Ngành chăn nuôi phấn đấu nâng cao sản lượng 

(ĐCSVN) - Năm 2023, ngành chăn nuôi phấn đấu giá trị sản xuất tăng khoảng 5,5-6% so với năm 2022; tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7-7,5 triệu tấn (tăng 5-5,5%).

 

 Phấn đấu tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7-7,5 triệu tấn trong năm 2023 (Ảnh: B.T) 

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), bước sang năm 2023, toàn ngành chăn nuôi phấn đấu đạt được các mục tiêu quan trọng. Cụ thể, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng khoảng 5,5-6% so với năm 2022. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7-7,5 triệu tấn (tăng 5-5,5%); sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 4,5 triệu tấn (tăng 4%); sản lượng thịt gia cầm đạt khoảng 2,1 triệu tấn (tăng 4,8%); sản lượng trứng các loại khoảng 19,1 tỷ quả (tăng 3,8%); sản lượng sữa đạt trên 1,25 triệu tấn (tăng 8%); sản lượng mật ong 60 nghìn tấn; sản lượng tổ yến đạt 150 tấn.

Để đạt được các mục tiêu trên, trong thời gian tới, ngành chăn nuôi sẽ nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển giống vật nuôi. Trong đó, thay đổi cách tiếp cận về phương thức quản lý sản xuất, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quản lý chất lượng sản phẩm đầu ra là con giống cung cấp cho sản xuất (kiểm tra theo tiêu chuẩn cơ sở đã công bố).

Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi với quy mô lớn, đồng bộ. Các cơ sở sản xuất giống phải đáp ứng đủ điều kiện đăng ký sản xuất và kinh doanh giống vật nuôi theo quy định; các cơ sở sản xuất giống được cấp phép cập nhật thường xuyên để cơ quan quản lý địa phương kịp thời nắm bắt cơ cấu đàn giống. Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất giống vật nuôi xây dựng mã định danh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm giống, ưu tiên hỗ trợ nguồn lực (đất đai, vốn vay để xây dựng cơ sở sản xuất con giống).

Đối với các doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi, cần áp dụng công nghệ cao, phần mềm quản lý giống tiên tiến để đánh giá, chọn tạo giống theo cấp giống trong cơ sở sản xuất giống vật nuôi.

Cùng với đó, toàn ngành sẽ tập trung tổ chức sản xuất gắn với thị trường, bảo đảm an toàn sinh học và an toàn thực phẩm. Xây dựng và phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị sản phẩm, lấy doanh nghiệp làm yếu tố chủ đạo, lấy hợp tác xã và tổ hợp tác là yếu tố kết nối nông dân. Các địa phương tuyên truyền và hỗ trợ phát triển các chuỗi ngành hàng lớn, sản phẩm chăn nuôi chủ lực (thịt lợn, thịt gia cầm, trứng, sữa), các chuỗi sản phẩm đặc hữu, bản địa, hữu cơ, tích hợp giá trị sinh thái, văn hóa và du lịch.

Ngoài ra, Cục Chăn nuôi cho biết, sẽ phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh, giảm chi phí thú y. Xây dựng các tiêu chuẩn, quy trình và hướng dẫn về chăn nuôi an toàn sinh học cho chăn nuôi quy mô trang trại, nông hộ; xác định an toàn sinh học là yếu tố cốt lõi để phát triển bền vững ngành chăn nuôi.

Mặt khác, thúc đẩy và phát triển các chuỗi sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuyên truyền về việc sử dụng kháng sinh có trách nhiệm, nói không với chất cấm; xây dựng, hướng dẫn, giám sát và kiểm tra người chăn nuôi thực hiện quy trình chăn nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm; tăng cường áp dụng VietGAP trong chăn nuôi. Chú trọng ứng dụng khoa học và công nghệ trong giết mổ, chế biến và xúc tiến thương mại tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi nhằm đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu,…/.

 
BT
174 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 652
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 652
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77501727