NGĂN CHẶN TIN GIẢ, TIN SAI SỰ THẬT VỀ TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH COVID-19 

Thời gian vừa qua, cùng với dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp thì tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật về dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng gia tăng. Việc xuất hiện nhiều thông tin giả, tin sai sự thật với số lượng lớn được phát tán tràn lan trên không gian mạng, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội.

Nội dung các tin giả, tin sai sự thật chủ yếu là tung tin sai sự thật về diễn biến dịch bệnh tại các điểm nóng[1]; xuyên tạc về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Đảng, Chính phủ, cơ quan chức năng và các địa phương, như: Thông tin thất thiệt về hình ảnh được cho là “xác chết của bệnh nhân Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh”; thông tin sai sự thật về đoạn tin nhắn được cho là của Bộ Y tế cung cấp thông tin về một nghiên cứu của Singapore cho rằng, dịch bệnh Covid-19 là do một loại vi khuẩn bị nhiễm phóng xạ gây ra đông máu và làm chết người; thông tin có thể điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và chống đông máu...  Nổi cộm là vụ việc tạo dựng và chia sẻ câu chuyện "bác sĩ Khoa" rút ống thở của người nhà để nhường cho sản phụ…

Theo thống kê của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2020, lực lượng chức năng đã xử lý hơn 1.000 trường hợp vi phạm trên mạng xã hội về đưa tin sai, bịa đặt về tình hình dịch Covid-19 ở nước ta. Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2021, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam đã công bố “dán nhãn” 37 tin giả; cập nhật 38 tin, xử phạt các cá nhân đưa thông tin giả, sai sự thật từ cơ quan báo chí; tổng đài 18008108 hướng dẫn người dân về báo tin giả tiếp nhận 2.395 cuộc gọi đến... Trong đó, các tin giả liên quan dịch bệnh đang là thông tin được cảnh báo và xử phạt hành chính nhiều nhất thời gian gần đây[2].

Tin giả, tin sai sự thật lan đi với tốc độ nhanh chóng do một số người thiếu thông tin, thiếu hiểu biết và thiếu ý thức trách nhiệm đã nhấn các nút “like” (thích), “share” (chia sẻ), làm cho tình hình xã hội thêm phức tạp, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Hệ lụy từ tin giả, tin sai sự thật là vô cùng nghiêm trọng, có thể gây khủng hoảng niềm tin, bất ổn xã hội và làm ảnh hưởng lớn đến nỗ lực chống dịch của cả hệ thống chính trị.

Chúng ta biết rằng, đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư với sự xuất hiện của biến thể Delta đang lây lan nhanh và cực kỳ nguy hiểm. Đất nước đứng trước thử thách lớn lao, cam go và ác liệt, thực hiện cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của Nhân dân. Chỉ trong một thời gian ngắn, biến thể Delta đã làm gia tăng nhanh chóng số lượng ca nhiễm ở hơn 130 quốc gia trên thế giới, là thách thức rất lớn cho thế giới cũng như Việt Nam trong quá trình kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Ở nước ta, biến thể Delta xuất hiện ở 62/63 tỉnh, thành phố, gây tổn hại lớn về sức khỏe và tính mạng của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và mọi mặt của đời sống.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, ngày 29/7/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có Lời kêu gọi (lần thứ hai) gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”. Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế tiếp tục ban hành nhiều nghị quyết, công điện, biện pháp chỉ đạo kịp thời, quyết liệt phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tổng tiến công “toàn lực, thần tốc” để chặn đứng, đẩy lùi sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, nhanh chóng dập dịch, ổn định tình hình và khôi phục sản xuất, kinh doanh[3]; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên triển khai các hoạt động thiết thực, phù hợp để tuyên truyền, vận động Nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch; phân bổ kịp thời mọi nguồn lực ủng hộ tới Quỹ vaccine và tuyến đầu chống dịch…Các cấp, các ngành, các địa phương đã nhiều hành động cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Nổi bật là: Bộ Y tế đã tổng động viên hơn 4.000 cán bộ y tế, giảng viên, sinh viên từ các bệnh viện Trung ương, Sở Y tế các tỉnh, thành phố, trường đại học y, dược trên cả nước “hành quân” đến hỗ trợ ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ngày 04/8/2021, gần 3.000 y, bác sĩ, cán bộ y tế của 22 bệnh viện Trung ương lên đường hỗ trợ lực lượng y tế Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; Tính từ ngày 01/5/2021 - 30/7/2021, số tiền ủng hộ và đăng ký ủng hộ qua hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương lên tới trên 6.854 tỷ đồng. Tất cả đều thể hiện sự đồng lòng, đoàn kết, quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 của toàn hệ thống chính trị và người dân Việt Nam….

Để lan tỏa quyết tâm phòng, chống dịch Covid-19 của cả hệ thống chính trị trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, đồng thời góp phần ngăn chặn tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh Covid-19, trong thời gian tới, cần phải:

Một là, nhận thức rõ về diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới, khu vực và trong nước; đồng lòng, tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế, các cơ quan chức năng và các địa phương. Từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm, chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch của người dân.  

Hai là, tuyên truyền, nâng cao nhận thức toàn xã hội về vai trò quan trọng, lợi ích của vaccine trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay. Động viên Nhân dân tích cực tham gia ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19, sẵn sàng tiêm chủng, góp phần thực hiện thành công chiến lược vaccine, tạo miễn dịch cộng đồng.

Ba là, tiếp tục tuyên truyền vận động Nhân dân đồng lòng thực hiện tốt phương châm phòng, chống dịch của Thủ tướng Chính phủ “5K + vaccine + công nghệ”, để bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và toàn xã hội.

Bốn là, khi tiếp nhận thông tin, phải xem thông tin đó đến từ nguồn nào; cảnh giác, thận trọng nếu nguồn thông tin không rõ ràng; chủ động nhận diện tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh Covid-19 từ đó không nghe theo, không làm theo và không phổ biến, không chia sẻ làm phức tạp thêm tình hình. Đồng thời khi phát hiện tin giả, tin sai sự thật kịp thời cung cấp cho cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Trí Ánh

[1] Như Bắc Giang, Bắc Ninh, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam.

[2] Ngày 14/7/2021, Công an thành phố Cần Thơ và Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Cần Thơ đã xử phạt hai phụ nữ tung tin giả tiểu thương bán bún nhiễm Covid-19 tại chợ Tân An tử vong và dịch lây lan tại khu công nghiệp. Ngày 12/7/2021, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau cũng đã ký quyết định xử phạt hành chính một cá nhân 7,5 triệu đồng vì tung tin bịa đặt việc phong tỏa toàn tỉnh và bệnh nhân dương tính với Covid-19 gây hoang mang trong Nhân dân…Ngày 28/7/2021, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội cũng đã xử phạt vi phạm hành chính cá nhân đăng thông tin sai sự thật trên facebook: “Sáng mai Hà Nội có khoảng 3.000 chốt, mỗi phường có khoảng 10 chốt, đi đâu cũng phải đầy đủ giấy tờ tùy thân và giấy tờ chứng minh đi ra đường có lý do cần thiết. Cả nhà tag và chia sẻ cho nhau biết nhé". Nội dung thông tin này là giả mạo, sai sự thật, gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vi phạm quy định tại Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, ngày 15/7/2013 của Chính phủ quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng…

Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cũng đã ban hành quyết định xử phạt bà V.H.P (nghệ danh Trác Thúy Miêu) về việc cung cấp, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội có nội dung gây hoang mang trong nhân dân về công tác hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh. Việc xử phạt được áp dụng theo điểm d, khoản 1, Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP với mức phạt là 7,5 triệu đồng.

[3]Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Nghị quyết 53/NQ-CP thông qua chủ trương thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký ban hành Quyết định 779/QĐ-TTg thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19. Ngày 07/6/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với các nhà khoa học, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng Covid-19; Thủ tướng yêu cầu phải sản xuất bằng được vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam.

Ngày 06/8/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15, ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV.

1230 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 577
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 577
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77486023