Nêu gương – phương thức đặc biệt cần phải thực hiện 

Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII “về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới” đã xác định rõ, một trong những nhiệm vụ, giải pháp được đề ra là: Phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Để lãnh đạo công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu và đạt được các mục tiêu đề ra, Đảng phải xác định phương thức lãnh đạo phù hợp. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đã trở thành vấn đề trọng tâm, nhiệm vụ trọng yếu và cấp bách. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đã trở thành một nhân tố đặc biệt quan trọng quyết định thắng lợi công cuộc đổi mới. 

 Có thể khẳng định, Đảng lãnh đạo bằng tấm gương của đội ngũ đảng viên là sự lãnh đạo bền vững nhất, thuyết phục nhất trong suốt quá trình ra đời đến nay, đặc biệt là những tấm gương hy sinh của đảng viên trong cách mạng giải phóng dân tộc. Ngày nay khi Đảng cầm quyền, tấm gương liêm khiết, tận tụy phục vụ nhân dân của các tổ chức đảng, đảng viên, nhất là trong các cơ quan nhà nước vẫn là yếu tố có sức thuyết phục cao nhất tạo nên uy tín của Đảng. Vì vậy, tổ chức đảng, đảng viên vừa phải gương mẫu tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, vừa phải nêu cao vai trò tiên phong trong thực hiện chủ trương, đường lối, các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Như vậy, khi tiến hành phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị cần phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ đảng viên, chú trọng phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, trọng dân, gần dân, hiểu dân, vì dân, bám sát thực tiễn, cầu thị, học hỏi, nói đi đôi với làm của cán bộ, đảng viên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta đã từng căn dăn: “Muốn người ta theo, mình phải làm gương trước”. Người khẳng định rằng: Đối với các dân tộc phương Đông thì “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, “Lấy gương người tốt việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.

Nhấn mạnh vai trò của phương thức lãnh đạo thông qua việc nêu gương, Bác lưu ý: “Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”. Người dạy: “Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành. Kháng chiến, kiến quốc, ta phải cần kiệm. Nhưng tự mình phải cần và kiệm trước đã. Trước hết, mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân. Làm gương về cả ba mặt: Tinh thần, vật chất và văn hóa. Không có gì là khó. Khó như cách mạng mà ta đã làm được và đã thành công. Muốn làm được, ta phải: Quyết tâm, trí tâm và đồng tâm. Ta nhớ ba chữ ấy, thực hành làm gương nêu ba chữ ấy lên, tất cả các đồng chí phải thành công”.

Để thực hiện theo tấm gương đạo đức, cũng như tác phong làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII đã tách nội dung nêu gương thành một phương thức cần phải thực hiện. Đặc biệt, Đảng ta yêu cầu những người lãnh đạo cấp cao phải nêu tấm gương về đạo đức, lối sống lành mạnh, phải là những chiến sĩ đi đầu trong việc đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, xa hoa, lãng phí, không chỉ trong xã hội mà cả trong khu phố, gia đình riêng, đặc biệt là vấn đề "nói đi đôi với làm".

Thực tế thời gian qua cho thấy, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, căn bệnh "nói nhiều làm ít, nói hay làm dở" vẫn tồn tại đã ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của nhân dân, làm tích tụ trong họ những bất mãn, hoài nghi không đáng có đối với sự lãnh đạo của Đảng. Theo báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương, từ năm 2016 – 2020 có 25.104 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bị xử lý kỷ luật. Trong đó, đảng viên suy thoái về đạo đức lối sống là 60%; đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị là 33%; đảng viên có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là 6,9%. Tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực sáng 30/6/2022, theo Báo cáo của Ban Nội chính Trung ương, trong 10 năm qua, có hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có 33 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng (đầu năm 2021) đến nay, 50 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có 8 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng. chính sựu suy thoái của một bộ phận cán bộ đảng viên đã làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của Đảng và niềm tin của nhân dân.

Để khắc phục và đẩy lùi căn bệnh này, Ðảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về vấn đề nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên như Quy định số 47-QÐ/TW, ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 101-QÐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư khóa XI về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QÐ/TW, 19/12/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Hội nghị Trung ương 8 khóa XII ban hành Quy định số 08-QÐi/TW, 25/10/2018 về "Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng". Quy định 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 về những điều đảng viên không được làm…

Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII về đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới đã xác định cần phải có những biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt trong đó nội dung đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng bằng hành động nêu gương theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Để đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng như nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII về phương thức lãnh đạo thông qua hành động “nêu gương” vào thực tế, trước hết, cần phải thực hiện tốt việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong đó, cần chú trọng đến các chỉ thị, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là các quy định vế vấn đề nêu gương, nhất là Quy định 08-QĐ/TW gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị và Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/05/2021 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Kết luận 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; Quy định số 37-QĐ/TW; Quy định 69-QĐ/TW, ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII,về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm…

Đồng thời, thực hiện nghiêm, chặt chẽ trong công tác cán bộ. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, mọi công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ. Trong thực tiễn cách mạng Việt Nam, việc bố trí, sắp xếp cán bộ có ý nghĩa rất quan trọng, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần có trách nhiệm cao trong việc đánh giá, bố trí đúng cán bộ, phù hợp với năng lực, sở trường. Vấn đề nêu gương, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên là phụ thuộc vào tinh thần tự giác, chứ không phải gượng ép, bắt buộc. Vì vậy, trong công tác cán bộ cần tuân theo một quy trình thống nhất giữa các khâu, từ phát hiện, tuyển chọn, đào tạo đến bố trí, sử dụng theo những tiêu chí cụ thể, rõ ràng đối với mỗi cơ quan, đơn vị để lựa chọn, phát hiện được những cán bộ đủ đức, đủ tài, “vừa hồng, vừa chuyên”, ngang tầm nhiệm vụ.

Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; có hình thức khen thưởng và xử lý nghiêm các vi phạm trong vấn đề nêu gương. Trong những năm qua, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được tăng cường, có nhiều đổi mới, đạt nhiều kết quả quan trọng. Do đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với mọi cơ quan, đơn vị, tổ chức và mọi cán bộ, đảng viên phải thực hiện nghiêm những nội dung đã nêu trong các quy định về vấn đề nêu gương.

Bên cạnh đó, cần tập trung kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tiêu cực; nơi người dân có nhiều bức xúc, dư luận quan tâm; nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp, coi trọng giám sát chuyên đề; tăng cường sự phối hợp giám sát của Đảng với giám sát của Nhà nước và của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để phát huy sức mạnh tổng hợp và nâng cao hiệu lực giám sát, tránh chồng chéo, trùng lặp… sẽ góp phần cho mỗi cán bộ, đảng viên thường xuyên, tự giác trong vấn đề nêu gương. Mặt khác, cần có hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời các cơ quan, tổ chức, đơn vị và những cán bộ, đảng viên luôn tự giác, thường xuyên thực hiện vấn đề nêu gương. Đồng thời, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân vi phạm các quy định về nêu gương để răn đe, phòng ngừa.

Một vấn đề cực kỳ quan trọng đó là, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, lãnh đạo quản lý, người đứng đầu cần phải tự soi, tự sửa, “nói đi đôi với làm” về đạo đức, phong cách, tác phong, hành động để có được hình ảnh chuẩn mực trong mắt người dân là yêu cầu trước hết, nhất là đối với người cán bộ cấp cao. Do vậy, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải tích cực học tập; phải luôn có ý thức trau dồi đạo đức cách mạng, thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.  Mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự mẫu mực về đạo đức, lối sống, thẳng thắn, chân thành để nhân dân học tập và làm theo. Mỗi cán bộ đảng viên phải biết tự rèn luyện, trau dồi đạo đức phẩm chất của người cộng sản, chống chủ nghĩa cá nhân, không cậy quyền ỷ thế, tham lam, tham nhũng; biết giữ mình trong sạch để không bị sa ngã. Đảng viên nêu gương là phải tự giác. Tự giác học tập. Tự giác thực hành. Rèn tính tự giác thông qua quá trình phấn đấu hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao một cách tốt nhất, vô tư nhất. Phải xác định việc tự giác nêu gương sáng của mình là để gia đình, người thân và quần chúng noi theo.

Các Mác đã từng nhấn mạnh: “Một lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng một lực lượng vật chất, song, lý luận cũng trở thành một lực lượng vật chất khi nó xâm nhập vào trong quần chúng”. Vì vậy, khi vấn đề nêu gương trở thành việc làm thường xuyên, tự giác và là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên thì nó có tác dụng rất lớn trong việc tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, nó trở thành sức mạnh vật chất mà không một kẻ thù nào có thể phá nổi.Tin tưởng rằng với truyền thống 92 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng ta sẽ tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta, dân tộc ta thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành một nước phát triển có thu nhập cao như mục tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra, đưa đất nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./. Hải Đăng

754 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 983
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 983
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86997784