Ngăn chặn “tín dụng đen” 

(ĐCSVN) - Mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều khuyến cáo về tình trạng "tín dụng đen" nhưng hoạt động này vẫn diễn biến phức tạp, gây ra những hệ lụy lớn trong xã hội; len lỏi vào mọi ngóc ngách, từ thành thị đến nông thôn.

 

“Tín dụng đen” ngày càng phức tạp

Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen xảy ra tại nhiều địa phương, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội. Trong thời gian qua, mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều khuyến cáo về tình trạng "tín dụng đen" nhưng hoạt động này vẫn diễn biến phức tạp, gây ra những hệ lụy lớn trong xã hội; len lỏi vào mọi ngóc ngách, từ thành thị đến nông thôn.

 Các tổ chức tín dụng cần mởi rộng, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng ngân hàng để người dân dễ dàng tiếp cận. (Ảnh:M.P)

Theo PGS,TS Đặng Ngọc Đức (Viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính), "tín dụng đen" đang chiếm 30-35% tổng tín dụng phi chính thức, tương đương 6-8% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong giai đoạn 2015-2018, toàn quốc xảy ra trên 7.600 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen. Con số này còn lớn, bởi các biện pháp răn đe, trừng phạt tội phạm tín dụng đen chưa đủ mạnh, chỉ được áp dụng khi vụ việc đã xảy ra.

Tín dụng đen là hoạt động không chính thống. Vấn nạn tín dụng đen đã được đề cập nhiều và các cơ quan quản lý đưa ra không ít giải pháp để hạn chế nhưng chưa giảm nhiều là do nhu cầu của người dân cần có khoản vay nhanh để giải quyết những công việc khác nhau.

Bên cạnh đó, hệ thống tài chính ngân hàng chính thống cần có sự đảm bảo an toàn, chặt chẽ, nên chưa đáp ứng được nhu cầu vay nhanh, vay “nóng” của người dân vào thời điểm ngoài giờ hành chính. Đây cũng là khe hở để tín dụng đen lách vào vùng sâu, vùng xa, vào những gia đình có nhu cầu vay vốn gấp.

Trong khi đó, việc tuyên truyền chưa mạnh để người dân hiểu được tín dụng đen ảnh hưởng như thế nào đến đời sống. Hiểu biết của người dân về tín dụng đen cũng chưa cao, dẫn đến rơi vào bẫy "tín dụng đen" do chưa xem kỹ điều kiện và những ràng buộc khi vay vốn.

Để tuyên chiến với "tín dụng đen", Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen". Ngay sau đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Quyết định 1178/QĐ-NHNN về kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg. Tuy việc thực hiện các quy định trên đã có những kết quả nhất định, song để xóa tín dụng đen cũng là thách thức không nhỏ.

Các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng những biện pháp hạn chế "tín dụng đen" thời gian qua dù rất mạnh mẽ nhưng mới chỉ tiếp cận dưới góc độ nhà quản lý, trong khi tín dụng đen lại có thể nảy sinh, tồn tại và phát triển dựa trên cả giác độ pháp lý và trên cơ sở thị trường, hay nói cách khác là cung - cầu về vốn.

Mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân

Theo Đại tá Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết, bên cạnh chế tài xử lý liên quan đến tín dụng đen chưa đầy đủ, nguyên nhân của "tín dụng đen" còn do người dân không đáp ứng được các điều kiện của các tổ chức vay vốn hợp pháp; người vay tiền tham gia các hoạt động tệ nạn; nhiều người sử dụng tiền nhàn rỗi để cho vay hoặc trung gian dẫn đến tình trạng vỡ nợ, hụi họ…

Cũng theo Đại tá Nguyễn Văn Tám, việc xử lý các vụ việc liên quan đến "tín dụng đen" rất khó khăn trong việc phát hiện, thu thập, củng cố chứng cứ, bởi các đối tượng thường cất giấu hợp đồng ở những nơi kín đáo, dễ tiêu hủy, sử dụng mạng xã hội để chốt hợp đồng. Hơn nữa, các đối tượng còn sử dụng nhiều “chiêu trò” lách luật như: thu tiền gốc trước, nếu người vay trả hết gốc thì chuyển lãi thành gốc nên khi bị phát hiện không thể kết luận các đối tượng thu lời từ lãi; hoặc sử dụng thủ đoạn trong lập hợp đồng vay: không thể hiện lãi suất, thế chấp bằng giấy tờ tùy thân; lợi dụng công nghệ thông tin, phần mềm, ứng dụng điện thoại để cho vay…

Từ những khó khăn trên, PGS.TS Đặng Ngọc Đức cho rằng, cần có chương trình quốc gia để giải quyết với các giải pháp đồng bộ với sự phối hợp của nhiều chủ thể liên quan. Điều này rất cần sự chung tay của các cơ quan quản lý, các tổ chức tín dụng, người dân, chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương, cùng với đó là các cơ quan an ninh, truyền thông, tổ chức hỗ trợ về kỹ thuật và công nghệ. Cùng với đó, cần có chính sách khuyến khích các ngân hàng thương mại triển khai các gói cho vay ở vùng nông thôn.

Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) tập trung triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng nhằm hạn chế “tín dụng đen”. Nhất là thời điểm hiện nay khi dịp Tết Nguyên đán đang cận kề, nhu cầu tiêu dùng của người dân đang tăng.

Theo đó, NHNN yêu cầu các TCTD đẩy mạnh phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng ngân hàng phù hợp nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp với lãi suất hợp lý; tiếp tục cải tiến, đổi mới, hiện đại hóa quy trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ theo hướng đơn giản hóa, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp.

Thống đốc NHNN cũng yêu cầu Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đẩy mạnh triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng 5.000 tỷ đồng, kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng chính đáng của người dân.

Ngân hàng Chính sách xã hội cũng cần tiếp tục rà soát các chương trình tín dụng chính sách để tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án thí điểm cho vay tiêu dùng; chú trọng phân bổ nguồn vốn vào các khu vực tập trung nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Các TCTD tăng cường công tác thẩm định, thực hiện việc kiểm tra trước, trong và sau cho vay; thường xuyên đánh giá khả năng tài chính và khả năng trả nợ của khách hàng; chủ động thực hiện các biện pháp theo thẩm quyền hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ vay phù hợp với quy định của pháp luật.

Cùng với các giải pháp từ phía các tổ chức tín dụng, để đẩy lùi "tín dụng đen" cần sự vào cuộc đồng bộ của nhiều cơ quan, tổ chức. Đặc biệt cần có chế tài xử lý nghiêm minh, bảo đảm tính răn đe, trừng phạt loại hình cho vay nặng lãi. Cùng với đó cần đẩy mạnh tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn cho vay nặng lãi, lừa đảo để người dân hiểu rõ hành vi, hậu quả của hoạt động “tín dụng đen”.

 Ngoài ra, cần tuyên truyền, vận động người dân hiểu đúng pháp luật để không trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia hoạt động cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”.

 
Minh Phương
410 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 906
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 907
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87079386