Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy

Phóng viên (PV)Trong thời gian gần đây, văn hóa ứng xử của một bộ phận công chức, người dân, có nhiều vấn đề đáng quan ngại. Nguyên nhân từ đâu và giải pháp cho vấn đề này là gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã tạo ra nhiều cơ hội và điều kiện cho sự phát triển nhiều mặt của đất nước. Song mặt trái của cơ chế thị trường, cùng nhịp sống xã hội sôi động với nhiều áp lực trong cuộc sống thì việc phát sinh những lời nói, hành động thể hiện những sai lệch về lối ứng xử của một bộ phận người Việt cũng xuất hiện và ngày một gia tăng. Bên cạnh đó, các hình thức giao tiếp, kết nối trên phương tiện thông tin, mạng xã hội trong thời kỳ 4.0 hiện nay rất đa dạng, song thiếu kiểm soát đã góp phần ảnh hưởng và lan tràn lối ứng xử nêu trên, gây xáo trộn không nhỏ các chuẩn mực văn hóa trong xã hội.

Theo văn hóa của người Việt Nam thì báo chí chính thống là nơi cung cấp thông tin đáng tin cậy - nơi người dân tìm kiếm, đối chứng để có được chính kiến giúp định hướng suy nghĩ, hành động của bản thân, gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, với sự phát triển quá ồ ạt của mạng xã hội và các phương tiện thông tin thì thời gian gần đây, báo chí chính thống đang bị mạng xã hội lấn át vai trò trong việc giáo dục tư tưởng, định hướng dư luận, hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử, ngăn chặn sự xuống cấp của đạo đức trong gia đình và xã hội.

Xuất phát từ thực tế đó, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, vừa qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức phát động Giải báo chí về chủ đề “Văn hóa ứng xử” với mục đích nâng cao vị trí, vai trò của báo chí chính thống trong môi trường thông tin hiện nay, kiểm soát và đẩy lùi sự lan tràn của những hành vi xuống cấp đạo đức trên mạng xã hội và các phương tiện thông tin không chính thống; giới thiệu và lan tỏa những hành vi văn hóa ứng xử tốt đẹp trong xã hội; góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, con người Việt Nam phù hợp với các chuẩn mực văn minh, hiện đại trong tiến trình hội nhập quốc tế, phát triển đất nước.

 

Hình ảnh đại úy Công an Lê thị Hiền chửi bới nhân viên hàng không
tại sân bay Tân Sơn Nhất "dậy sóng"trong thời gian qua. Ảnh cắt từ clip

PVTheo Thứ trưởng, làm thế nào để Giải báo chí về chủ đề “Văn hóa ứng xử” và Bộ Quy tắc ứng xử của Hà Nội thực sự đi vào cuộc sống, trở thành “kim chỉ nam” cho mỗi hành động của người dân, đặc biệt là cán bộ, công chức?

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Xét trên phương diện vai trò cá nhân, mỗi người đều có trách nhiệm giữ gìn, xây dựng tác phong, chuẩn mực khi tham gia mọi hoạt động trong công tác cũng như trong đời sống xã hội, vươn tới việc hoàn thiện và khẳng định giá trị “Chân, Thiện, Mỹ”. Đối với cán bộ, công chức, viên chức với vị trí là công bộc của dân, là đại diện của Nhà nước, là tầng lớp trí thức trong xã hội thì việc thể hiện hành vi ứng xử thiếu văn hóa ảnh hưởng nghiêm trọng hơn rất nhiều, có thể bị đánh giá là dấu hiệu của sự xuống cấp đạo đức của toàn xã hội, liên quan mật thiết đến hình ảnh của cơ quan nhà nước trong mắt người dân và bạn bè quốc tế.

Có thể thấy yêu cầu nhận thức hành vi ứng xử của từng cán bộ, công chức và mức độ ảnh hưởng tới xã hội là rất quan trọng. Do đó, bên cạnh việc quán triệt về trách nhiệm phát huy vai trò gương mẫu tại cơ quan, công sở, gia đình, cộng đồng, giữ gìn hình ảnh của cơ quan, tổ chức thì việc áp dụng những hình thức kỷ luật nghiêm đối với cán bộ, công chức có hành vi ứng xử thiếu văn hóa và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng là cần thiết để nhân dân tin tưởng vào các giá trị xã hội, vào bộ máy nhà nước, đưa Bộ Quy tắc ứng xử thực sự đi vào đời sống.

PV: Theo Thứ trưởng, chúng ta cần làm gì để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước?

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Văn hóa ứng xử chính là những đặc điểm tính cách của cá nhân được thể hiện qua thái độ, hành vi, cử chỉ, lời nói của từng cá nhân trong giao tiếp xã hội; là hành vi giao tiếp, đối nhân xử thế, sự phản ứng của con người trước sự tác động của người khác với mình trong một tình huống nhất định, trong mối quan hệ giữa con người với nhau... Để ngăn chặn và đẩy lùi những hành vi xuống cấp đạo đức, ứng xử thiếu văn hóa, cần có sự tham gia quyết liệt của hệ thống chính trị và sự vào cuộc tích cực của toàn xã hội, bên cạnh đó việc quan trọng là công tác tuyên truyền. Các hoạt động tuyên truyền phải đa dạng về hình thức, nội dung, xác định và tập trung tác động trực tiếp đến các đối tượng trong xã hội với từng mức độ trách nhiệm khác nhau. Đặc biệt quan trọng là 3 đối tượng tác động nhiều nhất đến việc hình thành nhân cách con người, cụ thể:

Đối với gia đình, phải nêu cao vai trò gương mẫu của ông bà, cha mẹ bằng những việc làm cụ thể trước con cái từ lời nói đến việc làm; chuẩn mực trong cách ứng xử, giao tiếp, giáo dục con cháu về đạo lý, gia phong; những phép tắc trong đối nhân xử thế, thủy chung, tình nghĩa trong quan hệ vợ chồng, hòa thuận, hiếu lễ trong quan hệ anh em, dòng họ.

Đối với nhà trường, phải xây dựng các tiêu chí, nhân cách cho học sinh, đổi mới phương thức giáo dục đạo đức, tránh áp đặt những chuẩn mực đạo đức không phù hợp, thiếu tính thực tiễn, không khả thi; các hình thức giáo dục phải linh hoạt, đa dạng: Kết hợp các bài giảng trên lớp với các hoạt động ngoại khóa, bằng bài học hoặc qua phim ảnh, hướng dẫn đọc, sách, gặp gỡ các cá nhân, điển hình...; các bài giảng, bài học đạo đức phải có chiều sâu nhân văn, có sức lay động, cảm hóa cao, phải sinh động, thiết thực.

Với cộng đồng xã hội, cần phát huy vai trò giáo dục con người trong các môi trường xã hội khác nhau, trong các không gian văn hóa cộng đồng, văn hóa làng (khu dân cư, buôn, bản, phum, sóc…), tạo hiệu ứng lan tỏa về văn hóa ứng xử với các giá trị, chuẩn mực, khuôn mẫu đạo đức chung trong cộng đồng; nâng cao, nhân rộng các hình thức sinh hoạt, rèn luyện tại cộng đồng  để tạo lập những môi trường lành mạnh trong thực hành đạo đức, ứng xử chuẩn mực; đẩy mạnh vai trò, phát huy thế mạnh của các thiết chế văn hóa-xã hội, các sinh hoạt văn hóa làm gia tăng tính cố kết cộng đồng và giáo dục truyền thống, điều chỉnh các hành vi ứng xử của các thành viên trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, trong công tác quản lý nhà nước, thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia rà soát và xây dựng nội dung, hình thức, chương trình tuyên truyền về văn hóa ứng xử; nghiên cứu xây dựng và thực hiện các đợt thi đua về hành vi ứng xử trong từng lĩnh vực phù hợp, hiệu quả./.

K.T (Thực hiện)