Chiều ngày 21/2 vừa qua, sau khi nhận được tin báo có người định tự tử từ tầng 15 của tòa nhà B15 Đại Kim, Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã xuất 2 xe thang và xe cứu nạn cứu hộ tới hiện trường; cùng cán bộ chiến sĩ tiến hành giải cứu. Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện một bé gái có vẻ ngoài không bình thường, đang ở ban công tầng 15 của tòa chung cư. Quá trình giải cứu, lực lượng chức năng đã triển khai đệm hơi bên dưới chân tòa nhà chung cư, đồng thời cử cán bộ chiến sĩ động viên, thuyết phục cháu bé. Sau hơn nửa tiếng, lực lượng chức năng đã tổ chức cứu nạn, cứu hộ thành công đưa cháu bé xuống dưới an toàn. Bước đầu xác định, danh tính người có ý định tự tử là P. L. B. P, sinh năm 2012.
|
Lực lượng chức năng giải cứu thành công bé gái 11 tuổi có ý định tự tử. (Ảnh: Gia Khánh) |
Không may mắn như trường hợp của cháu P, trước đó, ngày 27/1, sau giờ tan học, em B.T và N.N.D (cùng sinh năm 2008), học sinh lớp 9 một trường thuộc phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) rủ nhau lên cầu Chương Dương để tâm sự. Theo em N.N.D, trước đó một ngày, B.T kể về chuyện tình cảm. Ngày đầu tiên đi học, sau giờ tan lớp, B.T rủ N.N.D lái xe máy lên cầu Chương Dương. Đến khu vực giữa cầu, B.T dừng xe và nói muốn nhảy xuống sông. Mặc cho bạn khuyên can và níu giữ, B.T vẫn trèo qua lan can nhảy xuống. Ngay sau đó, Công an quận Long Biên đã cử xe cứu nạn cứu hộ chuyên dụng cùng cán bộ, chiến sỹ tổ chức tìm kiếm nạn nhân.
Mới đây nhất, khoảng 7h ngày 5/4, em P.T (học sinh lớp 6A, Trường THCS Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) đi học bằng xe máy điện nhưng không đến trường. Đến khoảng 8h30, người dân phát hiện xe máy điện tại khu vực cầu Rào Trổ nên đã trình báo cơ quan chức năng. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã phối hợp với gia đình tìm kiếm tung tích nữ sinh; sau 2 giờ đã tìm thấy thi thể em P.T ở dưới sông. Được biết, Em P.T là học sinh giỏi của trường, vừa có kết quả đậu học sinh giỏi huyện môn Ngữ Văn; trước khi tự tử, em P.T đã để lại một bức thư tuyệt mệnh. Hiện lực lượng công an đang giữ lá thư để điều tra.
Đây chỉ là 3 trong số nhiều vụ việc điển hình liên quan đến hành vi tự tử ở trẻ vị thành niên hiện nay. Các vụ việc trên là hồi chuông cảnh báo đối với các bậc phụ huynh có con ở tuổi vị thành niên khi những hành động tự tử, tự vẫn đang ngày càng có xu hướng gia tăng. Thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 4 ở các trẻ từ 15-19 tuổi trên thế giới.
|
Vị trí cầu Rào Trổ và bức thứ tuyệt mệnh của em P.T. (Ảnh: CTV) |
Theo các chuyên gia, tự tử là lựa chọn có chủ tâm, suy nghĩ thận trọng, cố ý tự làm hại bản thân với mong muốn được chết. Ý tưởng tự tử thường xuất hiện thoáng qua trong suy nghĩ của cá nhân rơi vào vô vọng, bế tắc trong việc giải quyết các vấn đề khó khăn. Ý tưởng tự tử thôi thúc, dẫn đến xung động tự tử, cá nhân sẽ thực hiện hành vi tự tử ngay sau đó với tỷ lệ tử vong cao.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi tự tử ở trẻ vị thành niên. Có thể do các mối quan hệ trong quá trình sử dụng mạng xã hội ảo để làm quen, nói chuyện với bạn bè; hoặc do các vấn đề như bạo lực học đường, đặc biệt là các hình thức “bắt nạt trực tuyến”, cũng đẩy trẻ em vào nguy cơ tự sát. Ngoài ra, khi thay đổi hoàn cảnh sống, trẻ có chỉ số thích nghi xã hội thấp thường cảm thấy chông chênh, không thể đối mặt với khó khăn và chọn con đường tự chấm dứt cuộc đời. Bên cạnh đó, một yếu tố khác dẫn đến hành vi tự sát ở trẻ là gia đình tất bật lo cho cuộc sống, thiếu sự giao tiếp với con cái. Bố mẹ không phát hiện những thay đổi về mặt tâm sinh lý của con. Từ đó, khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, trẻ không tìm được sự hỗ trợ của gia đình và quyết định tự tử như một cách giải thoát.
Tiến sĩ Ngô Anh Vinh, Phó trưởng Khoa Sức khỏe Vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương) phân tích, độ tuổi vị thành niên là giai đoạn thay đổi tâm lý nên trẻ rất nhạy cảm với những yếu tố tác động bên ngoài cuộc sống. Những mâu thuẫn trong cuộc sống với gia đình, bạn bè, xã hội nhưng không được chia sẻ có thể khiến cho trẻ không tìm ra được phương pháp để giải quyết. Do vậy, trẻ dễ có những suy nghĩ tiêu cực, mất kiểm soát dẫn đến hành vi tự tử và xem đó là một cách giúp giải thoát khỏi những bế tắc trong cuộc sống. Ngoài ra, áp lực học tập, thi cử do bản thân, gia đình cũng có thể khiến trẻ nghĩ đến chuyện tiêu cực sau những thất bại.
Thực tế, các vụ việc trẻ vị thành niên tự tử đã để lại những nỗi đau dai dẳng đối với mỗi gia đình và nhiều hệ lụy đối với xã hội. Đó không chỉ là nỗi đau mất người thân, mà còn là sự dằn vặt của các bậc làm cha, làm mẹ. Để ngăn ngừa, giảm thiểu hành vi tự tử ở trẻ vị thành niên, nhiều chuyên gia cho rằng, các bậc phụ huynh cần hiểu rõ những dấu hiệu cảnh báo; nếu trẻ có những dấu hiệu nghi ngờ, cha mẹ cần chú ý, dành thời gian tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của trẻ để có biện pháp phòng ngừa và can thiệp sớm.
Phụ huynh cần chú ý đến một số biểu hiện ở trẻ như: Trẻ luôn than thở buồn chán, cảm thấy mình tội lỗi xấu xa và vô dụng; trẻ có những tin nhắn dặn dò hoặc lời chào từ biệt với bạn bè thân thiết; phụ huynh cần chú ý khi thấy trẻ có ý định tàng trữ, cất giấu những vật dụng để thực hiện hành vi tự sát như: Tích trữ thuốc ngủ, chuẩn bị dây, dao,…
Một biện pháp tâm lý có ý nghĩa chủ động phòng ngừa mà các bậc phụ huynh cần chú ý, đó là quan tâm, gần gũi, lắng nghe và tôn trọng trẻ. Trẻ vị thành niên là giai đoạn thay đổi về chất và tâm sinh lý. Do vậy, khi trao đổi và nói chuyện với trẻ vị thành niên, các bậc phụ huynh cần tôn trọng, lắng nghe và không nên phát xét, đặc biệt tôn trọng khoảng riêng tư của trẻ. Trong cuộc sống gia đình, phụ huynh nên tránh việc áp đặt thành tích học tập hoặc kỳ vọng quá cao vì điều này vô tình sẽ gây áp lực cho trẻ. Cần sắp xếp thời gian học tập và vui chơi giải trí cho trẻ hợp lý. Thường xuyên quan tâm đúng mức, tạo sự gần gũi, gắn bó giữa bố mẹ với trẻ để trẻ có thể tâm sự, chia sẻ khi gặp khó khăn trong việc học tập và trong các mối quan hệ xã hội. Cần đặc biệt chú ý các mối quan hệ trên mạng xã hội của trẻ. Định hướng, hỗ trợ trẻ tiếp cận các kênh thông tin, video clip có nội dung tích cực.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cần thường xuyên bồi dưỡng, trang bị các kỹ năng sống để trẻ tránh được những suy nghĩ, hành động tiêu cực, nhất là khi phải đối mặt với các khó khăn, thất bại. Đồng thời, cần tạo môi trường học tập thân thiện với sự quan tâm, đồng hành của giáo viên. Ngành Giáo dục cần tiếp tục đầu tư xây dựng, phát triển mô hình phòng tham vấn tâm lý học đường, phòng công tác xã hội ở các trường học, cấp học.
Các cơ quan quản lý cần tăng cường quản lý các sản phẩm thông tin, truyền thông. Nghiêm khắc xử lý các sản phẩm cổ xúy cho lối sống tiêu cực, tác động xấu đến tâm lý, hành vi của giới trẻ, nhất là trẻ vị thành niên.
Sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội là “chìa khóa” quan trọng giúp ngăn ngừa, đẩy lùi các hành vi tự tử ở trẻ vị thành niên, hướng các em đến một cuộc sống lành mạnh, an toàn./.