Tổng Bí thư Hà Huy Tập sinh ngày 24/4/1906 trong một gia đình nhà nho yêu nước ở làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, người chiến sĩ cách mạng trung kiên, nhà tư tưởng lý luận xuất sắc của Đảng ta.
Sau khi tốt nghiệp Trường Quốc Học Huế với tấm bằng hạng ưu đồng chí Hà Huy Tập được bổ vào dạy tại trường tiểu học Pháp -Việt, thuộc thị trấn Nha Trang. Năm 1926 chuyển về dạy ở Trường Cao Xuân Dục, thành phố Vinh đồng chí tham gia hoạt động trong tổ chức Hội Phục Việt (sau đổi thành Hội Hưng Nam). Thấy rõ sự phát triển của hội Hưng Nam và vai trò của Hà Huy Tập, chính quyền thực dân Pháp đã tìm mọi cách lọai đồng chí ra khỏi phong trào công nhân. Nhận rõ âm mưu của địch, Hội Hưng Nam dã chuyển Hà Huy Tập vào Sài Gòn để hoạt động. Tại đây đồng chí đã cùng với một số đồng chí trong Hội sáng lập ra Kỳ Bộ Việt Nam Cách mạng Đảng ở Nam Kỳ do Nguyễn Mạnh Kiên làm Bí thư, Hà Huy Tập làm thư ký. Tháng 12-1928 đồng chí sang trung Quốc hoạt động, được Quốc tế cộng sản cử sang học tại trường Đại học Phương Đông (Liên Xô). Giữa năm 1933, Hà Huy Tập bí mật về Trung Quốc, bắt liên lạc với Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai và một số đồng chí khác lập ra Ban chỉ huỷ ở ngoài (do Lê Hồng Phong làm thư ký và Hà Huy Tập làm uỷ viên phụ trách tuyên truyền cổ động) nhằm khôi phục lại các tổ chức Đảng trong nước bị địch phá vỡ sau cao trào cách mạng 1930-1931 và chuẩn bị mọi mặt cho Đại hội lần thứ nhất của Đảng.
Tại Đại hội lần thứ nhất của Đảng (tháng 3-1935) đồng chí Hà Huy Tập chủ trì và đọc báo cáo chính trị . Đại hội đã bầu BCH và Ban Thường vụ Trung ương gồm 5 người do đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng Bí thư, đồng chí Hà Huy Tập làm Thư ký Ban Chỉ huy ở ngoài. Trên thực tế, do đồng chí Lê Hồng Phong bận đi dự đại hội VII Quốc tế Cộng sản, nên trọng trách lãnh đạo cách mạng trong thời gian này do đồng chí Hà Huy Tập đảm nhiệm.
Tháng 7-1936, Trung ương đã phân công đồng chí Hà Huy Tập về nước tổ chức lại BCH Trung ương mới và khôi phục các tổ chức Đảng trong nước. Ngày 12-10-1936, Đồng chí Hà Huy Tập triệu tập Hội nghị cán bộ; tại Hội nghị này đồng chí chính thức được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.
Sau hai lần bị bắt, bị thực dân Pháp tuyên án tử hình và ngày 28/8/1941, chúng đã xử bắn đồng chí Hà Huy Tập taị trường bắn Hóc Môn, tỉnh Gia Định (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh).
35 năm tuổi đời, 16 năm hoạt động cách mạng, gần 2 năm làm Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Hà Huy Tập đã có nhiều đóng góp to lớn cho Đảng và cho cách mạng Việt Nam.
Trong thời gian làm Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Hà Huy Tập dã tận dụng được những thời cơ, tích cực lăn lộn trong phong trào quần chúng, móc nối với các tổ chức Đảng trong nước sớm hình thành được BCH . “Trong một năm đồng chí đã triệu tập và chủ trì 3 Hội nghị Trung ương (tháng 3-1937; tháng 9-1937 và tháng 3-1938). Các Hội nghị đó đã tổng kết tình hình, đề xuất nhiều chủ trương, biện pháp quan trọng, lãnh đạo, đưa phong trào đấu tranh cách mạng tiến lên những bước mới.
Đến trước Hội nghị Trung ương tháng 3-1938, Đảng ta dưới sự lãnh đạo của BCH Trung ương do đồng chí đứng đầu đã khôi phục được các cơ quan lãnh đạo của cả ba Xứ uỷ và nhiều Tỉnh uỷ ở các địa bàn trọng điểm trong cả nước, tạo cơ sở về tổ chức và lực lượng để Đảng ta vững bước tiến lên trong các giai đoạn sau”
Vốn là người say mê nghiên cứu lý luận Mác-Lênin, ngay từ khí đang học tại trường Đại học Phương Đông (Liên Xô), đồng chí đã say mê nghiên cứu các tác phẩm kinh điển của C. Mác-Ph. Ăng ghen, V.I Lênin, các văn kiện của Quốc tế Cộng sản và Đảng cộng sản Liên Xô; đồng chí đã viết nhiều bài gửi tạp chí Bôn-sơ-vich, cơ quan lý luận của Đảng cộng sản Pháp và biên soạn nhiều tài liệu khác. Đồng chí từng là Tổng Biên tập tạp chí Bôn-sơ -vích.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hà Huy Tập đã hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp của Đảng, của dân tộc. Tài năng và phẩm chất của Tổng Bí thư Hà Huy Tập là tấm gương bất diệt để những người cộng sản và toàn thể Nhân dân Việt Nam học tập và noi theo.
Đánh giá công lao của Tổng Bí thư Hà Huy Tập, trong diễn văn tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí có đoạn "Cùng với các bậc tiên liệt cách mạng khác, đồng chí đã anh dũng hy sinh trước họng súng của kẻ thù. Đồng chí Hà Huy Tập ngã xuống với niềm vững tin vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng. Tinh thần Hà Huy Tập bất tử. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí sống mãi trong lịch sử vinh quang của Đảng và của dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của Đảng và dân tộc ta từng nói: “Các đồng chí ta như đồng chí Trần Phú, đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Hoàng Văn Thụ và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay''.
Kỷ niệm 106 năm ngày sinh đồng chí Hà Huy Tập là dịp để chúng ta hiểu sâu hơn thân thế và sự nghiệp của của một Tổng Bí thư; bày tỏ sự ngưỡng mộ một nhà lãnh đạo tài ba của Đảng và Nhân dân ta, một nhà tư tưởng, lý luận xuất sắc, một chiến sĩ cộng sản trong sáng, có cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh vô cùng phong phú, oanh liệt vẻ vang. Trí Ánh