|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn (Ảnh: Hồ Long) |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh như vậy trong phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15/8.
Cụ thể, về lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, ngành nông nghiệp có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế, nhất là trong những điều kiện khó khăn. Các cân đối cung cầu, an ninh lương thực quốc gia được đảm bảo vững chắc, nguồn cung sản lượng lúa gạo, thịt, thủy sản đều tăng so với cùng kỳ năm trước, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Trong 7 tháng đầu năm nay tuy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có sụt giảm nhưng cũng đã tận dụng thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm mặt hàng có lợi thế, trong đó có 4 mặt hàng: rau quả, gạo, cà phê, hạt điều có kim ngạch xuất khẩu vượt trội so với cùng kỳ năm trước.
Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan và địa phương đã ban hành nhiều văn bản theo thẩm quyền để hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản quy định của Liên minh châu Âu về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không theo quy định và không khai báo, tạo cơ sở pháp lý để phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm và phù hợp với các thông lệ quốc tế có liên quan. Chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm các quy định quản lý tàu cá, khai báo sản lượng khai thác, xác nhận chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác, tổ chức hiệu quả công tác đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, nhu cầu thị trường trong nước phục hồi chậm, thị trường nông sản xuất khẩu có nhiều biến động, số lượng đơn hàng giảm, giá vật tư nông nghiệp, phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng, kết nối điều hòa cung - cầu còn bất cập. Việc phát triển bền vững nông nghiệp nói chung và ngành thủy sản nói riêng còn nhiều thách thức.
Từ các vấn đề đặt ra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế.
Khai mở các thị trường mới cho nông sản Việt Nam
Về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông dân, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu khẩn trương hoàn thiện chính sách pháp luật phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực, cập nhật, phân tích, đánh giá thông tin diễn biến thị trường một cách toàn diện, cẩn trọng để kịp thời phổ biến, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt khó, tận dụng cơ hội thị trường. Củng cố các thị trường hiện có, khai mở các thị trường mới cho nông sản Việt Nam. Đổi mới tổ chức truyền thông, quảng bá chất lượng đặc thù vượt trội của nông sản Việt tại thị trường trong và ngoài nước.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị theo dõi sát diễn biến thị trường và giá lương thực trên thế giới, có kế hoạch cụ thể để vừa đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực vừa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu đang tăng cao và giá cả cũng đang tăng, ngăn ngừa rủi ro bắt sóng xuất khẩu để hổng thị trường trong nước. Cần lấy yếu tố bảo đảm chất lượng gạo và thương hiệu, bảo đảm tiến độ giao hàng là giải pháp sâu rễ, bền gốc. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương quản lý, điều phối công tác thu mua, chế biến, bảo quản lúa gạo, bảo đảm ổn định thị trường trong nước, hài hòa lợi ích người trồng lúa, doanh nghiệp chế biến và nhà xuất khẩu gạo.
|
Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 15/8 (Ảnh: Phạm Thắng) |
Về khai thác, bảo vệ phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, phát triển giải pháp tháo gỡ thẻ vàng của EC đối với thủy sản, Chủ tịch Quốc hội đề nghị triển khai thực hiện các chương trình điều tra đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của thủy sản định kỳ 5 năm. Điều chỉnh cơ cấu tàu thuyền đối với một số ngành nghề ở vùng biển phù hợp khả năng cho phép của nguồn lợi thủy sản. Tổ chức thực hiện có hiệu quả quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2021-2030 sau khi được phê duyệt. Chương trình Quốc gia bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản 2023-2030, rà soát, điều chỉnh thành lập mới các khu bảo tồn biển cấp quốc gia, cấp tỉnh nhằm đạt mục tiêu tối thiểu 6% diện tích vùng biển cần bảo tồn.
Đồng thời xây dựng chính sách chuyển đổi nghề, chuyển đổi sinh kế cho cộng đồng ngư dân sang các nghề khác, hỗ trợ ngư dân trong thời gian tạm ngừng khai thác thủy sản, phát triển đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Xây dựng các chính sách nhằm hỗ trợ các khu bảo tồn biển phát triển bền vững, quản lý tốt hạn ngạch khai thác hải sản, đẩy mạnh chuyển đổi từ nghề khai thác xâm hại nguồn lợi thủy sản và môi trường sang làm các nghề khác phù hợp hơn cho ngư dân…
Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục đàm phán, ký kết phân định vùng biển chồng lấn, vùng chưa phân định giữa Việt Nam với các nước, xác định ranh giới được phép khai thác trên hệ hải sản trên các vùng biển nhằm hạn chế và chấm dứt tình trạng tàu cá bị lực lượng chức năng nước ngoài xua đuổi, bắt giữ, xử lý trên vùng biển tiếp giáp với các nước trong khu vực. Phối hợp với các nước thúc đẩy các chuỗi giá trị trong lĩnh vực kinh tế biển, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Tiến hành truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, kiểm soát nguyên liệu thủy sản, khai thác nhập khẩu, đặc biệt nhập khẩu bằng container.
"Tập trung cao điểm xử lý các hành vi vi phạm IUU. Phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan kịp thời phát hiện, tố giác, xử lý các hành vi khai thác IUU và tiếp tục giải trình, vận động EC sớm gỡ bỏ thẻ vàng của EC về thủy sản đối với Việt Nam" - Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất trồng lúa
Về chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu đôn đốc lập, phê duyệt trong năm 2023 các quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật và chuyên ngành liên quan có sử dụng đất bảo đảm tuân thủ chỉ tiêu sử dụng đất đồng bộ, thống nhất với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia.
Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất trồng lúa, nhất là đối với đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp, đặc biệt là đất khu công nghiệp. Xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng nhà trái phép. Kịp thời phát hiện, áp dụng các biện pháp để ngăn chặn, xử lý triệt để các trường hợp xây dựng công trình nhà ở, hạ tầng hình thành các khu dân cư mới trái phép trên đất nông nghiệp.
Thực hiện lập hồ sơ, thủ tục xin chuyển mục đích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trên địa bàn để thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật, hài hòa lợi ích giữa các bên trong quá trình chuyển đổi đất đai theo quy hoạch, nhất là đảm bảo cuộc sống cho người bị thu hồi đất./.