Ngăn chặn xăng dầu giả: Cần sự chung tay của DN và người tiêu dùng 

(Chinhphu.vn) - Trong bối cảnh thị trường xăng dầu phát triển, mang lại lợi nhuận lớn, gian lận thương mại trong xăng dầu là không thể tránh khỏi. Do vậy, để ngăn chặn tình trạng này cần đến sự nghiêm minh của chính sách và sự quyết liệt của các lực lượng chức năng. Hơn hết, doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng cần chủ động phát hiện, tố giác vì chính lợi ích của mình.

 

Toạ đàm “Xăng dầu giả, thiệt hại thật”. Ảnh: VGP/Phan Trang.

Thông tin được ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) chia sẻ tại Toạ đàm “Xăng dầu giả, thiệt hại thật” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 29/11.

2 năm xử lý hơn 5.000 vụ việc liên quan đến xăng dầu giả

 

Khái quát về toàn cảnh tình hình buôn bán xăng giả, xăng kém chất lượng trên thị trường hiện nay, ông Trần Hữu Linh cho biết, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại với những mặt hàng xăng dầu vẫn diễn biến tương đối phức tạp và thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn và nó gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát trong lĩnh vực xăng dầu.

Từ đầu năm 2018 trở lại đây, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) đã xử lý khoảng 5.000 vụ việc và và xử lý vi phạm hơn 1.000 vụ việc liên quan đến xăng dầu, trong đó tước quyền sử dụng 37 giấy phép kinh doanh, tịch thu 6 cột bơm và 1 cây xăng.

Dẫn chứng, ông Linh cho biết, tháng 10/2017, QLTT đã phát hiện vụ pha chế và tiệu thụ 2 triệu lít xăng giả ở địa bàn Nghệ An. Gần đây nhất, năm 2019, công an tỉnh Đắk Nông đã triệt phá đường dây pha chế xăng giả (đường dây Trịnh Sướng – PV), lấy xăng pha với chất dung môi, hòa chất tạo màu để tạo thành xăng A95 và E5 bán ra thị trường. Vụ việc này được nhận định là “rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, ảnh hưởng đến hiệu suất của động cơ, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao và gây thất thu cho Nhà nước”.

Về hành vi, lãnh đạo Tổng Cục QLTT cho biết, 2 hành vi vi phạm điển hình gồm: Bán xăng dầu ngoài hệ thống và kinh doanh xăng dầu khi giấy chứng nhận bán lẻ xăng dầu đã hết hiệu lực.

Địa bàn gian lận thương mại xăng dầu hiện nay tương đối phổ biến là: một số địa phương khu vực miền Tây Nam bộ, khu vực Trung bộ và một số tỉnh khu vực phía Bắc.

“Qua công tác kiểm tra, có những trường hợp 50% mẫu xăng A95 và 100% mẫu xăng E5 tại một vài cửa hàng đều không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Đó là sơ bộ về bức tranh chung về buôn lậu xăng dầu trong thời gian qua”, ông Trần Hữu Linh nói.

Trong khi đó, ông Linh cũng thừa nhận thực tế “do chưa có nguồn tin tốt, chúng ta chưa ngăn chặn triệt để được việc nhập lậu xăng dầu vào trong nội địa, chưa kể đến việc lĩnh vực xăng dầu do nhiều đơn vị cùng quản lý nên trong quá trình kiểm tra dễ bị trùng lặp”.

Công tác kiểm tra chất lượng xăng dầu cũng có những hạn chế nhất định về cơ sở vật chất, nguồn thông tin cũng như quy chế, cách thức phối hợp nên không kịp thời phát hiện các vi phạm về chất lượng xăng dầu.

“Đôi khi, trong lúc chờ đợi kết quả kiểm nghiệm, xăng dầu vẫn phải lưu thông liên tục. Đến khi phát hiện ra sai phạm về chất lượng thì lúc đó xăng trong bồn đã tiêu thụ hết gây khó khăn trong vấn đề xử lý tang vật. Thực tế này đòi hỏi phải có sự điều chỉnh về mặt chính sách cũng như phối hợp giữa các bên”, ông Trần Hữu Linh nhìn nhận.

Tháng 12/2019 sẽ có Nghị định về xử phạt mới

Hiện nay về cơ sở pháp lý, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2017/NĐ-CP ngày 25/05/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xăng dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí. Nghị định có hiệu lực từ năm 2017.

Tuy nhiên đứng trước tình hình gian lận thương mại xăng dầu khá phổ biến trong thời gian vừa qua, Tổng cục QLTT đã trình Bộ Công Thương, Chính phủ dự thảo nghị định thay thế Nghị định 67/2017/NĐ-CP. Nghị định thay thế này đã được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10/2019.

“Nếu không có gì thay đổi, tháng 12/2019 sẽ có một Nghị định mới quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xăng dầu, khí và gas. Chúng tôi rất kỳ vọng với chính sách mới này. Chế tài mới sẽ đủ sức răn đe để hạn chế các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu trong thời gian sắp tới”, ông Trần Hữu Linh cho hay.

Được biết, Bộ Công Thương đang tiến hành quy trình để đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Đây là Nghị định rất quan trọng của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Về giải pháp, Tổng cục trưởng cho biết, công tác phối hợp giữa các lực lượng cần phải tốt hơn nữa, thực sự hiệu quả từ tuyến biên giới, ngoài biển vào trong đất liền, vào sâu trong thị trường tiêu thụ nội địa. Tăng cường thông tin về quản lý địa bàn, kiểm tra kiểm soát thường xuyên liên tục mới ngăn chặn có hiệu quả vi phạm về chất lượng xăng dầu.

Lực lượng QLTT thường xuyên cùng với Công an, Thanh tra, Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng thực hiện kiểm tra ngay ở địa phương, phân tích giám định mẫu xăng dầu để phát hiện ra xăng dầu giả, kém chất lượng qua nguồn tin báo của người dân.

Đường dây nóng của lực lượng QLTT thường xuyên nhận được những tin báo của người dân phát hiện xăng kém chất lượng khi đi đổ xăng ở các cột xăng trên đường. Đây là giải pháp được ông Trần Hữu Linh đánh giá là “thường xuyên, liên tục, đột xuất mới đủ sức ngăn chặn, răn đe những hành vi gian lận thương mại như vậy”.

“Trong bối cảnh thị trường xăng dầu phát triển, lợi nhuận lớn thì việc gian lận thương mại trong xăng dầu là không thể tránh khỏi. Do vậy, để ngăn chặn tình trạng này, đòi hỏi phải có chính sách, sự quyết liệt của các lực lượng chức năng. Trên hết, doanh nghiệp và người tiêu dùng cần chủ động phát hiện tố giác ngay khi phát hiện xăng dầu kém chất lượng”, ông Trần Hữu Linh chia sẻ.

Ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KH&CN cho biết: 
 
Theo quy định pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa nói chung, công tác đối với kiểm tra kiểm soát chất lượng xăng dầu, Bộ KH&CN là đơn vị chịu trách nhiệm chính kiểm tra về chất lượng trong nhập khẩu. Toàn bộ xăng dầu nhập khẩu chính ngạch phải thông qua kiểm tra nhà nước bởi chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Sau khi đáp ứng được các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thì bắt đầu được phép đưa vào lưu thông thị trường Việt Nam.

Xăng dầu sản xuất trước khi đưa ra thị trường phải được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật mới được đưa ra thị trường.

Đối với xăng dầu lưu thông trên thị trường được thực hiện công tác kiểm tra: Bộ KH&CN ban hành Thông tư 15/2015/TT-BKHCN quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu, trong đó có quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong vấn đề phải đảm bảo chất lượng xăng dầu. Trong suốt quá trình từ nhập khẩu cho đến lúc đưa về các địa điểm thương nhân phân phối, đại lý, tổng đại lý, cửa hàng bán lẻ có quy định quản lý chặt chẽ tất cả các khâu để đảm bảo chất lượng.

Bên cạnh đó cơ quan Nhà nước sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất để phát hiện vi phạm và xử lý. Theo quy định này, hằng năm, ngoài việc thực hiện kiểm tra định kỳ, có kiểm tra đột xuất, kiểm tra chuyên đề.

 

Phan Trang
356 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1044
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1044
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87147363