|
Ngành điều đang tìm cách định vị lại chiến lược phát triển bằng cách giảm lượng-tăng chất. Ảnh: Báo Lao động |
Áp dụng tiêu chuẩn điều thô nhập khẩu
Tại Hội nghị Điều quốc tế-Việt Nam 2018 lần thứ 10 được tổ chức mới đây tại Hạ Long (Quảng Ninh), ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, dự kiến đến năm 2019, ngành điều sẽ áp dụng tiêu chuẩn TCVN:2018 cho mặt hàng điều thô nhập khẩu.
Đây là lần đầu tiên trên thế giới, tiêu chuẩn chuyên ngành về hạt điều thô được ban hành để làm cơ sở hỗ trợ giao dịch mua bán và xử lý tranh chấp chất lượng điều thô nhập khẩu trong thời gian tới.
Theo ông Phạm Văn Công, là một quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều, mỗi năm Việt Nam cần nhập khẩu trên một triệu tấn điều thô từ các quốc gia châu Phi và Đông Nam Á, nên việc có một bộ tiêu chuẩn đối với mặt hàng này là cần thiết.
Theo phía doanh nghiệp (DN) tham dự hội nghị, việc áp dụng tiêu chuẩn quốc gia cho điều thô nhập khẩu sẽ giúp các DN có căn cứ để thực hiện các hoạt động mua bán, vì từ nhiều năm qua, vấn đề chất lượng điều thô không ổn định đã gây khó khăn và bức xúc cho các DN trong lĩnh vực này. Vì thế, việc ban hành và áp dụng TCVN:2018 từ 1/1/2019 sẽ giúp các DN Việt Nam, phía nhập khẩu điều thô có cơ sở giải quyết được vấn đề này.
Trao đổi với phóng viên bên lề hội nghị, giám đốc một DN chế biến và xuất khẩu điều ở TPHCM bình luận, việc Việt Nam đưa ra tiêu chuẩn cho mặt hàng điều thô nhập khẩu là một động thái bình thường và cũng theo thông lệ quốc tế là bên mua có quyền đưa ra “tiêu chuẩn kỹ thuật” với một mặt hàng nào đó nhập khẩu vào nước họ với số lượng lớn.
“Trong lĩnh vực nông nghiệp, đã có nhiều nước đưa ra những tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam và khi có những bộ tiêu chuẩn mới được ban hành, các DN xuất khẩu nông sản Việt Nam đều phải tuân thủ, còn không phải chấp nhận mất thị trường đó. Vì thế, ngành điều áp dụng tiêu chuẩn cho mặt hàng điều thô cũng là một xu thế như vậy”, vị này nói.
Ngoài việc xiết chặt đầu vào, ngành điều cũng đặt mục tiêu tạo chuyển biến về chất bằng việc kêu gọi các DN tham gia chế biến sâu, tìm kiếm thị trường mới, thay vì chỉ tập trung vào xuất khẩu điều nhân đóng gói như thời gian qua.
Tạo ra sản phẩm mới để tìm kiếm thị trường mới
Thực vậy, nhiều năm qua, 3 thị trường chiếm số lượng xuất khẩu lớn nhất của ngành điều Việt Nam là Trung Quốc, châu Âu và Mỹ. Đây là những thị trường xuất khẩu truyền thống của hạt điều Việt Nam, tuy nhiên, đa phần sản phẩm xuất sang những thị trường này ở dưới dạng điều nhân.
Do đó, muốn tăng giá trị xuất khẩu hạt điều mà không phải tăng sản lượng, bắt buộc ngành điều phải có một hướng khác, đó là tìm kiếm những thị trường mới - nơi mà DN Việt Nam có thể bán được những sản phẩm chế biến gia tăng mang thương hiệu Việt Nam.
Theo người đứng đầu Hiệp hội Điều Việt Nam, việc phải tìm kiếm những thị trường mới cho những sản phẩm mới đang là một yêu cầu cấp thiết của các DN và một trong những hướng đi cho hạt điều chế biến sâu là tìm kiếm những đơn hàng ở thị trường Halal.
Đây là thị trường lớn, đa dạng và nhu cầu tiêu dùng những phẩm phẩm đạt tiêu chuẩn Halal đang có dấu hiệu tăng lên, đặt biệt là do sự tăng trưởng nhanh chóng của các nền kinh tế ở Trung Đông, Đông Nam Á. Bên cạnh đó, tiêu thụ các sản phẩm Halal trong dân số không phải là người Hồi giáo cũng đang tăng lên.
Tuy nhiên, Chủ tịch Vinacas cũng khuyến cáo, để có thể xuất khẩu vào thị trường này, đòi hỏi sản phẩm hạt điều của DN Việt Nam phải thực sự chất lượng và có được chứng nhận Halal.
Số liệu của Vinacas cho biết, năm 2017, hạt điều của Việt Nam xuất khẩu vào 94 thị trường khác nhau. Tuy nhiên, nhìn vào số lượng xuất khẩu sang những thị trường các nước hồi giáo - nơi đòi hỏi chứng nhận Halal vẫn còn thấp. Vì thế, đây là cơ hội để các DN điều trong nước mở rộng vào thị trường này trong tương lai.
Vũ Hạ