Dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em. Ảnh: Internet
Liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm
Chỉ trong hai tuần trở lại đây, dù mới chỉ vào đầu mùa Hè nhưng trên cả nước đã liên tiếp ghi nhận các vụ đuối nước mà nạn nhân chủ yếu là trẻ em. Đầu tháng 5, tại Bình Phước, một vụ đuối nước thương tâm xảy ra tại khu vực sông Đồng Nai (xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước). Bốn học sinh cùng nhóm bạn lớp 11 rủ nhau đi tắm tại bãi cạn sông Đồng Nai và không may rơi vào vùng nước xoáy, đuối nước tử vong. Đây là vụ đuối nước nghiêm trọng nhất nhưng không phải duy nhất xảy ra trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5.
Cũng trong ngày 1/5, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận cũng xảy ra 2 vụ đuối nước làm 1 học sinh lớp 7 và 2 em nhỏ (5 và 6 tuổi) tử vong. Đến ngày 2/5, hai vụ đuối nước tiếp tục xảy ra khiến một học sinh lớp 3 tại Bình Phước và hai học sinh lớp 3, lớp 5 ở Đắk Lắk tử vong. Trước đó, tại xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, ngày 28/3, ba chị em ruột cũng bị đuối nước tại hồ Ea Dhung Tiêng.
Còn tại Nghệ An, chỉ trong vòng 5 ngày (từ 30/4 đến 5/4) đã xảy ra 4 vụ đuối nước khiến 8 người tử vong, trong đó có 7 em học sinh. Trước đó, tại huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên vào ngày 30/3 cũng xảy ra một vụ đuối nước thương tâm trên sông Mã khiến 3 trẻ nhỏ tử vong.
Gần đây nhất, ngày 13/5 tại Hà Nội, một nhóm học sinh rủ nhau đi tắm ở một đập nước trên địa bàn huyện Ba Vì. Trong lúc tắm, có 3 em không may bị đuối nước. Phát hiện sự việc, lực lượng chức năng và người dân đã ra sức cứu nạn nhưng 3 em đều không qua khỏi.
Quyết liệt các giải pháp phòng, chống đuối nước cho trẻ
Để giảm thiểu tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 398/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước và bảo đảm an toàn cho trẻ em, nhất là trong mùa Hè, mùa mưa, bão sắp đến, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống đuối nước cho trẻ em.
Trong công điện, Thủ tướng nhấn mạnh việc đẩy mạnh phong trào dạy bơi, phổ biến kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em và giao trách nhiệm cụ thể cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố kiểm tra, thanh tra việc thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống đuối nước tại địa phương; báo cáo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về tình hình, kết quả công tác phòng, chống đuối nước ở địa phương để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tại Hà Nội, các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và các cấp, các ngành của Thành phố cũng đang tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp về phòng, chống đuối nước để bảo đảm an toàn cho trẻ. Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tăng cường tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học trước khi học sinh nghỉ hè. Đồng thời, có sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình, đoàn thể và chính quyền địa phương để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ hè nhằm bảo đảm an toàn, phòng, chống đuối nước.
Theo Trưởng ban Công tác thiếu nhi (Thành đoàn Hà Nội) Bùi Mạnh Hướng, trước kỳ nghỉ hè, các cơ sở Đoàn, Hội trực thuộc đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động hè gắn với chiến dịch Thanh niên tình nguyện. Đặc biệt chú trọng các hoạt động rèn luyện kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho thiếu niên, nhi đồng…
Một chiếc phao cứu sinh của CLB Bơi khám phá được buộc chắc chắn trên cầu Long Biên
Nhân lên những hành động đẹp!
Mới đây, trên mạng xã hội Facebook chia sẻ hình ảnh khu vực Thăng Long, cầu Nhật Tân (Hà Nội) xuất hiện nhiều phao cứu sinh. Những chiếc phao có màu chủ đạo là vàng cam và trắng, được treo trên lan can thành cầu. Đây là hành động ý nghĩa của một nhóm bạn trẻ thuộc câu lạc bộ tình nguyện về bơi lội thực hiện.
Một thành viên trong nhóm tình nguyện về bơi lội cho biết, mục đích của việc lắp đặt phao cứu sinh này để gián tiếp giúp những người bị đuối nước, những người muốn cứu người đuối nước có phương tiện để cứu người. Những ngày qua nhóm đã trang bị phao cho 6 cây cầu gồm: Thăng Long, Nhật Tân, Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì. Mỗi cây cầu sẽ có hàng chục chiếc phao được trang bị tương ứng với chiều dài. Dự kiến trong tháng 7/2022, nhóm tình nguyện sẽ lắp đặt xong.
Anh Nguyễn Ngọc Khánh, Trưởng nhóm CLB Bơi khám phá cho biết, hoạt động treo phao cứu sinh trên những cây cầu bắc qua sông Hồng ở Hà Nội là một phần nhỏ trong chương trình "Tình yêu sông Hồng" do anh khởi xướng hồi tháng 4.
"Tình yêu sông Hồng" dự kiến kéo dài 10 tuần, với các hoạt động: Dạy bơi miễn phí cho trẻ em tại 6 tỉnh, thành dọc sông Hồng; phổ cập kiến thức đúng đắn về bơi lội; kĩ năng sơ cấp cứu; hiểu về cứu nạn đuối nước; treo phao cứu sinh trên cầu;…
"Mùa hè sắp đến, tôi rất buồn khi đọc những thông tin về trẻ em đuối nước. Chúng ta cần trang bị cho mình và người thân những kỹ năng cơ bản, đặc biệt là bơi. Các bạn trẻ và bố mẹ hãy đề cao tinh thần phòng chống đuối nước, định nghĩa đúng đắn về bơi lội để tránh những tình huống không may", anh Khánh nói.
Có thể thấy, ngoài sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương thì những hành động đẹp, ý nghĩa này hy vọng ngày càng được nhân lên nhiều hơn trong xã hội hiện nay.
Bích Phương