Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến vừa có cuộc trao đổi nhanh với phóng viên báo chí về tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2021.
|
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến. (Ảnh: BT) |
Phóng viên (PV): Thưa Thứ trưởng, ông đánh giá như thế nào về nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trong các tháng cuối năm?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Việt Nam có quy mô đàn gia súc, gia cầm hiện nay rất lớn với hơn 8,6 triệu con trâu, bò; 527 triệu con gia cầm; 2,8 triệu con dê cừu, 28,02 triệu con lợn. Từ nay đến cuối năm thường đến mùa dịch bệnh như: cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục,…và có diễn biến phức tạp. Thứ hai, việc giết mổ của chúng ta còn nhỏ lẻ, chăn nuôi cũng chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, chiếm trên 50%; giao thương vào các tháng dịp Tết Nguyên đán, Noel là rất lớn… khi chúng ta khống chế được dịch COVID-19.
Thứ ba , như chúng ta biết, tỷ lệ tiêm vắc - xin trên đàn gia súc, gia cầm tại các tỉnh chưa cao. Mầm bệnh, vi rút ở trong môi trường, đường lây truyền rất phức tạp, độc lực rất cao. Do vậy, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong các tháng cuối năm, và đặc biệt đầu năm 2022 là rất lớn đối với ngành chăn nuôi.
PV: Vậy ngành NN&PTNT đã chuẩn bị những giải pháp như thế nào để vừa phòng chống dịch bệnh vừa đảm bảo được nguồn cung của ngành chăn nuôi, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Để phát triển chăn nuôi phải có lộ trình, có không gian, chiến lược, bước đi cho ngành thú y, để chúng ta có bước chủ động nhất định.
Đối với thú y, nguy cơ dịch bệnh như vậy, từ đầu năm đến nay chúng ta đã phải tiêu hủy 161 nghìn con lợn do dịch tả lợn châu Phi, tiêu hủy 31 nghìn con trâu bò, chủ yếu là bò do viêm da nổi cục và gần nửa triệu con gia cầm. Đặc biệt, gia cầm năm nay xuất hiện H5N6, H5N8, gây bệnh lây sang người. Do vậy, chúng ta cần có bước chủ động về hệ thống thú y.
Trong Luật Thú y, tại Điều 6 nêu rõ, Trung ương có Cục Thú y, tỉnh có Chi cục Thú y, huyện có Trạm thú y,... Tuy nhiên, trong thời gian qua có những địa phương đưa lại trung tâm dịch vụ. Như vậy, thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn, trong khi đây là ngành có chuyên môn sâu, do vậy phải có hệ thống.
Trước tình hình đó, Bộ Chính trị đã có Kết luận 54, Ban Bí thư Trung ương Đảng có Chỉ thị 34, Chính phủ Nghị quyết 42, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 04,… và đặc biệt, Quốc hội khóa XIV có Nghị quyết 100 và Nghị quyết 134 yêu cầu phải hoàn thiện lại hệ thống thú y trong giai đoạn 2021-2030. Với sự nỗ lực của Bộ NN&PTNT và các Bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 414 về phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021-2030. Khi hoàn thiện hệ thống thú y rồi, chúng ta có bộ máy, có đội ngũ để thực thi nhiệm vụ, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho chăn nuôi.
Hệ thống thú y rất quan trọng. Chúng ta biết, riêng bệnh dại, vừa rồi tổng kết năm 2021, từ đầu năm đến nay đã có 42 ca tử vong. Bộ Y tế tổng kết 1 năm phải chi 8 trăm tỷ cho phòng chống bệnh dại, trong khi đó, chúng ta còn chưa kể đến việc phòng chống dịch bệnh cho bò, lợn… Nếu chúng ta không làm tốt công tác thú y thì không có đội ngũ để phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra, tỷ lệ tiêm vắc-xin trên đàn gia súc, gia cầm còn rất thấp, trong khi đó, bệnh của vi rút và một số bệnh mới xuất hiện chỉ có vắc-xin mới đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch bệnh hiệu lực, hiệu quả. Thứ nữa, cần đảm bảo quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, đảm bảo sức khoẻ cho đàn vật nuôi. Chúng ta đã xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh, do vậy, phải củng cố duy trì và phát triển để vừa góp phần đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong nước vừa đảm bảo theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) để truy xuất nguồn gốc và xuất khẩu đi các thị trường.
Ngoài ra, an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh phải được đảm bảo duy trì. Sắp tới đây, mùa rét, với đại gia súc phải tập trung phòng chống rét, cung cấp đầy đủ thức ăn. Đây là các giải pháp để chúng ta đảm bảo phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi trên cạn, đặc biệt từ nay đến cuối năm và Tết Nguyên đán.
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!