Nếu giá xăng dầu tăng cao, sẽ tiếp tục dùng công cụ thuế, phí 

(Chinhphu.vn) – Đây là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khi trả lời đại biểu Quốc hội về công tác bình ổn giá xăng dầu tại phiên chất vấn-trả lời chất vấn của UBTVQH sáng 16/3.
 
Phiên chất vấn UBTVQH bắt đầu với vấn đề giá xăng dầu

Toàn cảnh phiên chất vấn

Trước tình trạng thiếu hụt xăng dầu hiện nay, ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Bình Định) đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương có giải pháp căn cơ nào để giải quyết tình trạng nguồn cung xăng dầu thiếu hụt, khiến các doanh nghiệp bị lỗ, nhiều cửa hàng treo biển hết xăng chờ tăng giá.

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, giá xăng dầu thế giới tăng đột biến vì đứt gãy nguồn cung tại một số nước có sản lượng lớn, tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine... Thị trường xăng dầu thế giới tăng với biên độ 40-60%. Cùng với đó, nguồn cung trong nước gặp khó khăn do Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, cung ứng 35% số xăng dầu cả nước, giảm công suất. "Ba tháng qua, Nhà máy này chỉ sản xuất được tối đa 80% công suất", Bộ trưởng nói.

Cùng với các giải pháp bình ổn thị trường trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu thực tế, tính tới giữa tháng 2 vừa qua, nguồn cung xăng dầu trong nước đủ đáp ứng tới hết tháng 3. Cụ thể, tháng 2, tổng nguồn cung trong nước có khoảng 3 triệu m3, trong đó nguồn tồn dư là khoảng 1,2 triệu m3. "Nguồn cung không lúc nào thiếu", Bộ trưởng cho biết. Thậm chí, Bộ Công Thương "có kế hoạch, phân giao các doanh nghiệp tăng nhập khẩu lên gấp đôi sản lượng bình thường, 1 triệu m3 trở lên".

Về hoạt động thanh, kiểm tra, Bộ trưởng nêu rõ công tác kiểm tra ở các địa phương, với sự kết hợp của Tổng cục Quản lý thị trường và Sở Công Thương các địa phương đạt được nhiều kết quả. Đến thời điểm này, toàn thị trường có 17.000 cửa hàng bán lẻ, trong đó lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 16.800 cửa hàng. Cơ quan quản lý đã xử lý các cửa hàng bán lẻ vi phạm, chỉ chiếm rất ít với 211 cửa hàng. Cũng theo Bộ trưởng, có nhiều lý do dẫn đến việc nhiều cửa hàng dừng bán, có cửa hàng đóng cửa sửa chữa, có cửa hàng đã báo cáo việc dừng bán, nhưng cũng có những cây xăng cố tính "găm hàng", chờ nâng giá. "Việc cửa hàng đóng cửa, treo biển không có nguồn cung là có thực, dù chỉ là số ít, do họ nhận xăng dầu từ Nghi Sơn nhưng việc giảm công suất khiến nguồn cung bị thiếu hụt", Bộ trưởng nói.

Phân tích vấn đề ở góc độ khác, ĐBQH Trần Văn Sáu (Đồng Tháp) nêu thực tế giá xăng dầu cơ sở trên thị trường thế giới ở kỳ điều hành giá gần đây có biến động khá lớn so với thời điểm đầu năm 2022 (từ từ 44-60,02%) nên cùng với biến động này, giá tại thị trường trong nước cũng tăng từ 24,91-39,56%. Quá trình điều hành xăng dầu như vậy có gì mâu thuẫn? Thiệt hại này do ai gánh chịu?

Trả lời về nguyên nhân giá xăng dầu trong nước có biên độ biến động thấp hơn so với giá cơ sở trên thị trường thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong thời gian qua, Bộ Công Thương cùng với Bộ Tài chính đã sử dụng linh hoạt Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Khẳng định "nếu không trích từ Quỹ này từ 500-1.500 đồng/lít trong một kỳ điều hành thì giá xăng dầu không thể thấp hơn giá thế giới", Bộ trưởng lý giải, vì "thị trường trong nước và thị trường thế giới như bình thông nhau, để giảm biên độ biến động giá xăng dầu thời gian qua là nhờ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu".

Cũng theo Bộ trưởng, trong bối cảnh thực hiện nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, thì việc duy trì Quỹ Bình ổn xăng dầu là vô cùng quan trọng, nhưng quỹ này có hạn,  trong khi đó có doanh nghiệp nhập khẩu âm quỹ này rất lớn. "Khi âm quỹ thì phải chấp nhận ghi nợ để sau này khi giá xăng dầu xuống lại tiếp tục trích lập, khi khó khăn phải bỏ ra dùng như câu nói của người xưa tích cốc phòng cơ", Bộ trưởng khẳng định.

Trong trường hợp Quỹ Bình ổn giá xăng dầu không còn nữa, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã đề nghị Chính phủ và Chính phủ cũng đã xây dựng dự thảo Nghị quyết đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giảm thuế bảo vệ môi trường. Nhưng nếu giá thế giới tăng cao sẽ tiếp tục sử dụng công cụ thuế, phí khác. Hết công cụ thuế, phí mà vẫn không ổn, trong khi giá thế giới cao thì giá trong nước cũng sẽ tăng cao". Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng nêu rõ, "để kìm giá, giữ chỉ số CPI và để đối tượng dễ tổn thương không khó khăn hơn, thì các bộ ngành, cơ quan hữu quan sẽ đề nghị Chính phủ sử dụng các quỹ an sinh xã hội từ ngân sách để hỗ trợ đối tượng yếu thế".

Lê Sơn

 
259 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1241
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 1242
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87226123