ lực tìm một hướng đi phù hợp.

Năm 2021, ngành du lịch xác định phương châm “Liên kết, hành động và phát triển”, trong đó tiếp tục tập trung khôi phục, phát triển du lịch nội địa.

Theo các chuyên gia, để vượt qua khó khăn trong bối cảnh này cũng như định hướng phát triển những năm tiếp theo, du lịch Việt Nam rất cần tập trung vào một số vấn đề như: Cơ cấu lại thị trường khách du lịch theo hướng bền vững, hiệu quả nhằm vào thị trường khách chất lượng cao, lưu trú dài ngày, chi tiêu cao; phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, liên kết đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với từng phân đoạn thị trường; đẩy mạnh hợp tác công tư, liên kết vùng giữa các địa phương, điểm đến trong hợp tác phát triển du lịch; chuyển đổi số trong phát triển du lịch, nhất là trong quản lý, kinh doanh, trong nghiên cứu thị trường, trong tiếp thị và bán sản phẩm du lịch.

Thiết nghĩ, khó khăn của ngành du lịch và dịch vụ trong bối cảnh dịch bệnh là khó khăn chung của cả thế giới và khu vực, chứ không riêng gì Việt Nam. Bởi thế, ngoài các hỗ trợ chính sách của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp nhịp nhàng, sự chủ động của khối doanh nghiệp ngành du lịch nhằm chủ động gỡ khó và vạch ra “chiến lược phát triển dài lâu” mới là giải pháp có tính triển vọng bền vững, đưa ngành du lịch phát triển hiệu quả./.

 
Lê Anh
184 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 826
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 826
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87065585