Ngành chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của ngành công nghiệp  

(ĐCSVN) – Theo Bộ Công Thương, tính chung 6 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,6%, tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của ngành công nghiệp.
 
 
Ảnh minh họa (Nguồn: K.D) 

Cụ thể, trong 6 tháng năm 2021 sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá với những tín hiệu tích cực từ một số ngành mũi nhọn; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế... Ngoài ra, tính chung 6 tháng, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,8%. Riêng ngành khai khoáng giảm 6% trong 6 tháng qua.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 6/2021 ước tính tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái; tương tự, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,6% và tăng 8,2%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,9% và tăng 6%. Riêng chỉ số sản xuất ngành khai khoáng giảm 2,3% so với tháng trước và giảm 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng theo Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm 2021 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể như sản xuất kim loại tăng 37%; sản xuất xe có động cơ tăng 33,1%; sản xuất máy móc, thiết bị tăng 17,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 12,9%.

Đáng chú ý, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 12,7%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 11,2%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 10,6%; sản xuất thiết bị điện tăng 10,1%. Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số giảm như khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,1%; khai thác than cứng và than non giảm 4,4%.

Kết quả tăng trưởng 6 tháng năm 2021 cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước và lực lượng tuyến đầu chống dịch để kiểm soát dịch bệnh, thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82%, đóng góp 8,17%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%, đóng góp 59,05%; khu vực dịch vụ tăng 3,96%, đóng góp 32,78%.

Theo đánh giá của lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), nhìn vào những vào kết quả trên cho thấy, các ngành công nghiệp mũi nhọn duy trì tốc trưởng khá, đặc biệt công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp và tác động lan tỏa tổng thể đến chất lượng tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, dù đã vượt qua được những tháng đầu năm với kết quả tích cực, nhưng ngành công nghiệp cũng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ như: nguyên vật liệu trên đà tăng giá hay dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp. Vấn đề vào lúc này là ngành cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể duy trì đà tăng trưởng này trong những tháng còn lại của năm.

Để tập trung phòng chống, dập dịch hiệu quả, có phương án đảm bảo hoạt động tránh đứt gãy chuỗi sản xuất tại các khu công nghiệp, nhất là của các tập đoàn lớn, đa quốc gia, ảnh hưởng đến kinh tế địa phương và cả nước, đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch, nghiêm túc thực hiện 5K. Chủ động đánh giá mức độ an toàn của dịch COVID-19, cập nhật bản đồ an toàn, sống chung với dịch bệnh để có phương án sản xuất phù hợp. Bên cạnh đó, cần khẩn trương truy vết, khoanh vùng, dập dịch nhất là những ổ dịch đã lan vào khu công nghiệp, khu chế xuất. Từng cơ sở công nghiệp phải tự đánh giá sự an toàn của cơ sở và xây dựng tốt phương án duy trì sản xuất theo từng cấp độ, thực hiện các giải pháp bảo đảm phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo sản xuất an toàn không để ngưng trệ, gãy chuỗi sản xuất.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng phối hợp với các Bộ, ngành tập trung xây dựng chính sách và giải pháp phát triển một số ngành công nghiệp ưu tiên có tiềm năng, cơ hội phát triển như công nghiệp ôtô, dệt may, da giày, điện tử, khoáng sản, công nghiệp hỗ trợ. Đặc biệt, chú trọng thúc đẩy tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp theo hướng bền vững hơn, tránh phụ thuộc vào một hoặc một số ít đối tác hoặc thị trường.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề xuất các chính sách để ưu đãi phù hợp, đặc biệt đối với ngành dệt may, da giày điện tử, đồ gỗ... và các ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19; có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu./.

 
K.D
559 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1252
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1252
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87109747