Ngân hàng xây dựng cơ chế hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 

(Chinhphu.vn) – Ngày 2/3, tại Hà Nội, NHNN đã tổ chức Hội nghị với sự tham gia của lãnh đạo các ngân hàng, trao đổi cách thức tháo gỡ vướng mắc, từ đó xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, triển khai các giải pháp của ngành ngân hàng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

 

Toàn cảnh hội nghị. Ẩnh:VGP.

Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chủ động ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) thường xuyên rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của khách hàng do dịch để kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.

Đến nay, hệ thống TCTD đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ngành ngân hàng là một trong những ngành đi đầu trong việc chủ động đề xuất, quyết liệt thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, được Chính phủ, các tổ chức hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá cao.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn từ đó gia tăng tỉ lệ nợ quá hạn, nợ xấu.

Theo báo cáo của 23 TCTD gửi tới NHNN, ước tính sơ bộ có khoảng 926 nghìn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của 23 TCTD này và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống, trong đó một số ngành có khả năng bị ảnh hưởng lớn như nông, lâm nghiệp và thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giầy, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục…

Để đồng hành chia sẻ khó khăn cùng khách hàng, trong vòng 3 tuần kể từ khi họp với NHNN, các TCTD đã khẩn trương rà soát tình hình khách hàng vay vốn để chủ động xây dựng chương trình, kịch bản hành động nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn và bước đầu ghi nhận từ các TCTD hỗ trợ cho trên 44.000 khách hàng với dư nợ khoảng 222.000 tỷ đồng thông qua các biện pháp như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu, giảm lãi các vay các khoản cho vay mới, miễn giảm các loại phí, triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng... để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục thiệt hại.

Ngân hàng cũng có biện pháp hỗ trợ giao dịch không dùng tiền mặt, đã có gần 30 NHTM đồng hành cùng Napas triển khai các chương trình miễn, giảm phí chuyển tiền nhằm chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng và khách hàng, góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đã giảm mức thu dịch vụ thông tin tín dụng  để giúp các TCTD giảm chi phí, hạ lãi suất, qua đó gián tiếp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp.

Tại buổi họp, các TCTD đã báo cáo về kết quả triển khai các chỉ đạo của NHNN và phản ánh những diễn biến trong thực tế.

Các TCTD đang tiến hành đánh giá cụ thể mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của khách hàng đang vay vốn trong các ngành, lĩnh vực kinh tế do dịch COVID-19, xu hướng tín dụng thời gian tới; xây dựng chương trình, kịch bản hành động của ngân hàng hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn.

Bên cạnh đó, các TCTD cũng nêu một số khó khăn trong quá trình triển khai và đề xuất, kiến nghị những ý kiến nhằm tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Hiện Nghị định 116/NĐ-CP ngày 7/9/2018 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn có quy định việc cơ cấu nợ hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong khi dịch bệnh hiện tại lại gây khó cho các ngành dịch vụ du lịch, hàng không… và nhiều ngành khác nhau, do đó, các TCTD mong có cơ chế chính sách hướng dẫn phù hợp cho sát với thực tế hơn.

Lãnh đạo các ngân hàng đánh giá, dịch COVID-19 hiện tại có tác động rất lớn đối với nhiều ngành nghề. Khi xây dựng cơ chế cần có các tiêu chí rõ ràng về thời hạn. Bản thân các  ngân hàng cũng sẽ tự phải kiểm soát để sự hỗ trợ đúng địa chỉ, tránh trường hợp lợi dụng, vì khi đó chính cách ngân hàng thương mại phải gánh chịu hậu quả trước tiên. Cũng có ý kiến cho rằng, các tiêu chí đầy đủ nhưng vẫn phải có độ mở nhất định, tránh việc cứng nhắc do tình hình biến động của dịch và những tác động ngày càng sâu rộng với các ngành nghề đa dạng trong các khoảng thời gian khác nhau. Hơn nữa, các hệ thống phân loại nợ đều thực hiện tự động, hầu như không có sự can thiệp của con người, các cơ chế chính sách phải bảo đảm tạo thuận lợi trong vận hành hệ thống, bảo đảm minh bạch, khách quan.
 
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú đánh giá cao sự vào cuộc của các ngân hàng. Trong đó 20 ngân hàng thương mại (NHTM)  đã tích cực, chủ động triển khai hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bao gồm Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Đông Nam Á, ACB, Techcombank, OCB, MB, Sài Gòn Công thương, Bản Việt, Kiên Long, Sacombank, TPBank, VPBank, Eximbank, PVCombank, Co-opbank, Ngân hàng TNHH MTV CIMB Việt Nam, Ngân hàng United Overseas Bank -UOB.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu. Ảnh:VGP.


Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết, lãnh đạo Chính phủ đánh giá cao sự vào cuộc sự quyết liệt và trách nhiệm đồng hành chia sẻ khó khăn của ngành ngân hàng với cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong thời điểm này.

Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu các TCTD xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, tiếp tục phát huy những kết quả bước đầu đã đạt được, đẩy mạnh triển khai các giải pháp, nhiệm vụ theo chỉ đạo của NHNN, thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ và ngân hàng nhà nước trên tinh thần tháo gỡ, chia sẻ khó khăn với khách hàng bị thiệt hại.

Cần có hành lang pháp lý thuận lợi khi triển khai, nhưng vẫn phải tính toán đến các vấn đề khó khăn có thể tác động tới hệ thống ngân hàng sau này… Cần có các biện pháp giám sát, thanh tra đầy đủ không làm méo mó thị trường tín dụng, phát sinh thêm nhiều nợ xấu.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, cách triển khai trong tình hình mới sẽ có sự thay đổi, các ngân hàng phối hợp với bộ, ngành liên quan tích cực đánh giá các tác động, tham mưu các chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với các chính sách khác như chính sách tài khoá, thị trường để hỗ trợ tổng thể hiệu quả cho nền kinh tế.

Về phía mình, NHNN sau khi tổng hợp các ý kiến, căn cứ vào các đánh giá tác động sẽ khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý nhằm tạo điều kiện cho cả TCTD và các doanh nghiệp trong việc khắc phục khó khăn, thiệt hại do dịch bệnh gây ra; trong đó NHNN đang tiến hành các thủ tục để ban hành gấp Thông tư hướng dẫn các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
 

Huy Thắng
213 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 920
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 920
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87150889