Ngân hàng No&PTNT Hướng Hóa.
Ông Nguyễn Văn Siêu, người có thâm niên và làm công tác quản lý Ngân hàng No & PTNT lâu năm nhất ở vùng cao này bồi hồi nhớ lại: Những năm đầu tỉnh nhà mới thành lập lại (1989), Ngân hàng No & PTNT Hướng Hóa, trực thuộc Ngân hàng No & PTNT tỉnh Quảng Trị, lúc đó lực lượng cán bộ trẻ chiếm tỷ lệ khá lớn và từ nhiều miền quê khác nhau.
Họ đồng cam chịu khổ, sinh sống, công tác tại vùng quê núi rừng trùng trùng, điệp điệp, giao thông đi lại dóc đèo hiểm trở, phương tiện làm việc còn thiếu thốn trăm bề, trụ sở cơ quan làm bằng nhà cấp 4 đơn sơ cạnh quốc lộ 9 thuộc thị trấn Khe Sanh.
Lúc bấy giờ cán bộ Ngân hàng No & PTNT Hướng Hóa luôn gặp muôn vàn gian khó, nhất vào những lúc phải cơm đùm gạo bới, “củi tiền” đến tận những bản làng xa xôi để giải ngân cho hộ nghèo.
Trong khi đó đường vào các thôn bản chủ yều là băng rừng lội suối, có điểm phải đi gần cả trăm cây số, cả đi lẩn về mất hàng mấy ngày trời. Đường đi lối lại gian nguy là vậy, họ còn phải đối mặt thường xuyên với những cơn sốt rừng đau đớn vật vã. Song bằng sự nhiệt huyết và sức trẻ họ đã vượt lên chính mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà đơn vị giao phó.
Cũng chính từ việc ra đời sớm so với nhiều ngân hàng khác, thời gian đầu mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thử thách, nhưng với mục tiêu phục vụ nông nghiệp nghiệp - nông thôn - nông dân với mục tiêu giúp địa phương xóa đói giảm nghèo là chính. Về sau, tình hình thị trường vận động theo cơ chế tất yếu, từ đó có thêm nhiều loại hình ngân hàng khác ra đời, vì vậy sự cạnh tranh hoạt động tín dụng ngày càng trở nên gay gắt và nghiệt ngã hơn.
Lại một lần nữa Ngân hàng No & PTNT Hướng Hóa bước vào một giao diện mới không kém phần cam go. Trước những chuyển biến khách quan đó, phát huy truyền thống và những kinh nghiệm vun đắp bấy lâu, đồng thời tuân thủ nghiêm túc sự chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, bám sát các Nghị quyết về phát triển kinh tế của HĐND tỉnh, Nghị quyết của Huyện ủy Hướng Hóa theo từng giai đoạn...
Trên cơ sở đó, Ngân hàng No & PTNT Hướng Hóa đã xây dựng phương án hoạt động kinh doanh sát đúng với thực tiển gắn liền với các chủ trương phát triển kinh tế, nhất là chủ trương phát triển cây công nghiệp của địa phương.
Đặc biệt, những năm gần đây, nhằm giúp người dân vay vốn làm ăn có hiệu quả Ngân hàng No & PTNT Hướng Hóa đã đề xuất các mô hình liên kết để khâu nối giữa ba nhà, đó là Nhà nước, nhà nông và doanh nghiệp, cụ thể là các cơ quan chức năng của Nhà nước đảm nhiệm khâu chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cây, doanh nghiệp cho vay theo tổ với lãi suất ưu đãi, cung ứng phân và thu mua sản phẩm, nông dân cung ứng cà phê…
Bằng những bước đi cơ bản đó, tuy có những thời khắc gặp không ít rủi ro, song Ngân Hàng No & PTNT Hướng Hóa luôn hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch được giao, thị phần dự nợ luôn chiếm trên 50% trên địa bàn đứng chân, thị phần cho vay nông nghiệp trên 90%.
Điều đáng phấn khởi, cây công nghiệp, nhất là cây cà phê luôn tịnh tiến phát triển qua từng năm, từ chỗ chỉ có 50ha cà phê ở Tân Liên vào năm 1988, đến nay Hướng Hóa có hơn 5000ha, mang lại một màu xanh ngút ngàn qua nhiều thôn bản, đem lại cuộc sống no ấm cho hàng trăm hộ gia đình, có hàng chục hộ mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng từ trồng cà phê.
Phải khẳng định rằng, không phải ngẫu nhiên mà hơn 100 năm trước, khi người Pháp đặt chân đến Đông Dương, cùng với miền đất đỏ Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ, những mảnh đất bazan màu mỡ trên vùng cao Hướng Hoá (Quảng Trị) đã lọt vào tầm ngắm của họ.
Những triền đồi rời rợi từ Khe Sanh lên đến Lao Bảo nhanh chóng trở thành những đồn điền cà phê rộng lớn. Mùi hương nồng nàn của những hạt cà phê Catimor đen nhánh đem lại những món lợi kếch sù cho những ông chủ đồn điên như: Cuvie, Ô Lanh Poalan...
Trong ký ức của những người thượng du vẫn còn lưu truyền về giai thoại tình sử kỳ lạ giữa bà chủ đồn điền lớn nhất thời bấy giờ là Cômêrôm với một người đàn ông Vân Kiều. Cái truyền thuyết như một nốt nhạc trầm xao xuyến lòng người trong khúc nhạc chộn rộn của tiếng quất roi da lẫn trong mùi máu mà người Pháp đã để lại trên mảnh đất này.
Năm 1954 khi người Mỹ nhảy vào Việt Nam dựng nên một cuộc chiến trái khoái, màu xanh cà phê lụi tàn nhường chỗ cho vũ khí và chất độc huỷ diệt. Sau chiến tranh (ngày hoà bình) một Hướng Hoá mới trổi dậy từ những vết thương và đây đó đầy rẩy mảnh vụn sắt thép của Mỹ ngụy.
Cuộc phục sinh của cây cà phê trên vùng đất Hướng Hoá phải nếm trải đủ bao thăng trầm. Và giờ đây với tiềm năng đang trên đà phát triển của huyện miền núi này, cây cà phê vẫn giữ được vị thế hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của vùng đất này.
Từ hai bên đường QL 9 cho đến các bản làng xa xôi hẻo lánh hơn 5 ngàn ha cà phê vẫn lặng lẻ cho những mùa bội thu, tô điểm thêm vẻ đẹp và sự no âm của Hướng Hoá. Theo đó trên vùng rừng núi Hướng Hoá đã mọc lên những nhà máy chế biến cà phê tạo công ăn việc làm cho hàng trăm công nhân trong nhà máy và hàng ngàn lao động là nông dân người trực tiếp trồng cà phê.
Cùng anh Nguyễn Văn Siêu - Giám đốc Ngân hàng No&PTNT Hướng Hóa đến thăm Cơ sở chế biến cà phê Thuấn Hằng tại Thôn Trằm, xã Hướng Tân (Hướng Hóa) chúng tôi đã tận mắt chứng kiến được không khí lao động khẩn trương của người chế biến cà phê nơi đây.
Mặc dù còn 3 tháng nữa mới bước vào vụ thu hoạch, nhưng lượng cà phê dự trữ tại cơ sở này còn khá nhiều, những công nhân nơi đây đã chế biến, đóng bì để chuẩn bị xuất bán cho khách hàng.
Chị Nguyễn Thị Hằng - Chủ cơ sở chế biến cà phê Thuấn Hằng cho chúng tôi biết, trước đây thu nhập chính của gia đình anh chị chủ yếu là ban đầu vay ngân hàng nông nghiệp huyện 10 triệu đồng chăm sóc vườn cà phê 3ha.
Nhờ làm ăn chăm chỉ đã tích lũy được một số vốn, đến năm 2006 chị mạnh dạn vay thêm Ngân hàng No&PTNT Hướng Hóa để đầu tư mở thêm cơ sở chế biến cà phê, với tổng mức vốn đầu tư khoảng 6 tỷ đồng.
Không những có vậy, cứ đến vụ mùa chị còn vay thêm ngân hàng trên 10 tỷ đồng để thu mua và chế biến cà phê xuất khẩu. Nhờ thực hiện tốt cam kết trả vốn và lãi sau vụ mùa nên từ đó đến nay cơ sở chế biến cà phê Thuấn Hằng luôn hoạt động có hiệu quả, lợi nhuận thu về mỗi năm hàng trăm triệu đồng, tạo việc làm có mức thu nhập 4 - 6 triệu đồng/người/tháng cho hàng chục lao động…
Cơ sở chế biến cà phê Thuấn Hằng.
Sự kiện kỷ niệm 50 năm chiến thắng Khe Sanh, giải phóng huyện Hướng Hóa (ngày 9/7/1968 - 9/7/2018). Nhìn lại chặng đường đã qua, đặc biệt là sau ngày đất nước thống nhất (1975) và ngày tái lập lại tỉnh nhà (1989) cho đến hôm nay vùng đất Hướng Hóa đã thay đổi diệu kỳ.
Từ một vùng đất chằng chịt hố hầm bom mìn, giờ đây thay vào đó một Hướng Hóa xanh tươi trù phú, cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo nên một diện mạo huyện miền núi kiểu mẫu.
Trong sự vun đắp chung và niềm tự hào chung về Hướng Hóa hôm nay, có sự chung tay, chung lòng của cán bộ công nhân viên của Ngân hàng No&PTNT huyện Hướng hóa qua các thời kỳ.
Hữu Tiến