Sáng ngày 26/12/2018, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các giải pháp của ngành Ngân hàng góp phần hạn chế tín dụng đen.
Hình ảnh Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội (Ảnh: P.V)
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu trung tâm Hà Nội có các Bộ, ban, ngành: Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội Phụ nữ Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… Chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội là Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú. Ngoài ra, tại điểm cầu của 63 NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố, các sở, ban, ngành liên quan: Công an tỉnh, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường…
Hội nghị được tổ chức nhằm hướng dẫn triển khai Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Thông tư hướng dẫn của NHNN. Bên cạnh đó, đây cũng là diễn đàn để cùng bàn bạc, đưa ra các giải pháp của ngành Ngân hàng nhằm đẩy mạnh hoạt động tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, góp phần hạn chế và đẩy lùi tình trạng tín dụng đen.
Khẳng định vai trò nòng cốt hỗ trợ phát triển nông nghiệp giai đoạn mới
Tại Hội nghị, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) đã hướng dẫn những điểm mới của Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, những điểm mới rất thông thoáng trong Thông tư hướng dẫn số 25/2018/TT-NHNN của NHNN và một số kết quả triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nâng cao đời sống người dân.
Theo đánh giá của Vụ Tín dụng, những điểm mới đột phá bao gồm: Đã sửa đổi đối tượng khách hàng vay vốn cho phù hợp với quy định tại Bộ Luật dân sự 2015; nâng mức cho vay tối đa không có tài sản đảm bảo của một số đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình lên gấp 2 lần mức cho vay tối đa cũ; bổ sung quy định mở rộng đối tượng được vay không có tài sản bảo đảm đầu tư nông nghiệp công nghệ cao và quy định về quản lý dòng tiền cho vay liên kết trong sản xuất nông nghiệp, góp phần hạn chế rủi ro tín dụng và tạo cơ sở pháp lý khuyến khích tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh cho vay. Đồng thời, còn bổ sung quy trình, thủ tục xử lý khoanh nợ và thẩm quyền thực hiện khoanh nợ đối với khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan bất khả kháng, có sự tham gia của chính quyền địa phương trong việc thông báo thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng, xác nhận thiệt hại về vốn vay của khách hàng… cũng như sử dụng nguồn ngân sách địa phương để xử lý khoanh nợ. Bên cạnh đó, đã bổ sung quy định về ân hạn trong cho vay đối với các loại cây trồng lâu năm. Đặc biệt, quy định giảm thủ tục hành chính trong việc cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại có đổi mới với việc Nghị định 116 đã bỏ quy định về việc cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại cho chủ trang trại nhằm giảm thủ tục hành chính. Thay vào đó, chủ trang trại chỉ cần đáp ứng các tiêu chí kinh tế trang trại do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.
Nhận diện tín dụng đen và phòng ngừa hiệu quả
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: P.V)
Nghị định 116 ra đời song hành cùng các giải pháp về tín dụng của ngành Ngân hàng đã đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt nâng cao tiếp cận vốn của người nghèo, người có thu nhập thấp ở khu vực nông thôn, góp phần hạn chế việc người dân tìm đến các nguồn vốn không chính thức khác. Tuy nhiên, thời gian qua, tình hình tín dụng đen vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh khu vực phía Nam và Tây Nguyên, gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế - xã hội. Điều này cho thấy một thực tế là người dân chưa lường hết được tác hại và vẫn đang tìm đến các hình thức cho vay nặng lãi.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Bộ Công an cũng đã cho thấy thực trạng, cách nhận diện tín dụng đen, các khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý, đấu tranh với hoạt động tín dụng đen diễn biến phức tạp thời gian qua và các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động này. Bên cạnh đó, đại diện Trung ương Hội Nông dân cũng trao đổi công tác phối hợp giữa Hội và ngành Ngân hàng trong quá trình thực hiện cho vay qua Hội, công tác tuyên truyền cho các hội viên về chính sách tín dụng của ngành ngân hàng và công tác cảnh báo tác hại của tín dụng đen đến đời sống, an ninh trật tự xã hội. Còn đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thông tin thêm về công tác phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, của chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, đấu tranh ngăn chặn tín dụng đen…
Với những nỗ lực của toàn hệ thống ngân hàng, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thời gian qua đã đạt kết quả đáng khích lệ. Hiện có khoảng 70 tổ chức tín dụng (TCTD), mạng lưới hơn 1.100 Quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Chính sách Xã hội tham gia cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn. Dư nợ đến cuối tháng 11 năm 2018 ước đạt khoảng 1,69 triệu tỷ đồng, tăng 14,5% so với cuối năm 2017 (cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế) với hơn 14 triệu lượt khách hàng còn dư nợ; chiếm tỷ trọng gần 24% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, tới đây, cần phải tăng cường truyền thông cho người dân, doanh nghiệp về hoạt động tín dụng ngân hàng và các sản phẩm, dịch vụ tài chính nhằm nâng cao kiến thức và khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng qua các chương trình giáo dục tài chính như: Tiền khéo tiền khôn, Ví tiền của bạn… Ngành Ngân hàng sẵn sàng vào cuộc và phối hợp tích cực với các cơ quan, bộ, ngành, chính quyền địa phương để ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen trong phạm vi, quyền hạn của NHNN. Phó Thống đốc cũng kỳ vọng rằng, với những giải pháp mở rộng tín dụng của ngành Ngân hàng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị sẽ giúp người dân hiểu, nhận diện và dần bài trừ nạn tín dụng đen./.
HA.NV