Ngân hàng Nhà nước không để ngân hàng thương mại nào rơi vào tình trạng mất thanh khoản 

(ĐCSVN) - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định, NHNN sẽ không để Ngân hàng thương mại (NHTM) nào, kể cả ngân hàng nhỏ, rơi vào tình trạng mất thanh khoản. Chính sách tiền tệ hiện nay vừa đảm bảo cung ứng vốn, vừa đảm bảo thanh khoản, đồng thời kiểm soát lạm phát cho cả năm nay và năm 2023.

 

Hình ảnh tại cuộc Họp bàn thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. (Ảnh: M.P)

Ngày 15/12, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam  tổ chức Họp bàn thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, mặt bằng lãi suất huy động ở thị trường 1 vẫn rất cao. Tính đến ngày 14/12, lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng đa số dao động ở mức từ 6,1% - 8,3%/năm, có ngân hàng huy động lãi suất lên đến 11% (số tiền từ 1 tỷ đồng trở lên)… Như vậy, so với cuối năm 2021, nhìn chung, lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng hiện nay đã tăng khoảng 3% – 4% ở các kỳ hạn trên 6 tháng và trên 12 tháng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng dự đoán, trong những ngày còn lại của năm, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp tăng cao, trong khi nguồn tiền của doanh nghiệp rất hạn hẹp vì khó có thể huy động được vốn từ phát hành trái phiếu, thậm chí còn phải mua trái phiếu trước hạn. Do đó, các doanh nghiệp sẽ phải phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Nhu cầu tín dụng ở mức cao trong khi hạn mức tín dụng vẫn bị kiểm soát sẽ tiếp tục gây áp lực lên lãi suất cho vay. Để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, ngày 6/12/2022, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống lên 1,5 đến 2%, theo đó ngân hàng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn; các ngân hàng cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ…, theo đúng chủ trương của Chính phủ.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết hiện đã có 16 Ngân hàng đã cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng, với mức lãi suất giảm từ 0,5% - 3%/năm.

 Cụ thể, BIDV giảm lãi suất giảm 0,5%- 2,5%/năm cho Khách hàng vay vốn thuộc lĩnh vực ưu tiên; khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; khách hàng có hoạt động xuất nhập khẩu; khách hàng doanh nghiệp nước ngoài, khách hàng cá nhân…

Agribank giảm 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ bằng VND tại thời điểm 30/11. Với dư nợ phát sinh từ 1/12- 31/12/2022, Agribank giảm tối đa 20% so với mặt bằng lãi suất đang áp dụng với từng đối tượng, lĩnh vực.

 Vietcombank giảm lãi suất tới 1% một năm đối với các khoản vay VND cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu, từ 1/11 đến hết 31/12/2022. Tổng số khách hàng được giảm lãi suất là 175.000 khách hàng với quy mô tín dụng hơn 500.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% dư nợ hiện hữu.

Cùng với đó,  đã có 100% hội viên của Hiệp hội ngân hàng đồng thuận ở cả hai nội dung.

Thứ nhất,  đồng thuận huy động lãi suất tiền gửi cao nhất chỉ ở mức cao nhất 9,5% trên tất cả các kỳ hạn trong đó ko được thưởng liên quan đến lãi suất. Điều này sẽ ngăn chặn tình trạng cạnh tranh lãi suất huy động giữa cá tổ chức tín dụng.

Thứ hai, bên cạnh đồng thuận giảm lãi suất huy động về tối đa 9,5%/năm, các tổ chức tín dụng cũng rất đồng thuận ngoài việc đảm bảo giảm lãi suất cho vay tối đa 0,5-2% tùy theo khả năng tài chính của mỗi đơn vị. Tại cuộc họp sáng nay, một số tổ chức tín dụng đã khẳng định không để thiếu vốn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đủ điều kiện, kể cả cá nhân.

Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp vẫn phản ảnh, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng hiện nay vẫn còn ở mức tương đối cao: lãi suất cho vay trung bình tại các ngân hàng thường dao động từ 10 - 16%/năm (cho vay tín chấp), còn đối với vay thế chấp thì lãi suất dao động từ 10 - 14%/năm.

Hiệp hội Ngân hàng cho rằng việc một số ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động gây nên tình trạng cạnh tranh huy động gay gắt, tạo tâm lý bất ổn đối với cả người gửi tiền và người đi vay. Hơn nữa, việc tăng lãi suất huy động khiến chi phí huy động vốn (đầu vào) của tất cả các ngân hàng thương mại đến nay đều bị ảnh hưởng và tăng lên rất nhiều so với giai đoạn 9 tháng năm 2022, làm thu hẹp chênh lệch lãi suất đầu vào, đầu ra khi lãi suất cho vay khó tăng tương ứng với lãi suất huy động, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, đồng thời dẫn đến rủi ro gia tăng nợ xấu, lãi treo từ phía khách hàng.

Vì vậy, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề nghị các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại hội viên thực hiện nghiêm túc kêu gọi đồng thuận lãi suất huy động tại mọi kỳ hạn không quá 9,5%/năm (đã bao gồm các khoản khuyến mại).

Cùng với đó, các tổ chức tín dụng, đặc biệt là 30 tổ chức tín dụng đã được phân bổ chỉ tiêu tín dụng bổ sung căn cứ khả năng, năng lực tài chính của mỗi tổ chức tín dụng, tiếp tục tiết giảm chi phí nhằm hỗ trợ khách hàng giảm lãi suất cho vay theo nội dung đã cam kết với Ngân hàng Nhà nước.

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú. (Ảnh: M.P) 

Phát biểu tại cuộc họp Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết khẳng định, thời gian qua, trong bối cảnh khó khăn, các ngân hàng đã tích cực hỗ trợ nền kinh tế. Gần đây, NHNN đã nới room tín dụng, tạo điều kiện để các TCTD tăng trưởng tín dụng, cung ứng vốn cho nền kinh tế đi đôi với bảo đảm thanh khoản. 

“NHNN sẽ không để NHTM nào, kể cả ngân hàng nhỏ, rơi vào tình trạng mất thanh khoản. Chính sách tiền tệ hiện nay vừa đảm bảo cung ứng vốn, vừa đảm bảo thanh khoản, đồng thời kiểm soát lạm phát cho cả năm nay và năm 2023”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Về cơ chế chính sách, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN đang tích cực nghiên cứu điều chỉnh cơ chế phù hợp, linh hoạt tạo điều kiện hơn cho các TCTD hỗ trợ nền kinh tế. Nhưng Thống đốc NHNN đã quán triệt tinh thần là hướng tới các mục tiêu lớn, chứ không chạy theo mục tiêu nhỏ. Về lâu dài, không để tiền lệ chấp nhận 1, 2 đơn vị đặc thù trong trường hợp đặc biệt biến thành cơ chế chung cho cả hệ thống.   

Phó Thống đốc đánh giá cao tinh thần đồng thuận, thống nhất và quyết tâm chính trị cao của các ngân hàng, hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, NHNN quan tâm tối đa giảm lãi suất cho vay dù hoạt động nền kinh tê còn khó khăn, đi đôi với nỗ lực bảo đảm an toàn thanh khoản hệ thống.

Đặc biệt, các ngân hàng thương mại (NHTM) có cam kết và tích cực thực hiện giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như nền kinh tế không chỉ các ngân hàng lớn như Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV mà có cả các ngân hàng nhỏ hơn như SHB, HDBank, SeABank…

“Các chương trình hỗ trợ của các NHTM hết sức có ý nghĩa, không chỉ số lãi suất giảm mà quan trọng là xây dựng niềm tin cho  doanh nghiệp, khẳng định sự đồng hành của ngân hàng với nền kinh tế, do đó, thời gian qua lãnh đạo Chính phủ quan tâm tới vấn đề này. Khi trao đổi tại cuộc họp với các ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ đã có phân tích rất đúng bản chất, đó là, các ngân hàng cần xác định, mình có lợi nhuận là nhờ nền kinh tế, bà con, doanh nghiệp, các bên đều có mối quan hệ cộng sinh, khi khó khăn nên chia sẻ, hỗ trợ nhau,”- ông Đào Minh Tú nói.

Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện hoả tốc yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước  về cung ứng vốn cho nền kinh tế. Theo đó, Chính phủ chỉ đạo rà soát, tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa chủ động giảm lãi suất cho vay, chia sẻ, giúp đỡ người dân, doanh nghiệp; chỉ đạođẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước theo nghị định 31 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh…

Để triển khai chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, Phó Thống đốc NHNN đề nghị các ngân hàng cần xây dựng kế hoạch từ đay cuối năm, bao gồm giai đoạn đến Tết âm lịch, triển khai các bước tiếp theo hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, nền kinh tế. 

“Các ngân hàng khi cam kết nên công bố công khai lên báo chí, truyền thông, vì đây là vinh dự và trách nhiệm, ngân hàng nào đã cam kết thì cần quyết tâm thực hiện đúng.”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh./.

 

 

 
Minh Phương
109 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 896
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 896
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77271344