Ngành dệt may đặt mục tiêu 34 tỉ USD năm 2018 

(Chinhphu.vn) - Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo Hội nghị tổng kết năm 2017 của Hiệp hội Dệt may Việt Nam diễn ra chiều ngày 4/12.

 

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, năm 2017 là năm có nhiều thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam với áp lực của Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) bị dừng lại cùng với tình hình xuất nhập khẩu dệt may cuối năm 2016, đầu năm 2017 gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, từ quý II năm 2017 với quyết tâm cao, ngành dệt may Việt Nam đã từng bước ổn định, vượt qua thách thức, đưa kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dự kiến sẽ đạt 31 tỷ USD, tăng 10,23% so với cùng kỳ năm 2016.

"Dự báo, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trong 2 tháng cuối năm đạt 5,27 tỷ USD, nâng kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt 31 tỷ USD, tăng trưởng 10,23% so với năm 2016", ông Cẩm cho biết.

Trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 25,91 tỷ USD tăng 8,7% so với năm 2016, trong đó xuất khẩu vải đạt 1,07 tỷ USD giảm nhẹ 0,65%. Xuất khẩu xơ sợi ước đạt 3,51 tỷ USD, tăng 19,93% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Để đạt được những con số trên, ông Trương Văn Cẩm cho biết, năm 2017, ngành dệt may phát triển đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, bên cạnh những thị trường xuất khẩu chính được giữ vững như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn đạt mức tăng trưởng tốt, một số thị trường có sự bứt phá như: Trung Quốc, Nga, Campuchia... Đồng thời là sự phát triển đa dạng các mặt hàng xuất khẩu, ngoài các mặt hàng dệt may truyền thống thì các mặt hàng có giá trị tăng cao như vải, xơ sợi, vải địa kỹ thuật, phụ liệu dệt may cũng có sự tăng trưởng rất tốt.

"Tuy nhiên, một số khó khăn mà ngành dệt may gặp phải cũng như vai trò của Hiệp hội Dệt may Việt Nam trong việc xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại, đào tạo nghiệp vụ, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao năng suất, áp dụng các mô hình sản xuất thông minh theo xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0 hướng tới phát triển bền vững trong ngành.

Đặc biệt, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ trong việc điều chỉnh cơ chế tiền lương, bảo hiểm, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành góp phần giảm bớt khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp dệt may", lãnh đạo VITAS cho hay.

Một trong những vấn đề mà ngành dệt may đang "trăn trở" được ông Trương Văn Cẩm nhắc đến đó là: Hiện mặt hàng vải nhập khẩu về để gia công xuất khẩu sẽ không phải chịu thuế nhưng vải trong nước sản xuất khi doanh nghiệp mua để gia công xuất khẩu lại phải chịu thuế. Điều này được ông Cẩm nhận định là "không công bằng, không tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước". Vì vậy, Hiệp hội dệt may đã kiến nghị lên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Chính phủ làm thế nào để doanh nghiệp trong nước, sử dụng vải trong nước vẫn được chịumức thuế 0%. 

Liên quan đến mục tiêu năm 2018, ông Trương Văn Cẩm cho hay, ngành dệt may dự kiến sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu từ 33,5-34 tỷ trong năm tới. 
 

Phan Trang
394 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 874
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 874
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87217294