Ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia.
Ảnh: H.T
Phóng viên (PV): Ông đánh giá như thế nào về kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2017?
Ông Đàm Thanh Thế: Năm 2017, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, ngay từ đầu năm, Văn phòng thường trực đã tham mưu, đôn đốc bộ phận thường trực Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đến nay, tính đến thời điểm cuối tháng 12, toàn bộ các bộ, ngành, địa phương đã triển khai kế hoạch nghiêm túc, góp phần đưa kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt được những chỉ tiêu đề ra.
Về số vụ vi phạm, hết tháng 10/2017, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện trên 200.000 vụ, cao hơn so với năm 2016. Trong đó, tình trạng buôn lậu trên các tuyến biên giới từng bước được kiềm chế, giảm xuống rõ rệt, đặc biệt là khu vực biên giới phía Bắc.
Văn phòng Thường trực thường xuyên nắm bắt tình hình địa bàn thông qua các buổi tọa đàm với các tỉnh trọng điểm biên giới phía Bắc. Có thể thấy rằng, thời điểm đầu năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại qua các tuyến biên giới còn diễn biến phức tạp. Do vậy, Văn phòng thường trực phối hợp với Tổng cục Hải quan xây dựng Kế hoạch số 243/KH-VPTT ngày 28/6/2017, cùng phối hợp với lực lượng chức năng tại các tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai... tăng cường công tác nắm tình hình, nhận diện đối tượng, tổ chức phối hợp đấu tranh.
Có thể nói, sau hơn 4 tháng triển khai, nhiều mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch đã đạt được yêu cầu như: Tuyên truyền, vận động người dân không tham gia tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu; ngăn chặn, xử lý các đối tượng buôn bán, vận chuyển hàng hóa trái phép qua đường mòn, lối mở, đặc biệt đề cao trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong công tác này, trong đó có các lực lượng biên phòng, hải quan…; qua đó, lập lại trật tự trong hoạt động buôn bán hàng hóa của các tổ chức, cá nhân tại các khu vực biên giới, tăng thu cho ngân sách nhà nước.
PV: Dịp cuối năm, tình trạng buôn lậu gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái thường gia tăng. Vậy Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã có kế hoạch gì để ngăn chặn tình trạng này, đặc biệt với các mặt hàng trọng điểm như thuốc lá, pháo…?
Ông Đàm Thanh Thế: Hiện Văn phòng thường trực đã tham mưu cho Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia 389 ký ban hành Kế hoạch cao điểm chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, buôn lậu trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2018. Chúng tôi xác định cần đấu tranh và ngăn chặn tình trạng buôn bán qua đường biên, đường mòn, lối mở biên giới, trong đó có những mặt hàng cần ngăn chặn như pháo nổ và hàng hóa gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, để tham mưu cho Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia kịp thời chỉ đạo tới lực lượng chức năng đấu tranh, ngăn chặn, chống gian lận thương mại và hàng giả nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Đặc biệt với mặt hàng pháo nổ, thực tế cho thấy vẫn diễn biến rất phức tạp. Pháo nổ theo quy định là hàng cấm cần tập trung xử lý nhưng các đối tượng lợi dụng cơ chế, chính sách để vận chuyển, mua bán bất hợp pháp mặt hàng pháo hoa. Quá trình xử lý còn nhiều ý kiến trái chiều. Hiện Văn phòng thường trực đang tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia hướng dẫn xử lý, cũng như đấu tranh, ngăn chặn để hạn chế tối đa tình trạng pháo nổ diễn ra phức tạp ở nội địa trong dịp Tết này.
Đối với mặt hàng thuốc lá, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá.
Trên cơ sở Chỉ thị 30, khi xây dựng Nghị quyết số 41/NQ-CP về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, Chính phủ cũng xác định, thuốc lá là mặt hàng cần phải quan tâm tập trung đấu tranh, ngăn chặn không để thuốc lá thẩm lậu từ nước ngoài vào nội địa.
Sau gần 3 năm triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các lực lượng chức năng đã tập trung nắm tình hình, xây dựng nhiều phương án tổ chức đấu tranh, ngăn chặn thuốc lá lậu và xác định 6 địa bàn trọng điểm.
Vừa qua, đồng chí Đinh Tiến Dũng - Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Ban Chỉ đạo 389 đã ký công điện tăng cường đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá. Chúng tôi cho rằng, đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá điếu sẽ có hiệu quả cao khi chúng ta "mạnh tay" với những đối tượng buôn lậu qua biên giới thuốc lá điếu. Năm 2018, Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực thì công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá sẽ có hiệu quả cao hơn.
PV: Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phối hợp như thế nào với cơ quan chức năng để tăng cường công tác chống buôn lậu dịp cuối năm này, thưa ông?
Ông Đàm Thanh Thế: Hiện chúng tôi đã nghiêm túc triển khai chỉ đạo của Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về việc hướng dẫn tổng kết công tác năm, đến công tác thi đua khen thưởng, tổ chức các đoàn Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch chuyên đề.
Bên cạnh đó, Văn phòng thường trực cũng chỉ đạo các chuyên viên tiếp tục tăng cường bám sát địa bàn, hướng dẫn cẩn thận, chu đáo, đầy đủ cho các cơ quan thường trực tại 63 tỉnh, thành; từ đó tổng hợp, báo cáo lại với Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nhằm đạt yêu cầu đề ra là ngăn chặn tình trạng buôn lậu gian lận xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc lá, pháo....;đảm bảo hàng hóa tốt cho người tiêu dùng, tránh đồ ăn thức uống kém chất lượng. Đó là những mục tiêu đảm bảo an toàn, ổn định cho thị trường và người dân.
PV: Xin cảm ơn ông!
Minh Phương