Ngân hàng Thế giới: Kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi nhưng còn nhiều thách thức 

(ĐCSVN) - Theo báo cáo Cập nhật Tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 10/2022 của Ngân hàng Thế giới, mặc dù nền kinh tế tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, nhưng những bất định gia tăng liên quan đến nền kinh tế toàn cầu đang chững lại, lạm phát trong nước gia tăng, điều kiện huy động tài chính toàn cầu bị thắt chặt cho thấy cần tăng cường cảnh giác và linh hoạt về chính sách.

 

 Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9/2022 tăng 13% so với cùng kỳ năm trước (Ảnh: Đặng Hiếu)

Nhiều lĩnh vực kinh tế tiếp tục phục hồi

Theo báo cáo này, nền kinh tế Việt Nam ghi nhận tăng trưởng cao trong quý 3/2022, đạt 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng cao kỷ lục trên phần nào là nhờ hiệu ứng xuất phát điểm thấp do nền kinh tế bị suy giảm 6% trong quý 3 năm 2021 sau các đợt cách ly kéo dài nhằm kiềm chế đại dịch COVID-19. Ngành dịch vụ tuy bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong năm trước, nhưng đã đạt tăng trưởng cao nhất (18,9% so với cùng kỳ năm trước), đóng góp 8,5 điểm phần trăm cho tốc độ tăng trưởng GDP. Cụ thể, lĩnh vực lưu trú và ăn uống lần đầu tiên cao hơn mức trước đại dịch kể từ quý 2/2022 nhờ nhu cầu trong nước phục hồi mạnh mẽ; còn lĩnh vực xây dựng tăng 12,9% (so cùng kỳ năm trước), đóng góp 4,9 điểm phần trăm. Sản xuất công nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh, Chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 9/2022 tăng 1,8% (so tháng trước) và tăng 13% (so cùng kỳ năm trước), lại một lần nữa nhờ hiệu ứng xuất phát điểm thấp vào quý 3/2021. Mặc dù các lĩnh vực chế tạo chế biến chủ chốt khác đều tăng trưởng, nhưng sản xuất máy tính, hàng điện tử và sản phẩm quang học lần đầu tiên bị suy giảm kể từ tháng 2/2022 (ở mức 2,4% so cùng kỳ năm trước), nguyên nhân do sức cầu bên ngoài yếu đi như được thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng đó chững lại. Chỉ số PMI lĩnh vực chế tạo chế biến đạt 52,5 điểm trong tháng 9, ở mức tương đương so với tháng 8, ghi dấu 12 tháng chỉ số được tăng điểm.

Tình hình thị trường lao động tiếp tục cải thiện. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tăng nhẹ từ 68,5% trong quý 2/2022 lên 68,7% trong quý 3 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức 71,3% trước đại dịch. Tỷ lệ thất nghiệp đã quay lại mức trước đại dịch (2,1%) trong khi tỷ lệ thiếu việc làm (ở mức 1,9%) vẫn cao hơn so với 1,2% trước đại dịch. Thu nhập thực theo tháng tăng 0,4% (so quý trước) cao hơn 1,9% so với mức được ghi nhận trong quý 1/2021, trước thời điểm quốc gia rơi vào đợt dịch COVID-19 tồi tệ nhất.

Cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 9 ghi nhận thặng dư 1,1 tỷ USD. Tăng trưởng xuất nhập khẩu đều chững lại trong tháng 9/2022 so với tháng 8. Tăng trưởng xuất khẩu giảm từ 28,2% (so cùng kỳ năm trước) xuống còn 10,8% (so cùng kỳ năm trước). Tăng trưởng xuất khẩu giảm đồng đều, do nhu cầu tại Mỹ và EU yếu đi kết hợp với tác động của chính sách không COVID ở Trung Quốc cũng như hiệu ứng xuất phát điểm thấp. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng máy tính, điện thoại, hàng điện tử, và máy móc trong tháng 9 tăng 5,6% (so cùng kỳ năm trước), so với 20,8% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 8. Tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng dệt may và giày da cũng giảm nhẹ từ 80,4% (so cùng kỳ năm trước) xuống còn 57,3% (so cùng kỳ năm trước) cùng thời điểm. Tăng trưởng tổng kim ngạch nhập khẩu giảm từ 13,6% (so cùng kỳ năm trước) xuống 8% (so cùng kỳ năm trước), do giảm nhập khẩu điện thoại, máy tính, hàng điện tử và máy móc, qua đó phản ánh các mặt hàng xuất khẩu công nghệ cao còn phụ thuộc nhiều vào những đầu vào nhập khẩu nêu trên.

Cần tăng cường cảnh giác và linh hoạt về chính sách

Thương mại dịch vụ vẫn thâm hụt cho dù xuất khẩu dịch vụ đã phục hồi. Cán cân thương mại dịch vụ ghi nhận thâm hụt ở mức 3,2 tỷ USD trong quý 3/2022, tương đối cao so với mức trước đại dịch. Xuất khẩu dịch vụ tăng 39,1% (so quý trước), bằng khoảng ba phần tư so với mức trước đại dịch. Yếu tố chính đóng góp cho xuất khẩu phục hồi là nhờ dịch vụ lữ hành, đạt 1,3 tỷ USD trong quý 3/2022, cao hơn 133% so với quý 2. Việt Nam đón được 1,3 triệu lượt khách quốc tế trong quý 3/2022, bằng khoảng 29% so với mức trước đại dịch. Mặt khác, kim ngạch nhập khẩu dịch vụ vốn đã cao hơn mức trước đại dịch trong quý 2/2022 lại tiếp tục tăng thêm 7,9% (so cùng kỳ năm trước) trong quý 3/2022.

Số đăng ký vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm trong khi số giải ngân vẫn cao. Số đăng ký vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm 34,6% trong tháng 9 (so cùng kỳ năm trước) do ảnh hưởng bởi những bất định gia tăng liên quan đến viễn cảnh kinh tế toàn cầu và điều kiện huy động tài chính bị thắt chặt để chống lạm phát ở các nền kinh tế phát triển. Vốn đăng ký giảm ở tất cả các lĩnh vực chính, kể cả đối với đầu tư mới, mở rộng, mua lại và sát nhập (M&A). Ngược lại, số giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng 10 tháng liên tiếp, nhưng quy mô tăng 54,6% (so cùng kỳ năm trước), phần nào là do hiệu ứng xuất phát điểm thấp trong giai đoạn cách ly vào quý 3/2021. Trong 9 tháng đầu năm 2022, số đăng ký vốn FDI đạt 18,8 tỷ USD, thấp hơn 15,3% so với năm trước đó, trong khi số giải ngân vốn FDI đạt 15,4 tỷ USD, tăng 16,2% (so cùng kỳ năm trước), cao hơn so với mức trước đại dịch.

Lạm phát toàn phần gia tăng cho dù giá nhiên liệu đã giảm. Lạm phát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng từ 2,9% trong tháng 8 lên 3,9% trong tháng 9. Dịch vụ vận tải không còn là yếu tố chính gây ra lạm phát do giá xăng và dầu đã giảm, ở mức 5,9% trong tháng 9 (so tháng trước) và chỉ cao hơn 11,2% so với năm trước. Ngược lại, lạm phát gia tăng do giá cả tăng trong lĩnh vực giáo dục (từ -0,6% so cùng kỳ năm trước) lên 8,4% (so cùng kỳ năm trước). Học phí tăng do mức trần và các mức miễn giảm học phí trong giai đoạn đại dịch đã kết thúc, khiến cho chi phí giáo dục đại học cao hơn. Nhu cầu nhà ở gia tăng ở các đô thị khi năm học mới bắt đầu cũng khiến cho giá thuê nhà cao hơn. Lạm phát giá lương thực thực phẩm tăng từ 3,3% trong tháng 8 lên 3,7% trong tháng 9 (so cùng kỳ năm trước) do giá đầu vào nông nghiệp và cả nhu cầu trong nước đều gia tăng. Lạm phát cơ bản, nghĩa là không bao gồm giá lương thực thực phẩm, năng lượng các mặt hàng có giá do nhà nước quản lý (giáo dục và y tế) tiếp tục tăng từ 3,1% trong tháng 8 lên 3,8% trong tháng 9 (so cùng kỳ năm trước), là mức cao nhất trong bảy năm qua.

Giá đầu vào sản xuất chế tạo chế biến đã hạ nhiệt trong khi giá đầu vào sản xuất nông nghiệp lại gia tăng. Chỉ số giá sản xuất (PPI) trong lĩnh vực chế tạo, chế biến giảm từ mức 4,4% trong quý 2/2022 xuống còn 3,9% trong quý 3 (so cùng kỳ năm trước), do giá cả đầu vào trong lĩnh vực chế tạo, chế biến đã hạ nhiệt, giảm từ 6% xuống còn 5,7% (so cùng kỳ năm trước). Ngược lại, PPI lĩnh vực nông nghiệp lại tăng từ 2,2% trong quý 2 lên 5,7% trong quý 3/2022 (so cùng kỳ năm trước), khép lại độ trễ tác động lan truyền giá đầu vào nông nghiệp gia tăng quan sát được trước đó trong năm. Một phần của độ trễ có thể do nền kinh tế phục hồi và một phần do chu kỳ sản xuất nông nghiệp kéo dài hơn. Về phần mình, chỉ số PPI nông nghiệp tăng có thể sẽ góp phần làm tăng giá lương thực thực phẩm trong quý 3.

Ngoài ra, điều tra về gian lận chứng khoán gây một đợt xáo trộn liên quan đến một ngân hàng tư nhân lớn. Vào đầu tháng 10, cơ quan chức năng tiến hành điều tra một doanh nghiệp bất động sản lớn với cáo buộc liên quan đến gian lận trong giao dịch bất động sản và phát hành trái phiếu, dẫn đến bắt giữ Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Điều hành của doanh nghiệp đó cùng ba người khác, một số người trong đó có liên quan đến Ngân hàng Thương mại Sài Gòn (SCB). Những sự kiện trên gây ra một đợt tháo chạy ngắn khi người dân rút tiền gửi ra khỏi SCB. Để ứng phó, Thống đốc NHNN cam đoan với thị trường và người gửi tiền là ngân hàng trung ương sẽ đảm bảo an toàn cho người gửi tiền ở các ngân hàng thương mại tại Việt Nam, bao gồm SCB. Ngân hàng này đã được đưa và diện kiểm soát đặc biệt của NHNN và NHNN công bố sẽ bổ nhiệm nhân sự vào các vị trí quản lý chủ chốt.

Cân đối ngân sách chuyển bội chi trong tháng 9. Cân đối ngân sách tháng 9 lần đầu tiên bội chi ở mức 0,5 tỷ USD trong năm 2022. Tổng thu ngân sách tăng 62,6% (so cùng kỳ năm trước), còn tổng chi ngân sách tăng 15,4% (so cùng kỳ năm trước), phần nào do hiệu ứng xuất phát điểm thấp vì cả thu và chi đều bị ảnh hưởng đáng kể trong năm trước.

Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách của Chính phủ đạt 94% so với dự toán thu, nhưng chi ngân sách chỉ đạt 60,9% tổng dự toán chi, dẫn đến bội thu ngân sách ở mức 10,5 tỷ USD. Giải ngân đầu tư công đạt 48,1% so với kế hoạch được Quốc hội phê duyệt, cao hơn hai điểm phần trăm so với năm trước (45,8%), còn chi thường xuyên đạt 68,3% dự toán năm so với 70% cùng kỳ năm trước. Do cân đối ngân sách bội thu đáng kể, Kho bạc Nhà nước chỉ phát hành 0,4 tỷ USD trái phiếu Chính phủ có mệnh giá bằng nội tệ trong tháng 9, và toàn bộ đều có kỳ hạn dài (từ 10 năm trở lên). Trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng khối lượng trái phiếu phát hành đạt 28,7% kế hoạch năm, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2021 (67,9% kế hoạch). Chi phí vay nợ tiếp tục tăng, do lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng lần lượt từ 2,8% lên 3,0% trên thị trường sơ cấp và từ 3,7% lên 5,0% trên thị trường thứ cấp, trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 9.

Trước diễn biến đó, theo Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, mặc dù nền kinh tế tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, nhưng những bất định gia tăng liên quan đến nền kinh tế toàn cầu đang chững lại, lạm phát trong nước gia tăng, điều kiện huy động tài chính toàn cầu bị thắt chặt cho thấy cần tăng cường cảnh giác và linh hoạt về chính sách. Trong điều kiện nền kinh tế chưa phục hồi đầy đủ và tăng trưởng ở những thị trường xuất khẩu chủ lực dự kiến sẽ chậm lại, cần tiếp tục các chính sách tài khóa chủ động hỗ trợ nền kinh tế trên cơ sở phù hợp với kết quả kinh tế và phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ.

Đồng thời vì CPI và CPI cơ bản đang tiếp cận đến mức 4%, cần sẵn sàng cân nhắc thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ để đảm bảo neo giữ lạm phát. Khi giai đoạn giãn hoãn thời gian trả nợ đã kết thúc và điều kiện huy động tài chính bị thắt chặt, khu vực tài chính phải đối mặt với rủi ro gia tăng đồng thời đòi hỏi phải có hướng dẫn từ phía NHNN để ngăn chặn những rủi ro đó bị hiện thực hóa ở cấp độ rộng hơn, trong cả khu vực, có thể gây ảnh hưởng đến nền kinh tế thực. Sự xáo trộn gần đây liên quan đến vụ việc của Ngân hàng Thương mại Sài Gòn (SCB) cho thấy nhu cầu cần nâng cao minh bạch thông qua công bố kịp thời thông tin chi tiết về kết quả hoạt động của khu vực ngân hàng, tăng cường quản trị doanh nghiệp và tăng cường giám sát dựa trên rủi ro, bao gồm giám sát hoạt động cho vay của các tập đoàn doanh nghiệp và cho vay bên liên quan để can thiệp sớm, và tăng cường cơ chế xử lý ngân hàng./.

 
Đặng Hiếu
169 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 566
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 566
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77536161