Nêu thực trạng 'trên nóng, dưới lạnh', đại biểu Quốc hội phê bình địa phương 

(Chinhphu.vn) - Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, điều dễ nhận ra trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ của Chính phủ lần này đó là tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Trong khi Chính phủ trách nhiệm và quyết liệt thì bộ máy hành pháp bên dưới ở một số nơi còn thờ ơ và không làm tròn nhiệm vụ.

Trên nóng, dưới lạnh

Phát biểu tham luận về KT-XH tại nghị trường ngày 31/10, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, điểm nổi bật nhất, căn bản nhất đó là cả 13 chỉ tiêu trong nghị quyết của Quốc hội đều dự kiến đạt và vượt.

Theo đại biểu, đây là điều rất đáng ghi nhận, thể hiện sự quyết tâm, sự cố gắng rất lớn trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ.

"Dự kiến kết quả đạt được là niềm vui cho cả nước, góp phần củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi cho toàn xã hội như báo cáo thẩm tra đã nêu. Ai cũng có thể nhận thấy để có được kết quả đó là do tinh thần trách nhiệm, sự quyết liệt, sâu sát và nhanh nhạy của tập thể Chính phủ và cá nhân Thủ tướng Chính phủ", đại biểu nói.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm rất lớn, rất căn bản như trên, đại biểu cho rằng còn nhiều hạn chế, nhược điểm của bộ máy hành chính nhà nước. Và điều dễ nhận ra trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ của Chính phủ lần này đó là tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

"Trong khi Chính phủ trách nhiệm và quyết liệt thì bộ máy hành pháp bên dưới ở một số nơi còn thờ ơ và không làm tròn nhiệm vụ", đại biểu phê phán.

Thuốc lá lậu vận chuyển, bày bán công khai

Đại biểu dẫn chứng cho nhận định “trên nóng, dưới lạnh” là tình trạng buôn lậu đã và đang rất sôi động trên đất liền cũng như trên biển.

Ông khẳng định, thiệt hại mà buôn lậu mang lại cho nền kinh tế là rất lớn, nhưng không có một cơ quan có trách nhiệm nào đưa ra con số thống kê, để từ đó đưa ra giải pháp hữu hiệu.

Theo ông, nói đến nạn buôn lậu thì phải nói đến buôn lậu thuốc lá và cho biết cá nhân đại biểu đã tự đi thực tế để mục sở thị tình trạng này ở một số tỉnh phía Nam.

“Qua chuyến đi thực tế, tôi nhận thấy, thứ nhất, vận chuyển thuốc lá lậu khá công khai vào những thời điểm nhất định trong ngày như ở Châu Đốc, xe máy chở thuốc lá lậu chở thành từng tốp, từ 1 - 4 giờ sáng.

Sáng hôm sau, sau khi đi khảo sát ở chợ Châu Đốc, anh em nói với tôi phải qua Long An trước 13 giờ.

Chúng tôi đã phải trì hoãn ăn trưa để 12h30 có mặt ở đoạn đường Quốc lộ 62, cách cửa khẩu Bình Hiệp khoảng vài trăm mét đến thị trấn Kiến Tường, đoạn đường này chỉ khoảng 3 km.

Tại sao phải đến địa điểm đó vào thời điểm trên? Theo tiết lộ, đó là khung giờ mà bọn buôn lậu đã mua được. Quả nhiên, sau khi đến đó được vài phút, xe máy chở buôn lậu chạy rầm rầm, chạy qua với tốc độ kinh hoàng dù phát hiện thấy chúng tôi chụp ảnh và quay phim” – đại biểu cho biết.

Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, thuốc lậu bán công khai ở khắp mọi nơi, ở các chợ như chợ Châu Đốc (An Giang), chợ Kiến Tường ở thị trấn Kiến Tường, chợ Tuyên Đốc ở thị trấn Thạnh Hóa (Long An), cho đến chợ Học Lạc nối tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh. Có trưng bày hay không trưng bày, nhưng muốn mua thuốc lá gì cũng có.

 

“Đây là toàn bộ số thuốc lá mà tôi đã mua được trong chuyến đi thực tế tại các tỉnh phía Nam” - đại biểu giơ túi thuốc lậu ông mua được và bày tỏ: “Trong gần 3 ngày đi thực tế, tôi chỉ mong một lần gặp được các lực lượng chức năng đi kiểm tra, kiểm soát, nhưng tuyệt nhiên không gặp bất cứ lực lượng nào”.

Ông nói, “tôi không phủ nhận kết quả cũng như những cố gắng mà lực lượng chống buôn lậu trong thời gian qua, nhưng tôi muốn nói lên một thực tế của chuyến đi rằng, nếu như không tăng cường và chống tiêu cực thì buôn lậu còn gia tăng, nhất là trong những dịp từ bây giờ đến Tết Âm lịch”.

Theo đại biểu, bên cạnh việc tăng cường công tác chống buôn lậu thì những giải pháp khác cũng cần phải xem xét một cách kỹ lưỡng.

“Chúng ta cứ đề nghị tăng thuế vì cho rằng thuốc lá của Việt Nam rẻ. Việc tăng thuế theo lộ trình tôi cho là cần thiết, nhưng hiện tại thuốc lá sản xuất trong nước, loại rẻ nhất cũng khoảng 10.000đ/1 bao, trong khi đó thuốc lá lậu nhiều loại mà tôi mua ở trong túi này có 4.000đ. Vậy việc tăng thuốc lá nhằm tăng giá trị thuốc lá vô tình lại kích cầu cho buôn lậu và trong khi công tác chống buôn lậu chưa mang lại nhiều kết quả”, đại biểu nhìn nhận.

Về đề nghị tiêu thụ trong nước và tái suất thuốc lá lậu, đại biểu nhận định “không biết việc bán tiêu thụ trong nước thu về cho ngân sách được bao nhiêu, nhưng cơ hội để hợp pháp hóa thuốc lá lậu mang lại tác hại vô cùng to lớn. Còn tái xuất thì có khi chưa đến biên giới đã quay trở lại Việt Nam, bởi vì rất nhiều loại thuốc lá chỉ sản xuất để thẩm lậu vào thị trường và tiêu thụ ở thị trường Việt Nam” và đề nghị Chính phủ hãy sáng suốt khi quyết định những giải pháp nói trên.

Chính quyền sở tại, kiểm lâm “tiếp tay” cho lâm tặc

Về tình trạng phá rừng, đại biểu cho rằng, đây cũng là một minh chứng cho tình trạng trên nóng, dưới lạnh.

Ông cho biết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên nhưng rừng thì vẫn không được đóng. Những vụ phá rừng lớn nhất vừa qua ở một số địa phương nói lên thực trạng vô hiệu hóa các quyết định của Chính phủ.

“Vừa rồi tôi được tiếp xúc với một chủ doanh nghiệp trồng rừng, nghe anh ta nói mới biết để trồng rừng và giữ được rừng khó khăn đến nhường nào và nếu như không yêu rừng thì không thể làm được.

Với kinh nghiệm thực tế của chủ doanh nghiệp đó thì nếu như không có tiếp tay của chính quyền sở tại và kiểm lâm thì lâm tặc không thể phá rừng ghê gớm đến như vậy.

Một cây to có đường kính 1m phải 70 năm đến 100 năm mới có được, nhưng với lâm tặc chỉ 16 phút là xong. Một trạm kiểm lâm mỗi một đêm có độ khoảng 80 - 100 xe máy đi qua, mỗi xe chở khoảng 4 khúc gỗ và phải nộp cho kiểm lâm khoảng 300.000 - 400.000 đồng tiêu cực thì số lợi thu tiền bất chính không nhỏ và cứ như vậy thì bao lâu nữa còn đâu là rừng”, đại biểu nêu thực tế.

Cuối cùng, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương kết thúc bài phát biểu bằng một nhận định buồn lòng và một câu hỏi dường như mang tính khẳng định và yêu cầu xử lý trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cơ sở: “Có một điều chính quyền chủ động phá rừng mới thật ghê gớm, nhiều địa phương cứ lập dự án trồng rừng, để phá rừng với lý do tận thu.

Xin thưa nếu cứ đến khi có cảnh phá rừng tan hoang và lãnh đạo địa phương mới đến kiểm tra, xem xét, cho ý kiến chỉ đạo mà không chịu bất cứ hình thức kỷ luật nào thì không biết liệu cho đến bao giờ lệnh đóng cửa rừng của Thủ tướng mới trở thành hiện thực?”.

Đúng là nóng, phức tạp, nhưng việc xử lý "đã ấm dần lên"

Làm rõ vấn đề mà đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đã nêu, đại biểu Quốc hội Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng, vấn đề chống buôn lậu là đặc điểm chung của các tỉnh biên giới, tỉnh An Giang luôn xác định đây là một trong những nội dung quan trọng trong điều hành. Tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt và tổ chức phối hợp thường xuyên các lực lượng công an, hải quan, biên phòng và lực lượng quản lý thị trường thông qua nhiều mô hình thích ứng, phản ứng nhanh.

Tuy nhiên, do biên giới tỉnh An Giang tiếp giáp Campuchia dài 100km và hiện nay đang là mùa nước nổi nên nước tràn ngập các cánh đồng biên giới, làm phạm vi kiểm soát mở rộng hơn. Bên cạnh, đối tượng buôn lậu rất liều lĩnh, tinh vi và thủ đoạn, nhưng với quyết tâm không ngừng của các lực lượng nên đã nỗ lực kiểm tra, kiểm soát ngày đêm, không nề đến tính mạng và gian khổ nên đã tạo được sự chuyển biến rõ nét, năm sau kết quả cao hơn năm trước.

Đại biểu cho biết, qua số liệu 10 tháng năm 2017, số lượng vi phạm đã giảm 30%, giá trị hàng hóa bắt giữ tang vật tăng 44,5% so với cùng kỳ. Tang vật bị khởi tố trên 9 tỷ đồng, tăng 83,6% so với cùng kỳ. Thu gom, tiêu hủy thuốc lá là 783.707 gói thuốc lá. Thường trực Ủy ban Tỉnh cũng đã thường xuyên cùng các lực lượng đôn đốc, chỉ đạo để có giải pháp ứng xử kịp thời.

 

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung.

Trao đổi thêm về vấn đề này, theo đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung (Long An), "tình hình buôn lậu ở biên giới đặc biệt là buôn lậu thuốc lá ở Long An đúng là có nóng, diễn ra phức tạp nhưng dưới sự quan tâm, chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương, sự quyết tâm chỉ đạo của lãnh đạo địa phương cũng như có nhiều giải pháp thì vấn đề này tuy nóng nhưng đến thời điểm này đã được xử lý và đã ấm dần lên".

Đại biểu cho biết, trong năm 2016, tại Long An đã có 16.696 lượt kiểm tra và xử lý 3.929 trường hợp, trong 6 tháng đầu năm 2017 đã có hơn 12.000 lượt kiểm tra. Chỉ trong 6 tháng đã tiến hành kiểm tra, xử lý gần bằng số lượng năm 2016 và đã xử lý 2.125 vụ, giảm hơn 50% so với năm 2016. Đây là minh chứng cho sự quyết liệt, trách nhiệm của cán bộ có trách nhiệm như cán bộ quản lý thị trường, kết hợp với biên phòng và người dân. Vừa qua Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An cũng đã tổ chức giám sát tình hình buôn lậu qua biên giới tại đường biên giới Đức Huệ, Long An và đã có sự tham gia của các huyện biên giới như Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Kiến Tường và những huyện trung chuyển như Đức Hòa, Trưởng Ban chỉ đạo 389 Trung ương, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng đã tham gia giám sát.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, công tác chống buôn lậu của tỉnh Long An vô cùng gian nan, phức tạp, khi Long An có gần 130 km đường biên giới tiếp giáp với Campuchia với nhiều đường ngang, ngõ tắt, đường mòn, lối ngỏ, có những đoạn đường là những cánh đồng bưng rộng lớn liền lạc và những cánh rừng bạt ngàn liên tục. Lực lượng quản lý, kiểm soát người và phương tiện qua biên giới cũng có lúc không đủ để đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, đối tượng buôn lậu thuốc lá không những vận chuyển bằng phương tiện là xe gắn máy mà sử dụng cả phương tiện là ô tô vận chuyển với số lượng lớn và khi kiểm tra phát hiện, chỉ có thể tịch thu thuốc lá cũng như tạm giữ xe để xử lý hành chính. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình buôn lậu thuốc lá còn nóng như hiện nay.

Đại biểu Cương đã đưa ra dẫn chứng sinh động

Tranh luận thêm về vấn đề buôn lậu thuốc lá, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng: “Đại biểu Cương đã đưa ra những dẫn chứng hết sức sinh động. Hình ảnh cầm túi thuốc lá đưa lên, trưa nay báo chí đưa khắp nơi là bằng chứng thật và rất khách quan”.

 

Theo ông, “tranh luận giải trình của các đại biểu ở hai tỉnh kia là hay, nhưng chúng tôi cần một câu tiếp thu và xin xem xét lại, tổ chức lại việc này cho tốt. Vì chúng tôi và cử tri tin đại biểu Cương không nói thêm.

 

Theo ý tôi, chống buôn lậu thuốc lá không phải trọng tâm ở chốt chặn, đuổi bắt mà nên tập trung ở khâu phạt ở người bán thì sẽ hiệu quả và đỡ vất vả hơn”.

401 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 574
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 574
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87238395