Ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi tái chế khẩu trang, găng tay y tế  

(ĐCSVN) - Thời gian qua, trước nhu cầu sử dụng đồ dùng, trang thiết bị phòng, chống dịch COVID-19 tăng cao, một số cơ sở đã thu gom và tái chế các mặt hàng khẩu trang, găng tay y tế để bán ra thị trường. Việc làm này không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng.
 
 

Phát hiện nhiều “lò” tái chế khẩu trang, găng tay y tế

Cùng với những diễn biến phức tạp của làn sóng dịch bệnh COVID-19, thời gian gần đây, cơ quan chức năng ở một số địa phương trên cả nước đã phát hiện và triệt phá nhiều “lò” tái chế khẩu trang và găng tay y tế.

Mới đây, ngày 8/6, khi kiểm tra đột xuất cơ sở thu mua nhựa tái chế của ông Vũ Văn Hưng, trú tại xóm Kê, xã Tân Khánh (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên), lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều bao tải, túi nylon đựng găng tay làm bằng nhựa, cao su đã qua sử dụng. Tổng khối lượng rác thải trên 13,5 tấn. Trong đó, 6.470kg găng tay đã qua sử dụng chưa được phân loại và 3.130kg các đầu bao tay của găng tay đã qua sử dụng... Qua điều tra, cơ quan Công an xác định, số găng tay rác thải này được chủ cơ sở mua lại của Vũ Thị Thu Hương, trú tại xã Tiền Phong (huyện Mê Linh, Hà Nội).

Khối lượng lớn rác thải găng tay y tế tại nhà ông Vũ Văn Hưng trú tại xóm Kê, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: Nguyễn Kiều) 

Trước đó, cuối năm 2020, lực lượng Công an tỉnh Bình Dương cũng đã bắt quả tang cơ sở tái chế các mặt hàng găng tay y tế đã qua sử dụng để mang đi bán. Tại thời điểm kiểm tra, các lực lượng chức năng phát hiện hàng chục công nhân đang phân loại và đóng gói hàng trăm thùng găng tay y tế thành phẩm có nguồn gốc từ găng tay y tế đã qua sử dụng.

Tại Hòa Bình, đầu tháng 8/2020, tổ chức kiểm tra đột xuất, lực lượng chức năng thu giữ hàng trăm găng tay cao su loại dùng 1 lần đã qua sử dụng tại Công ty Cổ phần đầu tư may mặc V-Link, Khu công nghiệp Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Công ty này còn đang sản xuất hơn 4 loại khẩu trang các nhãn hiệu, được quảng cáo là khẩu trang 3, 4 lớp theo công nghệ Nhật Bản. Tuy nhiên, các mặt hàng đều không có giấy tờ đảm bảo điều kiện sản xuất theo đúng quy định.

Kho xưởng tái chế khẩu trang đã qua sử dụng tại Công ty Cổ phần đầu tư may mặc V-Link, Khu công nghiệp Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: DMS). 

Đây chỉ là một vài trong số rất nhiều vụ việc điển hình, liên quan đến hành vi tái chế và buôn bán các đồ dùng, trang thiết bị y tế kém chất lượng. Dư luận xã hội không khỏi lo lắng khi xuất hiện hàng loạt cơ sở “phù phép” khẩu trang, găng tay y tế đã qua sử dụng. Có thể thấy, đây là hành vi vi phạm pháp luật của một số cá nhân hám lợi. Hành vi này cần bị lên án và xử lý nghiêm minh, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp và khó lường như hiện nay.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ…

Việc xuất hiện không ít các “lò” tái chế khẩu trang, găng tay y tế tiềm ẩn nhiều nguy cơ liên quan đến dịch bệnh và sức khỏe của cộng đồng. Điều gì sẽ xảy ra nếu như người dân mua và sử dụng khẩu trang, găng tay y tế tái chế được bán trôi nổi trên thị trường? Giá thành có thể rẻ hơn nhưng điều đáng lo ngại nhất đó là, các sản phẩm này đều không đảm bảo an toàn. Bởi, theo quy định, găng tay và khẩu trang y tế là các dụng cụ chỉ được dùng 1 lần và bắt buộc phải tiêu hủy sau khi sử dụng.

Việc người dân dùng lại những chiếc khẩu trang hay găng tay y tế được tái chế từ các cơ sở này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho cộng đồng. Để phòng, chống dịch và bảo vệ sức khỏe, khẩu trang y tế là một vật dụng thiết yếu đối với mỗi người. Không phải người dân nào cũng có thể phân biệt đâu là hàng tái chế, hàng kém chất lượng và đâu là hàng thật đảm bảo an toàn… Hơn nữa, trường hợp người dân mua và sử dụng các loại sản phẩm kém chất lượng này có thể làm tăng khả năng lây lan dịch bệnh COVID-19 cũng như mắc phải các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.

Nhiều ý kiến cho rằng, trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, hành vi thu gom, tái chế các loại khẩu trang, găng tay y tế để tiếp tục bán ra thị trường là việc làm đáng lên án. Các cơ sở này không chỉ thể hiện sự gian dối trong hoạt động kinh doanh mà còn trở thành mối nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng, đe dọa đến sự an toàn của xã hội.

Chính vì thế, cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các “lò” tái chế khẩu trang, găng tay y tế kém chất lượng, để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tăng sức răn đe đối với các đối tượng có hành vi vi phạm tương tự. Hơn hết, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, “nói không” với khẩu trang, găng tay y tế tái chế; đồng thời, cảnh giác, kịp thời trình báo cơ quan chức năng khi phát hiện các cơ sở sản xuất và buôn bán có dấu hiệu làm giả, tái chế các sản phẩm y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Làm tốt điều này cũng chính là chúng ta đã góp phần ngăn chặn và giảm thiểu hành vi trục lợi bất chính của một số đối tượng, qua đó, chung tay cùng cả nước nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh./.

 
Ngọc Mai
217 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 751
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 751
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77219316