Vấn nạn sách “lậu”
Từ đầu năm đến nay, các đơn vị thuộc Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện và thu giữ hàng chục nghìn cuốn sách “lậu” và các ấn phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ với giá trị lên đến nhiều tỷ đồng. Mới đây nhất, ngày 16/8, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 28 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp cùng Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ sở in ấn, nhân bản sách tại 2 địa chỉ 52 và 56 tổ dân phố Tân Phong, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm. Cơ sở sản xuất sách lậu mang tên Công ty Sản xuất thương mại và Dịch vụ Huy Dương do Nguyễn Văn Huy làm chủ kinh doanh. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng QLTT đã thu giữ gần 200 đầu sách các loại với gần 10 vạn cuốn sách đã in thành phẩm và hàng trăm chiếc đĩa CD... Cơ sở không xuất trình được bất cứ một loại chứng từ, hóa đơn nào liên quan đến việc in ấn, nhân bản sách.
Cán bộ Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện và xử lý một cơ sở sản xuất sách “lậu”.
Được biết, đây chỉ là một vụ trong rất nhiều vụ việc liên quan đến sách “lậu” đã được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Ngay giữa Hà Nội, sách “lậu” vẫn ngang nhiên hoành hành, được in ấn với số lượng lớn. Điều đáng nói là trong số các sách bị các đối tượng vi phạm tổ chức in trái phép có đầy đủ các chủng loại như sách giáo khoa, giáo trình, từ điển, truyện, tiểu thuyết... Các loại sách này được một số đơn vị tự in, tự xuất bản mà không ghi nhà xuất bản.
Đặc biệt, bắt nhịp với sự phát triển của đời sông và nhu cầu của thị trường, không chỉ sách giấy đối mặt với tình trạng bị in lậu mà sách điện tử cũng liên tục bị vi phạm bản quyền - một dạng sách lậu mới. Với đặc thù thường được quảng cáo, mua bán, đăng tải trên mạng Internet cho nên sách điện tử đang đối diện với việc bị xâm phạm bản quyền, khiến doanh thu và thị phần độc giả giảm sút nghiêm trọng. Do bị in lậu nhiều nên thời gian qua, một số nhà xuất bản đã phải cân nhắc in số lượng ít để không tồn kho. Tuy nhiên, số lượng thấp lại đẩy giá thành các loại sách lên cao, làm ảnh hưởng và gây thiệt hại nhà xuất bản cũng như bạn đọc.
Chung tay dẹp bỏ sách “lậu”
Đến nay, tuy chưa có con số thống kê đầy đủ từ cơ quan chức năng, song theo ước tính từ các cơ sở kinh doanh sách, tình trạng sách “lậu” tràn lan đã gây những thiệt hại lớn cho các đơn vị này. Không dừng lại ở việc gây thiệt hại về kinh tế, uy tín cho các công ty sách, nhà xuất bản, sách “lậu” còn đang tạo ra ảnh hưởng lớn đối với quyền và lợi ích của tác giả, bạn đọc. Sách “lậu” giảm giá, sách thật ế ẩm thì tiền bản quyền cho tác giả cũng giảm theo. Chưa hết, do quá trình in ẩu, chất lượng và nội dung sách không bảo đảm khiến chính tác giả, nhà xuất bản mất uy tín. Về phía bạn đọc, khi bỏ tiền mua sách “lậu” thì họ cũng sở hữu những ấn phẩm kém về hình thức, chất lượng.
Bạn đọc là đối tượng chịu nhiều tác động từ sách “lậu”.
Có thể thấy, sách “lậu” đã trở thành vấn nạn, song các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được giải pháp để ngăn chặn có hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: Chế tài xử phạt còn nhẹ, thiếu tính răn đe; hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật chưa cao; việc phối hợp giữa các đội liên ngành địa phương còn thiếu chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra có thời điểm chưa hiệu quả... Điển hình như đối với chế tài xử lý, hiện nay mức phạt đối với hành vi in “lậu” sách còn tương đối thấp; tiền phạt nếu bị phát hiện chỉ bằng một phần rất nhỏ so với lợi nhuận mà các cơ sở, cá nhân in “lậu” sách thu được. Theo quy định tại Nghị định 159/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí xuất bản, thì hành vi in sách lậu từ 300 bản trở lên có thể bị phạt từ 20 triệu đến 30 triệu đồng. Do đó, nhiều cơ sở vi phạm nộp phạt rồi lại hoạt động với quy mô lớn và thủ đoạn tinh vi hơn.
Ngoài ra, qua khảo sát có thể thấy, phần lớn người đọc hiện nay đều có tâm lý thích mua sách giá rẻ, được chiết khấu cao. Trong khi đó, do in ấn gia công rẻ tiền, không phải trả phí bản quyền cho tác giả, không mất các kinh phí khác trong quá trình in ấn xuất bản như: Giấy phép, tiền dịch, hiệu đính, biên tập viên, nhân viên chế bản, họa sĩ trình bày bìa… cho nên giá sách “lậu” luôn rẻ hơn so với sách bản chính. Bên cạnh đó, người đọc cũng chưa phân biệt được sách thật và sách giả, thích được giảm giá, miễn phí nên luôn có thói quen mua hàng ở vỉa hè, cơ sở nhỏ lẻ hoặc tìm phiên bản sách điện tử lậu trên Internet thay vì đến những cơ sở quy mô lớn. Đây cũng là một nguyên nhân giúp cho sách lậu vẫn còn “đất sống”.
Để ngăn chặn có hiệu quả vấn nạn sách “lậu”, thiết nghĩ cần có sự chung tay của toàn xã hội với vai trò nòng cốt của các cơ quan chức năng. Theo đó, cần nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi chế tài xử lý các vi phạm trong lĩnh vực in ấn, xuất bản theo hướng tăng nặng mức độ, hình thức xử lý các hành vi vi phạm. Các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức của người dân trong đấu tranh đẩy lùi tình trạng sách “lậu”. Các cơ quan chức năng tăng cường việc tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý các cấp; đồng thời, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các đội liên ngành địa phương hoặc giữa đội liên ngành địa phương với các cơ quan, ban, ngành có liên quan...
Đặc biệt, theo các chuyên gia, một nhân tố quyết định sự thành, bại trong việc chống sách “lậu” hiện nay chính là bạn đọc - những người bỏ tiền mua sách. Bởi chỉ khi bạn đọc thực sự ý thức được việc mua và đọc sách thật là hành vi văn hóa và tôn trọng pháp luật, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình thì vấn nạn sách “lậu” mới được giải quyết triệt để./.
Bài, ảnh: Tạ Linh